Dự lễ khánh thành cầu dân sinh Nà Pa tại Bản Riềng, xã Sơn Lộ, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng có sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Bá Bình - Phó Hiệu trưởng; ThS. Nguyễn Sơn Tùng - Trưởng phòng Công tác sinh viên; ThS. Trần Trọng Đại - Bí thư Đoàn Trường, cùng các uỷ viên Ban Chấp hành Đoàn trường.
Đón tiếp Đoàn công tác của trường Đại học Luật Hà Nội, có ông Lã Hoài Nam (Bí thư Huyện uỷ), đ/c Hứa Thị Thu (Phó bí thư thường trực Huyện uỷ), đ/c Hoàng Văn Cương (Phó chủ tịch UBND Huyện), đ/c Hoàng Thị Đà (Phó chủ tịch UBND Huyện) cùng nhiều đ/c lãnh đạo Huyện đoàn Bảo Lạc, Đảng uỷ, UBND, HĐND xã Sơn Lộ và đông đảo bà con nhân dân.
Cầu dân sinh Nà Pa được khởi công và tiến hành xây dựng trong hơn 1 năm qua. Việc thi công cầu gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc vận chuyển, tập kết nguyên vật liệu, cũng như ảnh hưởng của Cơn bão số 3 năm 2024. Cây cầu nhỏ bé nhưng mang trong mình ước mơ lớn lao của người dân nơi đây về một con đường an toàn, thuận tiện trong mùa mưa lũ.
Đây không chỉ là kết quả của vật chất và công sức, mà còn là sự đóng góp đầy trách nhiệm và tình cảm của Trường Đại học Luật Hà Nội cùng sự phối hợp, hỗ trợ từ chính quyền và người dân địa phương. Cây cầu này sẽ giúp người dân lao động nơi đây có thể di chuyển ra nương rẫy làm việc trên con đường bằng phẳng và an toàn hơn, đặc biệt là vào mùa mưa lũ, giảm thiểu rủi ro khi phải qua những con suối hiểm trở; giúp các em nhỏ có thể di chuyển đến trường thuận lợi, an toàn.
"Sự hiện diện của cầu dân sinh Nà Pa như một minh chứng của nghĩa tình và tấm lòng nhân ái, một mùa xuân ấm áp nơi biên cương Tổ quốc." Đại diện lãnh đạo địa phương xúc động chia sẻ tại lễ khánh thành cây cầu.
![]() |
PGS.TS Nguyễn Bá Bình – Phó Hiệu trưởng, ThS. Trần Trọng Đại - Bí thư Đoàn Trường cùng bà Hứa Thị Thu (Phó bí thư thường trực Huyện uỷ), bà Hoàng Thị Đà (Phó chủ tịch UBND Huyện Bảo lạc), bà Nông Thị Duyên (Quyền Chủ tịch UBND xã Sơn Lộ) cắt băng khánh thành công trình cầu dân sinh Nà Pa.
Sau lễ khánh thành cầu dân sinh Nà Pa, các thầy cô, sinh viên của Đại học Luật Hà Nội đã trao trao tặng tủ sách Pháp luật cho Trường Dân tộc Nội trú THCS Bảo Lạc như một món quà nhỏ nhưng đầy ý nghĩa mà tuổi trẻ Trường Đại học Luật Hà Nội gửi gắm đến đồng bào nơi vùng cao biên giới. Tham dự buổi lễ này cùng với các thầy cô, sinh viên Đại Học Luật Hà Nội, còn có có sự tham dự của bà Hứa Thị Thu, Phó Bí thư Huyện uỷ Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, bà Lục Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường Dân tộc Nội trú THCS Bảo Lạc.
Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Bảo Lạc có tiền thân là Trường Thiếu nhi Vùng cao huyện Bảo Lạc, với hơn 55 năm hình thành và phát triển. Dù trải qua nhiều khó khăn, thiếu thốn và phải di chuyển qua nhiều địa điểm khác nhau, nhà trường luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thực hiện tốt công tác giáo dục và đào tạo học sinh dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng vào việc nâng cao dân trí và đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương.
"Tại các vùng sâu, vùng xa, các em học sinh còn thiếu thốn điều kiện tiếp cận thông tin và giáo dục pháp lý, Ban Tổ chức chương trình Xuân Biên Giới 2025 đã trao tặng tủ sách pháp luật cho nhà trường và các em học sinh, với hy vọng rằng tủ sách sẽ trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy, giúp nâng cao hiểu biết, lan tỏa nhận thức và khơi dậy tinh thần sống và làm việc theo pháp luật." PGS.TS Nguyễn Bá Bình - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ.
![]() |
PGS.TS Nguyễn Bá Bình - Phó Hiệu trưởng thay mặt Đoàn tình nguyện trao tặng tủ sách pháp luật tại trường Dân tộc Nội trú THCS Huyện Bảo Lạc.
Trong khuôn khổ chương trình “Xuân Biên Giới 2025”, đoàn công tác của Trường Đại Học Luật Hà Nội đã tới Căng Bắc Mê - một địa danh mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa, nằm tại huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang. Đây là di tích lịch sử thời kỳ kháng chiến chống Pháp - tọa lạc trên sườn núi Rồng thuộc địa bàn thôn Đồn Điền, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang.
Trong thời gian từ năm 1939 đến 1942, thực dân Pháp đã sử dụng Căng Bắc Mê làm nơi giam tù chính trị. Đến cuối 1945, Căng Bắc Mê được giải phóng cùng với thành công của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại địa phương. Nơi đây đã trở thành địa chỉ “đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống Cách mạng cho người dân Việt Nam ta. Đoàn tình nguyện cũng đã mang tới Bắc Mê những món quà ấm áp và thiết thực đến với bà con nơi đây.
![]() |
Đoàn tình nguyện thăm Di tích Lịch sử Căng Bắc Mê, Hà Giang.
Chương trình tình nguyện “Xuân Biên Giới 2025” - một hoạt động ý nghĩa do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Trường Đại học Luật Hà Nội phối hợp với Hội Sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức.
Đây không chỉ là một chương trình tình nguyện mà còn là dịp để các tình nguyện viên cảm nhận rõ hơn về cuộc sống của người dân vùng cao, cũng như tạo ra những kết nối đầy ý nghĩa, thể hiện tinh thần “Lá lành đùm lá rách” và tình yêu thương trong cộng đồng, lan tỏa những thông điệp yêu thương, xua tan giá lạnh bằng tấm lòng nhân ái và sự sẻ chia trước những khó khăn mà người dân phải đối mặt.
Bên cạnh việc hỗ trợ vật chất, “Xuân Biên Giới 2025” của các sinh viên trường Luật cũng tập trung vào việc nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ hiểu rõ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
Đặc biệt, chương trình là một trong những hoạt động kỷ niệm chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Luật Hà Nội lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2025 - 2030) và hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIV.
Một số ảnh nổi bật trong chuyến đi tình nguyện “Xuân Biên giới 2025”
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |