Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết về quyền phủ quyết tại HĐBA

(PLVN) - Ngày 26/4, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã nhất trí thông qua nghị quyết do Công quốc Liechtenstein đề xuất, theo đó yêu cầu 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ bao gồm Nga, Trung Quốc, Mỹ, Pháp và Anh phải giải trình khi họ sử dụng tới quyền phủ quyết tại HĐBA.
Một phiên họp của HĐBA.

Theo AFP, văn bản của nghị quyết do Liechtenstein đề xuất được đồng tác giả bởi các thành viên P5 là Anh, Pháp và Anh, và 80 nước khác.

Do đã nhận được sự ủng hộ của nhiều các thành viên LHQ nên dự thảo nghị quyết được thông qua theo nguyên tắc đồng thuận, không cần bỏ phiếu.

Một trong những điểm cốt lõi của nghị quyết này là Đại hội đồng sẽ có quyền họp phiên toàn thể thảo luận về vấn đề mà một hay nhiều nước ủy viên thường trực HĐBA sử dụng quyền phủ quyết để cản trở HĐBA ra nghị quyết liên quan.

Phiên họp đó của Đại hội đồng sẽ được tiến hành trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi quyền phủ quyết được đưa ra.

Tuy nhiên, nghị quyết không có tính ràng buộc và nếu bất kỳ quốc gia nào trong HĐBA không muốn giải thích về việc họ sử dụng quyền phủ quyết, thì cũng không có cách nào để buộc họ phải làm như vậy.

Những người phản đối cho rằng nghị quyết sẽ chia rẽ LHQ hơn nữa, trong khi những người ủng hộ cho rằng nó sẽ thúc đẩy sự minh bạch và có thể giúp khắc phục mọi hành vi lạm dụng quyền phủ quyết.

Kể từ lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1946 tới nay, quyền phủ quyết của ủy viên thường trực HĐBA đã được sử dụng 295 lần.

Trong đó Nga từng 143 lần sử dụng quyền này, Mỹ 86 lần, Anh 30 lần còn Trung Quốc và Pháp từng 18 lần sử dụng quyền phủ quyết.

Trong cơ chế hiện nay của LHQ, chỉ cần một trong 5 nước ủy viên thường trực HĐBA dùng tới quyền phủ quyết thì HĐBA không thể ra được quyết sách cho dù đối với vấn đề khẩn cấp.

Ngoài 5 nước ủy viên thường trực, HĐBA còn có 10 thành viên được bầu trong 2 năm, nhưng các nước này không có quyền phủ quyết.

Đọc thêm