Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2020- 2025: Cơ cấu thu ngân sách nhà nước ngày càng bền vững

(PLVN) -Nhìn lại nhiệm kỳ 2015- 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hướng đến số thu ngân sách năm 2029, song theo đánh giá của Bộ Tài chính quy mô thu ngân sách nhà nước được củng cố, cơ cấu thu ngân sách nhà nước bền vững hơn...
Đại hội có sự tham dự của 289 đại biểu.
Đại hội có sự tham dự của 289 đại biểu.

Sự kiện đặc biệt

Với chủ đề: 'Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo, phát triển', hôm nay, 28/8, Bộ Tài chính đã long trong tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Tài chính lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025.

Bí thư Đảng ủy Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu khai mạc đại hội.
 Bí thư Đảng ủy Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu khai mạc đại hội.

Phát biểu khai mạc, Bí thư Đảng bộ Bộ Tài chính, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2020-2025 là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Toàn Ngành đã hăng hái thi đua lập thành tích chào mừng đại hội đảng các cấp, triển khai chào mừng Quốc khánh 2/9 và Ngày Thành lập ngành Tài chính 28/8/1945-28/8/2020. 

“Để chuẩn bị cho Đại hội, trong thời gian qua, Đảng bộ Bộ Tài chính đã tập trung lãnh đạo tổ chức thành công đại hội tại 263 chi bộ thuộc 51 đảng bộ trực thuộc. Đại hội các chi, đảng bộ có nhiều đổi mới, chuẩn bị chu đáo các văn kiện, dành nhiều thời gian thảo luận, nhiều tổ chức đảng bầu trực tiếp bí thư tại đại hội với tỷ lệ phiếu tập trung cao; thực hiện tốt phương châm, bí thư cấp ủy đồng thời thủ trưởng cơ quan…” - Bí thư Đảng bộ, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu.

Thứ trưởng cũng cho biết, các đại hội đã diễn ra trong không khí dân chủ, đoàn kết, trí tuệ, đúng với nguyên tắc điều lệ Đảng. Cùng với quá trình tổ chức đại hội, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đã tổ chức chỉ đạo nhiều phong trào thi đua yêu nước trong cơ quan tổ chức, đơn vị để chào mừng đại hội đảng các cấp.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ quan trọng của đại hội là  đánh giá tổng kết tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXIV nhiệm kỳ 2015-2020, trên cơ sở đó, chỉ rõ khuyết điểm, nguyên nhân và rút ra các bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ 2020-2025.

Thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị

Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Đại hội
 Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Đại hội

Đánh giá nhiệm kỳ 2015- 2020, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã nhấn mạnh, trong 5 năm qua, Ban cán sự đảng đã phối hợp chặt chẽ với Đảng bộ Bộ Tài chính cụ thể hóa các chủ trương, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết của Đảng bộ Bộ Tài chính lần thứ 24 bằng các chương trình hành động; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Bộ.

Trong đó, đáng chú ý, quy mô thu ngân sách nhà nước (NSNN) được củng cố, cơ cấu thu NSNN bền vững hơn; quản lý thu NSNN ngày càng hiệu quả. “Đại dịch Covid-19 đã tác động sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội (KT-XH), làm thu NSNN năm 2020 gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, quy mô thu ngân sách 5 năm 2016-2020 vẫn tăng khoảng 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015, bình quân đạt khoảng 24,5% GDP, trong đó từ thuế phí đạt khoảng 20,5% GDP, vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Tài chính lần thứ XXIV”- Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng  Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Cũng với đó, chi NSNN được kiểm soát chặt chẽ theo đúng dự toán NSNN được giao; đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính – NSNN. Cơ cấu lại chi NSNN bước đầu đạt kết quả tích cực, chi đầu tư phát triển đoạn 2016-2020 chiếm khoảng 27-28% tổng chi NSNN; chi thường xuyên bao gồm cả chi tạo nguồn cải cách tiền lương khoảng 63% tổng chi NSNN (mục tiêu Nghị quyết 07-NQ/TW dưới 64%). 

Đã ưu tiên bố trí nguồn lực để tăng cường tiềm lực dữ trữ quốc gia (DTQG). Trong giai đoạn 2015-2020, quy mô DTQG đã từng bước củng cố và phát triển. Dự kiến đến hết năm 2020, quy mô DTQG đạt khoảng 11.000 tỷ đồng, gấp 1,23 lần so với năm 2015. 

Bên cạnh đó, đã thực hiện đẩy mạnh việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng NSNN, tài sản công. Hiệu quả, hiệu lực của công tác thanh tra, kiểm tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại được nâng cao...

Trong 5 đột phá của nhiệm kỳ 2020- 2025, liên quan đến cơ cấu NSNN, Đại hội đã đề ra mục tiêu: Củng cố tiềm lực, nâng cao hiệu quả của nền tài chính quốc gia, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại NSNN và thị trường tài chính; khơi thông và phát huy tiềm lực tài chính dân cư và doanh nghiệp trong đầu tư phát triển kinh tế xã hội, xóa đói, giảm nghèo.

Nhiệm lỳ 2015- 2020 đánh dấu sự đột phá trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các quy trình quản lý hiện đại vào công tác quản lý tài chính - NSNN. Đã thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử ngành tài chính, xây dựng hệ thống thông tin báo cáo kết nối với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN,...

Bộ Tài chính đã 7 năm liền dẫn đầu khối các Bộ, ngành về chỉ số mức độ sẵn sàng ứng dụng CNTT và 6 năm liền đứng trong top 3 các bộ, ngành cơ quan trung ương về chỉ số cải cách hành chính Par Index. Cùng với đó đã, chú trọng rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, triển khai cơ chế một cửa trong giải quyết TTHC, triển khai mạnh mẽ dịch vụ công trực tuyến. Thời gian nộp thuế đã giảm được 300 giờ từ 537 giờ năm 2014 xuống còn 237 giờ năm 2020; thời gian tiếp nhận và thông qua đối với hàng luồng xanh chỉ còn từ 01-03 giây. 

Trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác xây dựng bộ máy cũng ghi “điểm” khi đến tháng 3/2020  Bộ Tài chính đã thực hiện sắp xếp, cắt giảm được trên 5.641 đầu mối các đơn vị từ cấp trung ương đến cấp tổ (đội) tại địa phương; giảm 4.543 vị trí lãnh đạo quản lý. Thực hiện tốt các Nghị quyết của Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, năm 2020 đã thực hiện giảm được 8,7%, phấn đấu đến năm 2021 tối thiểu giảm 10% biên chế được giao so với năm 2015. 

Đọc thêm