Đại sứ Pháp: Chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Việt Nam sẽ tạo nên cú hích trong quan hệ hợp tác song phương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hôm nay (3/5), Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam thăm chính thức Pháp theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Pháp Jean Castex từ ngày 3-5/11/2021.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính duyệt Đội Danh dự. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính duyệt Đội Danh dự. Ảnh: TTXVN

Trả lời phỏng vấn báo chí về chuyến thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery cho biết, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính chọn Pháp là chuyến thăm chính thức Châu Âu đầu tiên ngay sau Hội nghị COP26 tại Glasgow (Anh), thể hiện sự coi trọng mối quan hệ song phương với Pháp, do đó hai bên mong muốn kết quả chuyến thăm này được cụ thể hóa bằng các dự án hợp tác cụ thể.

Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery.

Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery.

Pháp sẽ đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn cấp cao Việt Nam với quy chế lễ tân cao nhất. Dự kiến, các nhà lãnh đạo của Pháp sẽ đón, hội đàm, thảo luận với Thủ tướng và đoàn cấp cao Việt Nam về những vấn đề hai bên quan tâm.

Đại sứ Nicolas Warnery cho biết, trong chuyến thăm chính thức Pháp lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự lễ ký kết 4 khoản cho vay viện trợ của cơ quan phát triển Pháp dành cho Việt Nam trong lĩnh vực môi trường.

Đặc biệt hai nước sẽ ký kết công nhận bằng cấp giữa hai bên, tạo thuận lợi cho việc du học của sinh viên Việt Nam sang Pháp. Đại sứ Nicolas Warnery tin rằng thời gian tới, khi dịch COVID-19 được khống chế, các chuyến bay sẽ được nối lại thường xuyên hơn để tăng cường giao lưu nhân dân giữa hai nước. Pháp mong muốn sẽ đón nhiều hơn nữa sinh viên Việt Nam sang du học.

Thời gian tới, Pháp và Việt Nam sẽ ưu tiên hợp tác các lĩnh vực truyền thống như văn hóa, y tế, môi trường, biến đổi khí hậu, kinh tế, quản trị, giao lưu nhân dân, đồng thời tập trung thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực mới như quốc phòng, năng lượng, hàng không vũ trụ…

Về công nhận hộ chiếu vaccine giữa hai bên, Đại sứ cho biết, các cơ quan y tế của các nước đang phối hợp chặt chẽ với nhau tìm ra giải pháp phù hợp với thực tiễn, để tạo điều kiện cho người dân đi lại giữa các nước.

Ông Nicolas Warneryhy vọng chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Việt Nam sẽ tạo nên cú hích trong quan hệ hợp tác song phương; đồng thời khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác phát triển hơn nữa giữa Việt Nam và Pháp với định hướng và cam kết cụ thể, mở ra hướng hợp tác song phương trong thời gian tới.

Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp Đinh Toàn Thắng: "Pháp và Việt Nam có thể cùng là những chỗ dựa cho nhau"

Thời gian vừa qua, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp đã có những bước phát triển tích cực, tuy nhiên còn rất nhiều tiềm năng cần khai thác trong bối cảnh hai nước có nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác phát triển sâu rộng hơn nữa.

Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp Đinh Toàn Thắng

Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp Đinh Toàn Thắng

Những bước phát triển về lượng cũng như về chất của quan hệ Việt Nam - Pháp đã tạo cho quan hệ hai bên có một sự tích lũy quan trọng, là nền tảng cho các đối tác hai nước tiếp tục đưa các kết nối của mình sâu rộng hơn.

Chính sách đối ngoại của hai nước cũng đang có điểm giao thoa quan trọng. Pháp và Việt Nam có thể cùng là những chỗ dựa cho nhau để triển khai chính sách của mỗi bên hướng tới khu vực bên kia, Việt Nam hướng tới Châu Âu và Pháp hướng tới Châu Á - Thái Bình Dương.

Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Pháp lần này cũng như các trao đổi cấp cao giữa hai nước trong thời gian qua đặt những khuôn khổ và tầm nhìn lâu dài cho quan hệ Việt Nam - Pháp, là cơ sở để chúng ta đưa quan hệ hai nước tiếp tục đi lên.

Các cơ chế điều phối hợp tác giữa hai bên cần hoạt động hiệu quả hơn để có thể định hướng và hỗ trợ các đối tác mở mang và thực hiện tốt các chương trình, dự án liên quan.

Hợp tác y tế sẽ là một điểm nhấn quan trọng

Trong bối cảnh Việc Việt Nam và Pháp đều đứng trước những thách thức mới đặt ra phải tập trung nỗ lực để phòng chống dịch bệnh COVID-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế, đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng và phát triển của mình, các đối tác hai bên đang tìm tòi những hướng đi hợp tác mới để đáp ứng các yêu cầu của hai nước đang ngày càng khẩn trương và đa dạng hơn.

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Pháp lần này, nội hàm y tế sẽ là một điểm nhấn quan trọng. Các vấn đề về cung cấp, nghiên cứu, hợp tác sản xuất vaccine, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống COVID-19 và hợp tác phục hồi sau đại dịch sẽ được Lãnh đạo hai nước trao đổi kỹ.

Hỗ trợ nhau về vaccine và phòng chống dịch giữa hai nước vừa qua đã có những kết quả quan trọng và sẽ tiếp tục được cụ thể hóa trong chuyến thăm. Hợp tác y tế hai bên cũng sẽ không chỉ giới hạn ở khuôn khổ song phương, mà còn mở rộng ra các cơ chế đa phương, trong các tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc, hợp tác EU-ASEAN, Pháp-ASEAN.

Cần có giải pháp để thu hút các doanh nghiệp Pháp đầu tư

Hai nước cũng sẽ tập trung thống nhất và triển khai những chương trình và kế hoạch hợp tác cụ thể về kinh tế, thương mại, đầu tư. Đến tháng 8/2021, với 3,62 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, Pháp đứng thứ 16/141 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Con số này được đánh giá là còn “khiêm tốn” so với tiềm năng hợp tác của quan hệ Việt - Pháp, so với thế mạnh của các doanh nghiệp Pháp cũng như so với nhu cầu đầu tư, phát triển của Việt Nam.

Cần có giải pháp để thu hút các doanh nghiệp Pháp đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực thế mạnh và phù hợp với định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam như: công nghệ cao, các lĩnh vực kinh tế và chuyển đổi số, y tế và dược phẩm, hàng không dân dụng, năng lượng tái tạo, xây dựng hạ tầng, giao thông công cộng, sân bay, cảng biển, phát triển nông nghiệp chất lượng cao và chế biến lương thực thực phẩm, các ngành liên quan đến môi trường....

Về thương mại, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đang tạo ra cơ hội lớn cho hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Pháp.

Rất nhiều mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, nông thủy sản... phải tận dụng được các lợi thế của Hiệp định này để vào thị trường Pháp. Vừa qua, quả vải, quả nhãn và nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đã có những bước đột phá ấn tượng, nhưng cần làm nhiều hơn nữa.

Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp cần được tiếp cận một cách tổng thể, cần được tăng cường hơn nữa cả về chiều rộng và chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực then chốt từ chính trị-ngoại giao, quốc phòng-an ninh, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, y tế-môi trường, văn hóa… để quan hệ hai bên tiếp tục gắn kết chặt chẽ, đáp ứng được lợi ích của hai nước trong một thế giới đang có những chuyển biến nhanh chóng.

Đọc thêm