HĐND TP Hà Nội: Thí điểm lập vùng phát thải thấp tại quận Hoàn Kiếm, Ba Đình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hôm qua (12/12), Sau 3,5 ngày làm việc, Kỳ họp thứ 20, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, thông qua 6 nghị quyết để triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu bế mạc Kỳ họp. (Ảnh: Gia Huy)
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu bế mạc Kỳ họp. (Ảnh: Gia Huy)

Thông qua nhiều nghị quyết triển khai thi hành Luật Thủ đô

Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, HĐND đã biểu quyết thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2025 với 25 chỉ tiêu, 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó mục tiêu là nghiêm túc, khẩn trương trong triển khai các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Đồng thời, triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả Luật Thủ đô 2024 đã được Quốc hội thông qua và 2 Quy hoạch Thủ đô sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tập trung xây dựng ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá, hiệu quả, khả thi để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế; tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, phát triển đô thị; tập trung xử lý, giải quyết triệt để, hiệu quả các vấn đề về: ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, nước thải, không khí, hạ tầng giao thông; sắp xếp, hoàn thiện tổ chức, bộ máy "Tinh gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"...

Các nghị quyết chuyên đề được HĐND thông qua tại Kỳ họp này có nhiều nội dung quan trọng như biên chế và chỉ tiêu lao động khối chính quyền; thành lập các thôn, tổ dân phố mới…

Đặc biệt, 6 nghị quyết để triển khai thi hành Luật Thủ đô năm 2024 gồm: Quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức; quy định thực hiện vùng phát thải thấp; mức tiền phạt trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; các quy định về hoạt động của Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đây là những cơ chế, chính sách, cơ sở pháp lý quan trọng, tác động sâu rộng, kịp thời thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp và giải quyết các vấn đề dân sinh, bức xúc.

HĐND đề nghị UBND TP ngay sau Kỳ họp chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, xây dựng kế hoạch, chủ động tổ chức triển khai, bảo đảm các nghị quyết của HĐND TP được tổ chức thực hiện kịp thời, đầy đủ, sớm đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực.

Quy định cụ thể lộ trình lập vùng phát thải thấp

Một trong những vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm, là HĐND TP đã thông qua nghị quyết quy định thực hiện vùng phát thải thấp (LEZ) trên địa bàn Hà Nội, có hiệu lực từ 1/1/2025.

Nghị quyết này quy định về tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng LEZ; phạm vi vùng LEZ và các biện pháp được áp dụng trong vùng theo lộ trình phù hợp trên địa bàn. Theo nghị quyết, tiêu chí xác định vùng LEZ gồm: Thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải được xác định tại Quy hoạch Thủ đô đến 2030, tầm nhìn 2050; khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông từ mức độ D - F theo TCVN 13592:2022 đường đô thị - yêu cầu thiết kế; chất lượng không khí trung bình năm đánh giá trong tối thiểu 1 năm gần nhất không đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng không khí (QCVN 05:2023/BTNMT) với các thông số chính: SO2, NO2, tổng bụi lơ lửng TSP; bụi PM10, bụi PM2,5.

Điều kiện tổ chức vùng LEZ: Khu vực được quy hoạch phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng hoặc khu vực có đủ điều kiện hạ tầng giao thông đường bộ để tổ chức giao thông phù hợp; có phương án giám sát, đánh giá về mức độ phát thải và quá trình giảm phát thải trong khu vực; có điều kiện đáp ứng các giải pháp chuyển đổi phương tiện giao thông phù hợp.

Các biện pháp áp dụng trong vùng phát thải thấp gồm: Cho phép các phương tiện giao thông không phát sinh khí thải, xe cơ giới thân thiện môi trường, xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường, xe ưu tiên và phương tiện giao thông có giấy phép lưu thông của cơ quan thẩm quyền được lưu thông trong vùng LEZ; cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel trong vùng LEZ; hạn chế hoặc cấm xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và xe mô tô, xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2 lưu thông vào vùng LEZ theo khung giờ/thời điểm hoặc khu vực.

Còn có các biện pháp đề xuất ban hành các loại phí và lệ phí với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có phát thải lưu thông trong vùng LEZ; đề xuất chính sách hỗ trợ những đối tượng sinh sống và làm việc trong vùng LEZ, các tổ chức, DN thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, phương tiện giao thông không phát thải; đề xuất chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch từ ngân sách TP và các nguồn kinh phí hợp pháp khác; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thực hiện vùng LEZ; các biện pháp khác phù hợp với đặc thù của địa phương.

Về lộ trình thực hiện vùng LEZ, từ 2025 - 2030: Thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình; khuyến khích các địa phương lập vùng LEZ. Từ năm 2031 trở đi: các khu vực trên địa bàn TP có một trong các tiêu chí quy định tại Điều 4 Nghị quyết này phải thực hiện vùng LEZ.

Trong phần chất vấn của Kỳ họp, một số đại biểu cũng đề nghị lãnh đạo các sở, ngành tìm giải pháp phát triển, khai thác các bãi đỗ xe trên địa bàn.

Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Anh Quân cho biết, liên quan việc bổ sung cơ chế đầu tư bãi đỗ xe cao tầng và ngầm, trong Luật Thủ đô 2024 vừa được Quốc hội thông qua có nội dung liên quan thay thế Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND của HĐND TP về ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, khai thác bến bãi đỗ xe và các phương tiện cơ giới.

UBND TP hiện đang giao Sở GTVT xây dựng cơ chế, bởi trong cơ chế của Luật Thủ đô có đề cập tạo tiền đề thu hút đầu tư trên địa bàn. Sở KH&ĐT đang nghiên cứu nội dung đấu giá quyền khai thác và tham mưu UBND TP thông qua việc sử dụng đầu tư công khai thác bãi đỗ xe ngầm.

Theo ông Quân, thời gian qua, Sở KH&ĐT đã bàn việc thống kê theo quy hoạch các bãi đỗ xe ngầm, đặc biệt các bãi đỗ xe trong khu vực nội đô. Một số địa bàn (quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng) đang có ý kiến xem xét đưa vào hình thức đầu tư công, Sở đang bàn và xin hướng dẫn; dự kiến hoàn thành trong quý II/2025.

Cùng trả lời về nội dung bãi đỗ xe, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Phi Thường cho hay, toàn TP có 1.690 điểm trông xe, theo quy hoạch diện tích giao thông tĩnh phải đáp ứng 3 - 4% nhưng thực tế mới đạt 0,5%. Tình trạng thiếu trầm trọng bãi đỗ xe liên quan đến ùn tắc giao thông và an ninh trật tự. Đầu tháng 11/2024, lãnh đạo UBND TP đã chủ trì cuộc họp với các ngành về vấn đề này và thông báo danh mục chỉ đạo công việc.

Theo ông Thường, mặc dù Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, nhưng vẫn khó khăn, do số vốn bỏ ra lớn mà nguồn thu thấp, nên khó thu hút đầu tư, khiến dự án chậm tiến độ. UBND TP đã chỉ đạo các sở, quận, huyện rà soát toàn bộ và xây dựng được 9 dự án; trong đó đã đề nghị Sở KH&ĐT đưa 73 danh mục này vào khuyến khích đầu tư.

Giám đốc Sở GTVT cho biết, liên quan khu vực đỗ xe tạm, các kỳ họp trước, đại biểu HĐND TP đã chất vấn, nhưng đây là vấn đề liên quan nhiều đạo luật. Tới đây Sở sẽ tham mưu, trình UBND TP quy định 250 tuyến phố được phép trông xe với điều kiện không ùn tắc, góp phần bảo đảm trật tự đô thị.

Đọc thêm