Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX: Nhấn mạnh trách nhiệm chấp hành pháp luật của người tu hành

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027 chính thức diễn ra vào ngày 28 – 29/11/2022 tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt – Xô, Thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của 1.091 đại biểu.
Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX: Nhấn mạnh trách nhiệm chấp hành pháp luật của người tu hành

Chiều 23/22, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thông tin với báo giới về Đại hội.

Ghi nhận thành tựu của 4 đề án lớn về văn hóa Phật giáo

Hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nhiệm kỳ VIII (2017-2022) vừa qua đã diễn ra trong bối cảnh phần lớn thời gian nhiệm kỳ phải đối diện với những khó khăn, thách thức trong tình hình phòng, chống đại dịch COVID-19.

Mặc dù vậy, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đã điều hành linh hoạt, sáng tạo các hoạt động Phật sự của Giáo hội. Các Ban, Viện TW, Ban Trị sự các cấp đã đạt được những mục tiêu, kế hoạch đề ra trong nhiệm kỳ như: Tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 3 được tổ chức tại Việt Nam năm 2019 tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam có sự tham dự của hơn 5.000 đại biểu đến từ 112 quốc gia, vùng lãnh thổ; Tổ chức thành công, trang nghiêm, trọng thể Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (07/11/1981 – 07/11/2021) theo hình thức trực tuyến với chủ đề: “40 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Hội nhập và phát triển cùng đất nước...

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nghiệm thu và cho triển khai các thành tựu của 4 đề án lớn về văn hóa Phật giáo: Pháp phục Phật giáo Việt Nam, Kiến trúc Phật giáo Việt Nam, Ngôn ngữ Phật giáo Việt Nam, Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Thành tựu của các đề án này làm cơ sở khoa học để chúng ta một mặt đưa ra được hệ giá trị bất biến trong văn hóa Phật giáo Việt Nam và truyền thống văn hóa dân tộc, đồng thời mở ra không gian sáng tạo, đưa vào đó dấu ấn của thời đại. Kinh sách Phật giáo đã được dịch ra tiếng Việt, ngôn ngữ Việt hóa phù hợp và dễ hiểu cho Phật tử và những người yêu mến đạo Phật, tập hợp hình thành bộ kinh tụng chung cho tất cả Tăng Ni toàn Giáo hội trong nghi thức đại lễ quốc gia.

Công tác từ thiện an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được thực hiện thường xuyên, liên tục với giá trị hơn 7.000 tỷ đồng. Công tác ích nước, lợi dân, ích đạo, lợi đời có sự phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong hệ thống chính trị, có hiệu quả thiết thực chung tay thực hiện tốt sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước…

Tu chỉnh Hiến chương phù hợp với giới luật và luật pháp của Nhà nước

Trao đổi với báo chí, Hòa thượng Thích Huệ Thông - Phó Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, với chủ đề “Kỷ cương – Trách nhiệm – Đoàn kết – Phát triển”, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX là một sự kiện quan trọng được tiến hành theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

“Kỷ cương không chỉ là giáo pháp, giáo lý với Tăng, Ni, Phật tử mà còn bao hàm cả trách nhiệm chấp hành pháp luật Nhà nước”, Hòa thượng Thích Huệ Thông nhấn mạnh.

Cũng theo Hòa thượng Thích Huệ Thông, từ thời điểm Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập vào năm 1981, Hiến chương Giáo hội đã trải qua 6 lần thay đổi. Bản Hiến chương hiện hành nhất gồm 13 chương và 71 điều, được thông qua năm 2017 tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (2017 – 2022). Đại hội Phật giáo lần thứ IX sẽ tu chỉnh Hiến chương Giáo hội để đáp ứng theo những thay đổi của pháp luật hiện hành và tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động của Tăng Ni, Phật tử.

“Hiến chương được tu chỉnh sẽ làm rõ các vấn đề về tổ chức tôn giáo trực thuộc, ban quản trị chùa, quyền sở hữu tài sản của Tăng, Ni, người thuộc Giáo hội... Kế hoạch tu chỉnh Hiến chương được đưa ra trong bối cảnh Hiến chương hiện hành tồn tại từ trước khi Luật Tín ngưỡng Tôn giáo có hiệu lực, đồng thời Luật Đất đai mới cũng sắp được ban hành. Quá trình tu chỉnh Hiến chương, Giáo hội có tham khảo chi tiết với Ban Tôn giáo Chính phủ để đảm bảo vừa phù hợp với giới luật của đạo Phật, vừa phù hợp luật pháp của Nhà nước”, theo Hòa thượng Thích Huệ Thông.

Cũng trong chương trình của Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, hòa thượng Thích Trí Quảng sẽ được chính thức suy tôn thành Đức đệ tứ pháp chủ của Giáo hội. Trước đó, sau khi Đức đệ tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ viên tịch, hòa thượng Thích Trí Quảng đã được suy cử làm Quyền pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đọc thêm