Đắk Nông thoát nghèo vào năm 2015

 Đắk Nông phấn đấu đến năm 2015 thoát ra khỏi tỉnh nghèo, năm 2020 đưa nền kinh tế đạt bình quân chung của cả nước; phát triển toàn diện và bền vững theo hướng CNH – HĐH. Đó là một trong những nội dung mà Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - ông Lê Diễn - trao đổi với PLVN về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh.

“Chúng tôi sẽ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là về giao thông; Phát triển nền nông nghiệp toàn diện, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp một cách bền vững; Sử dụng hiệu quả quỹ đất nông - lâm nghiệp; Tăng quy mô về trồng trọt, chăn nuôi, phát triển vốn rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, hoàn thiện chính sách về khuyến khích ưu đãi đầu tư...”.

Ông Lê Diễn - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông

Đó là một trong những nội dung mà Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, ông Lê Diễn, trao đổi với PLVN về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh. Ô

ng Diễn cho biết, Đắk Nông phấn đấu đến năm 2015 thoát ra khỏi tỉnh nghèo, năm 2020 đưa nền kinh tế đạt bình quân chung của cả nước; phát triển toàn diện và bền vững theo hướng CNH – HĐH...

Phát triển bền vững, toàn diện

- Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông: Đối với công nghiệp, chúng tôi sẽ rà soát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh, nhất là tập trung cho nhiệm vụ phát triển công nghiệp khai khoáng, năng lượng, vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp phụ trợ khác, đặc biệt là bô xít. Ngoài ra, chúng tôi còn khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Đồng thời, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và phát triển các tiểu vùng kinh tế trên cơ sở phát huy lợi thế của từng tiểu vùng để nâng cao tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế...

Về văn hóa - xã hội, chúng tôi sẽ đẩy mạnh và tăng cường đầu tư nguồn lực cho sự nghiệp giáo dục đào tạo, đặc biệt là nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề, nhất là dạy nghề ở khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động khoa học công nghệ; chú trọng nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi các thành tựu công nghệ sinh học phục vụ sản xuất.

Đặc biệt,  về chất lượng khám chữa bệnh, công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân sẽ được quan tâm hơn. Ngoài ra, công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng buôn, bon phát triển toàn diện trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng không ngoại lệ.

- Là một tỉnh rất non trẻ (chỉ mới thành lập được 7 năm), có đội ngũ cán bộ, lực lượng lao động trẻ trung, được đào tạo và tiếp cận với kỹ thuật, dây chuyền công nghệ mới, tác phong công nghiệp... Vậy đây có phải là một lợi thế của tỉnh không, thưa ông?.

- Đúng là tỉnh Đắk Nông có số lượng cán bộ, công chức trẻ trung, do vậy tỉnh có điều kiện lựa chọn, tuyển dụng những cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu công việc ở các sở, ngành. Đây chính là thuận lợi, là lợi thế của tỉnh. Ý thức được tầm quan trọng của vấn đề này, tỉnh đã xác định phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện phối kết hợp giữa đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ hợp lý, chú ý công tác cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Tỉnh áp dụng chính sách đãi ngộ, nhằm thu hút những người có năng lực trình độ chuyên môn cao về công tác tại tỉnh.

Cụ thể như chính sách hỗ trợ về đất làm nhà ở; chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; Trọng dụng nhân tài, hạn chế hữu hiệu tình trạng chảy máu chất xám. Và đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ ở các cấp, nhằm tạo điều kiện nâng cao năng lực công tác của đội ngũ cán bộ.

Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động, trước hết là cho nông dân, thanh niên, phụ nữ cũng được tỉnh đặc biệt chú trọng. Đó là cơ chế, chính sách về nhà ở và phúc lợi xã hội để cải thiện đời sống người lao động ở các khu, cụm công nghiệp. Mở rộng hoạt động của các Trung tâm Giới thiệu việc làm, tạo điều kiện phát triển thị trường lao động. Hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp, các tổ chức giáo dục, dạy nghề để có thể tạo dựng nguồn nhân lực có kỹ năng phù hợp với nhu cầu công việc, nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động.

Tạo cơ chế thông thoáng cho nhà đầu tư

- Thưa ông, ngành du lịch của tỉnh cũng được xem là tiềm năng, vậy tỉnh sẽ khai thác tiềm năng này như thế nào, xin ông cho biết?

- Cùng với đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thì du lịch cũng là một thế mạnh của Đắk Nông, đặc biệt là du lịch sinh thái, văn hóa. Đắk Nông có địa hình bị chia cắt mạnh xen kẽ các dãy núi cao là các thung lũng sâu tạo nên những thác nước đẹp hùng vỹ lẫn trong những cánh rừng xanh bạt ngàn, nổi tiếng với một hệ thống hơn 16 thác nước, tiêu biểu: Như Cụm thác Dray Sáp - Gia Long - Trinh Nữ (Cư Jút), thác Lưu Ly, thác Len Gun, thác Liêng Nung, Ba Tầng, Cô Tiên, thác Đắk G’Lun...

Các khu rừng có hệ động thực vật phong phú như: Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng; khu du lịch sinh thái - văn hóa - lịch sử Nâm Nung. Đặc biệt là có các địa danh đã đi vào lịch sử: Anh hùng dân tộc N’Trang Lơng, anh hùng dân tộc N’Trang Gưh,... (có 4 di tích lịch sử đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia). Đặc biệt, Đắk Nông nằm trong không gian văn hoá cồng chiêng, được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. 

Để khai thác hiệu quả thế mạnh này, Lãnh đạo tỉnh nói chung và lãnh đạo ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch nói riêng xác định đây là ngành sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Tỉnh cũng xác định loại hình du lịch sinh thái và du lịch văn hoá là hai loại hình chính, kết hợp với các loại hình khác như: Du lịch nghỉ dưỡng núi; du lịch hội nghị, hội thảo; du lịch thể thao, mạo hiểm và du lịch tham quan, nhiên cứu... Công tác đào tạo phát triển đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ về công tác du lịch cũng được thực hiện... Những chính sách, cơ chế mới được tỉnh ban hành nhằm kêu gọi và tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư vào du lịch.

- Thưa ông, việc cải cách về thể chế kinh tế, về hệ thống hành chính được lãnh đạo tỉnh đánh giá và thực hiện như thế nào?

- Những năm qua, công tác cải cách thể chế, thủ tục hành chính của tỉnh đã được đặt lên hàng đầu, tạo cơ chế thông thoáng và điều kiện tối đa cho cá nhân, doanh nghiệp vào đầu tư, làm ăn. Song song với công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Tỉnh đã chỉ đạo nghiêm túc công tác rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, tránh tình trạng chồng chéo trong cơ chế chính sách.

Đề án 30 về đơn giản hoá thủ tục hành chính của Chính phủ đã được địa phương triển khai đồng bộ ở cả 3 cấp chính quyền. Về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đang được triển khai ở cả 3 cấp chính quyền, có 70/71 xã, phường, thị trấn áp dụng cơ chế một cửa, 25/29 sở, ban, ngành, huyện, thị xã đã được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định áp cơ chế một cửa và đang tiếp tục triển khai một số cơ quan, đơn vị còn lại.

Nhìn chung, việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông thời gian qua đã đạt được những kết quả khả quan, cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa hầu hết đã đạt được chuẩn về chuyên môn, đảm bảo được kỹ năng giao tiếp, nghiệp vụ hành chính, đáp ứng được yêu cầu nghiệm vụ được giao.

Phát huy năng lực ngành tư pháp

- Ông có nhận xét, đánh giá gì về vai trò của cơ quan tư pháp trên địa bàn tỉnh thời gian qua? Để ngành Tư pháp phát triển xứng tầm trong tương lai, tỉnh đã có những bước chuẩn bị, đầu tư gì, thư ông?

- Tôi khẳng định là cơ quan tư pháp đóng vai trò quan trọng và cần thiết trong công cuộc đổi mới hiện nay. Với vai trò đó, thời gian qua Tỉnh ủy, UBND rất quan tâm công tác xây dựng, củng cố về tổ chức và đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ cho các cơ quan tư pháp tại địa phương. Cùng với việc xây dựng, kiện toàn về tổ chức các cơ quan tư pháp, tỉnh còn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh, vững vàng về chính trị, tinh thông về nghiệp vụ, bảo đảm cho hoạt động của các cơ quan tư pháp theo đúng pháp luật, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Cạnh đó, hàng năm đội ngũ cán bộ, công chức trong đó có ngành tư pháp thường xuyên được bồi dưỡng nghiệp vụ, đào tạo và đào tạo lại nhằm đáp ứng trình độ năng lực mà ngành yêu cầu. Tính đến nay, trình độ cán bộ, công chức làm công tác chuyên môn về tư pháp đều đã có chuyên môn về luật, thấp nhất là trung cấp luật (chủ yếu ở cấp xã) cao nhất là thạc sĩ luật.

Để ngành tư pháp xứng tầm trong tương lai, Tỉnh ủy, UBND đã có chủ trương tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan tư pháp, trước hết là xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ của các cơ quan tư pháp; Bảo đảm việc lãnh đạo toàn diện, chặt chẽ nhưng không bao biện làm thay; Nâng cao trách nhiệm của các tổ chức đảng và từng đảng viên trong các cơ quan tư pháp.

Đồng thời, tỉnh còn có chính sách ưu đãi trong việc thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là các ngành như: Khoa học kỹ thuật, y tế, tư pháp. Đối với công tác cán bộ, công chức, tỉnh sẽ đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức, sắp xếp phù hợp với năng lực chuyên môn, nhằm phát huy tối đa khả năng, năng lực của cán bộ, nhất là ngành tư pháp.

- Xin cảm ơn ông

Phong Trần – Ngọc Vương (thực hiện)

Đọc thêm