Trước đây, khi còn là Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ đội Biên phòng kiêm Tổng biên tập báo Biên phòng, nhà báo Hòa Văn đã để lại nhiều dấu ấn với các chương trình phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam. Với những tác phẩm có sức lan tỏa mạnh và hiệu ứng xã hội cao như “Ký sự Biên phòng”, “Ký sự biển đảo”, được Chủ tịch nước tặng Huân chương, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen...
Không thể im lặng!
Có một điều lạ, theo lẽ thường, khi đảm nhiệm công tác quản lý, sẽ ít người còn trực tiếp cầm bút. Nhưng ông thì ngược lại. Cơn cớ nào đưa ông tới với dòng báo chí “mạo hiểm” theo một cách khác này?
- Cuộc đời quân ngũ với 43 năm là bộ đội biên phòng, trong đó 15 năm làm Tổng Biên tập báo Biên Phòng, từng ấy năm tâm huyết với việc tuyên truyền xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia. Từ khi về công tác tại Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 8/2016), với cương vị là Giám đốc Cổng Thông tin điện tử của Hội, lại là Chủ tịch Hội CCB của cơ quan, tôi nhận thấy trên vai những trách nhiệm của một nhà báo, cựu chiến binh càng lớn.
Hơn thế nữa, trong đời sống chính trị, xã hội còn nhiều vấn đề nổi cộm, trong đó có vấn đề chống tham nhũng, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ... Và có lẽ nhìn thấy những “nhiễu nhương” ấy, người làm báo như tôi phải lên tiếng.
Do vậy, mấy năm gần đây, tôi bắt đầu xây dựng những tác phẩm về đề tài này để hy vọng góp phần hoá giải những nghịch lý, ngang trái không thuận chiều trên con đường đi lên mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Từ đó giúp người đọc, cán bộ, đảng viên, công chức nhìn nhận, cảnh tỉnh và phấn đấu hơn nữa.
Đọc những tác phẩm đoạt giải của ông là những cái nhìn sắc sảo và đau đáu những trăn trở các sự kiện thời sự “ nóng” với đủ đầy sự hóa giải. Ông có thể nói rõ hơn về những loạt bài đi đến tận cùng vấn đề đó?
- Tôi đã viết nhiều tác phẩm xung quanh câu chuyện này, trong đó có 3 tác phẩm đoạt giải cao trong các Giải báo chí về phòng chống tham nhũng, Giải báo chí Búa liềm vàng, Giải báo chí Quốc gia. Đó là tác phẩm “Chống được “chạy” sẽ thành công”, 8 kỳ đăng trên Tạp chí điện tử Người Làm Báo. Tác phẩm đề cập đến thực trạng về những bất công xã hội, những bất cập, rối loạn kỷ cương do tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp…
“Chạy” đang như là một phương thức mua bán sinh lời của ba yếu tố: Quyền - Tiền - Tình, ba yếu tố này cứ đảo chiều, đổi ngôi làm vô hiệu chủ trương, pháp luật về nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, lãng phí, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và đang tiếp sức cho cả “giặc nội xâm”. Tôi đã nêu ra thực trạng, nguyên nhân, hệ lụy và giải pháp giải quyết vấn đề này, chủ yếu là sửa đổi công tác cán bộ, phát huy dân chủ của truyền thông cũng như là việc thay đổi thể chế pháp luật.
Tác phẩm thứ hai là “Binh pháp chống giặc nội xâm”, 5 kỳ đăng trên Tạp chí điện tử Người Làm Báo, trong đó khái quát, trang bị cho người đọc nhận thức về cuộc chiến rất phức tạp, rất cam go, khốc liệt, nhưng cũng đầy tính nhân văn này. Có thể nói cuộc chiến chống “giặc nội xâm” nói chung, chống tham nhũng nói riêng không có chiến tuyến rõ ràng. Cùng trong một bộ máy, người không có quyền lực chống người có quyền lực.
Người không tham nhũng chống lại người tham nhũng. Người tham nhũng ít chống lại người tham nhũng nhiều. Người tham nhũng chống lại người tham nhũng… Muốn chống tham nhũng thành công phải đổi mới toàn diện và triệt để về kinh tế và chính trị. Trong hai vấn đề này, tìm lời giải chính là thay đổi, sửa đổi hệ thống pháp luật, nghĩa là làm mới thể chế hiện nay để bảo vệ Đảng, chính thể, chế độ. Muốn đi đến thắng lợi cuối cùng phải chuẩn bị lực lượng, kiên trì đến cùng, chống tham nhũng từ nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác.
Tác phẩm thứ ba là loạt bài “Hóa giải những nghịch lý, ngang trái trên con đường đã chọn”, 5 kỳ đăng trên báo điện tử Nhà báo & Công luận, tập trung vào góp xây dựng Đảng và bộ máy Nhà nước. Trong đó có vấn đề giàu nghèo và câu chuyện lợi ích nhóm; hợp thức hoá dân chủ; thanh lọc, sàng lọc cán bộ đảng viên; trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và ngăn chặn quyền lực không chính danh.
Tôi rất vui khi những bài viết này đều được trao giải và nhiều người đọc, có tác dụng tích cực cho đời sống. Những bài viết tâm huyết đặc biệt là loạt bài đoạt giải cao, được dư luận quan tâm như vậy đã là động lực giúp tôi tiếp tục thực hiện nhiều tác phẩm hay hơn nữa.
Thực tế, đi vào dòng chính luận vừa khó, vừa kén bạn đọc, thế nhưng, ông đã hoàn toàn thuyết phục bởi những mới mẻ và sự quyết liệt của một người làm báo không lùi bước trước khó khăn?
- Thật lòng, tôi thấy mình không viết giỏi như các bạn làm ghi chép, phóng sự và lăn lộn với thực tế… Trước khi đặt bút viết, tôi phải tham khảo thông tin từ nhiều chiều, báo chí và cả mạng xã hội. Một sự kiện đặt ra thì thấy mạng xã hội thường theo tâm lí đám đông sai lệch nhưng mình phải tỉnh, nhìn thấy thực chất đằng sau nó là gì. Mình hiểu thực chất thì đánh giá, phân tích vấn đề thì mới trúng và đúng.
Đơn cử như với Luật đặc khu thì mạng xã hội chỉ quan tâm đến 70-90 năm thôi, đó là do người ta có sẵn những định kiến. Bản thân tôi là người làm báo, tôi cho rằng đó là phản ứng không trúng vấn đề. Việc nhận diện được thực chất của vấn đề phải là câu chuyện, xây dựng đặc khu có thành công không? Từ câu hỏi đó tôi đã viết bài cảnh báo lợi ích nhóm từ dự án Luật Đặc khu. Đây là bài viết đã góp tiếng nói xử lý khủng hoảng truyền thông về thời hạn cho thuê đất, đồng thời phân tích sâu về những yếu tố hạn chế thành công của nhiệm vụ xây dựng Luật Đặc khu, nhằm để Quốc hội có thêm thông tin nhìn nhận và đi đến quyết định phù hợp.
Đó là cách mà tôi thường triển khai ý tưởng và tác phẩm của mình. Tất cả những vấn đề đó có thể không mới nhưng làm thế nào để làm mới những đề tài đã cũ. Tôi luôn học hỏi, tham khảo những cây bút hay, học theo và biến hóa chứ không sáo rỗng, cứng nhắc hay lên gân lên cốt. Tất nhiên, tâm thế của người viết bài cũng rất quan trọng.
Đành rằng, muốn chống tham nhũng triệt để được thì vẫn phải quay trở lại câu chuyện thể chế, cần tạo môi trường để báo chí hoạt động, tiếp cận được các thông tin từ nhiều phía. Đặc biệt, người lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải có văn hóa tiếp thu, lắng nghe báo chí góp ý, có nghĩa là ứng xư với báo chí vừa trách nhiệm chấp hành đúng pháp luật, vừa là nhu cầu thông tin để lãnh đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Ông có chịu “sức ép” hay tâm lý e ngại khi đặt bút viết những vấn đề “ nóng” không?
- Nói thật là đã có nhiều lúc đặt bút viết mà đầy trăn trở, phải cân nhắc lắm chứ vì lẽ có rất nhiều vấn đề mà chúng ta chưa giải quyết được. Nhưng tôi luôn tin nếu mình yêu Đảng, yêu chế độ thì mình phải nói thẳng, nói thật. Tôi đến nay đã 43 năm tuổi Đảng, luôn xác định tinh thần cống hiến, bảo vệ Đảng, dùng ngòi bút của mình lên án những thế lực xấu, phá hoại Đảng và chế độ.
Trước kia, tôi cũng từng e sợ khi viết ra, các cơ quan thẩm định có những cán bộ không đủ kinh nghiệm thẩm định tác phẩm, không phân biệt được đâu là nội dung phản biện, đâu là xuyên tạc chống phá, có khi có những người nghĩ mình “lề trái” rồi rỉ tai, đặt điều làm sai lệch đi tâm ý và thiện chí của mình, có khi lãnh đạo cấp trên cũng nghe theo.
Nhưng giờ thì khác, tôi đã vững tin hơn nhiều vì Hội đồng Giải báo chí Quốc gia - giải thưởng danh giá bậc nhất hiện nay cùng nhiều hội đồng giải khác đều ghi nhận những tâm huyết của tôi. Tôi sẽ viết tiếp là tiếng nói có trách nhiệm chứ không đả phá, viết hết sức thẳng thắn để góp ý với tinh thần xây dựng.
Nhà báo trẻ cần phải biết… “đau”!
Hiện nay, có nhiều thách thức đang đặt ra về đạo đức nghề báo. Ông có nhắn nhủ gì với người cầm bút trẻ?
- Ngoài rèn luyện bản lĩnh chính trị, trình độ nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, trong môi trường hiện nay, với sự phát triển của công nghệ và sự suy thoái, tha hóa của một bộ phận cán bộ, các nhà báo trẻ cần phải cẩn trọng trong hợp tác tác nghiệp, có kỹ năng bảo vệ mình. Phải cảnh giác trước cám dỗ vật chất, phải vừa nâng cao kỹ năng tác nghiệp, kỹ năng bảo vệ sức khỏe, nhân phẩm, uy tín của chính mình, bảo vệ quyền tác giả, các tư liệu, các tài liệu trong quá trình chuẩn bị tác phẩm...
Trân trọng cảm ơn ông!