Tại buổi tiếp, Bí thư Quảng Ninh vui mừng chào đón và cảm ơn ngài đại sứ luôn dành tình cảm cho Quảng Ninh và khẳng định, Quảng Ninh là vùng đất của những di sản thế giới, ngoài Vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, hiện tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với các đơn vị liên quan trình UNESCO công nhận quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới.
Hằng năm, những địa điểm du lịch của Quảng Ninh đã thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng. Riêng đối với thị trường khách Ấn Độ, trong năm 2023, Ấn Độ có lượng khách đến Quảng Ninh nhiều thứ 5 và trong 6 tháng đầu năm 2024 du khách Ấn Độ đến Quảng Ninh nhiều thứ 3 trong các nước quốc tế.
Ông Nguyễn Xuân Ký mong ngài đại sứ tiếp tục quan tâm ủng hộ tỉnh Quảng Ninh mở rộng mối quan hệ ngoại giao, thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, tương đồng với đất nước Ấn Độ; là cầu nối thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển giáo dục, đào tạo cán bộ, nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin; hỗ trợ các suất học bổng cho học sinh, sinh viên Quảng Ninh sang học tập tại Ấn Độ, nhất là những ngành, lĩnh vực có thế mạnh của Ấn Độ; hỗ trợ thu hút các nhà đầu tư Ấn Độ đến Quảng Ninh nhiều hơn, hiệu quả hơn, nhất là ở địa bàn KKT ven biển Quảng Yên, KKT Vân Đồn với những ngành nghề công nghiệp chế biến, chế tạo, logistics, y dược; quan tâm hỗ trợ lĩnh vực y tế, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Quang cảnh buổi tiếp xã giao. |
Ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu đạt được của Quảng Ninh trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt là trong phát triển kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Ngài đại sứ tiếp nhận đầy đủ thông tin của tỉnh Quảng Ninh và sẽ truyền đạt đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Ấn Độ để tìm hiểu, đầu tư vào Quảng Ninh một cách hiệu quả. Ngài đại sứ cũng đã chia sẻ một số thông tin về một số ngành, lĩnh vực có thế mạnh của Ấn Độ, từ đó tỉnh Quảng Ninh có sự lựa chọn phù hợp để thúc đẩy hợp tác phát triển, nhất là trong lĩnh vực du lịch tâm linh, y học, văn hóa, giáo dục đào tạo.