Đảm bảo chất lượng và yêu cầu mới tổ chức Kỳ họp bất thường

(PLVN) - Các cơ quan tham mưu trình 3 phương án dự kiến về Kỳ họp bất thường lần đầu tiên của Quốc hội để xem xét, quyết định 4 vấn đề quan trọng của đất nước.
Toàn cảnh Phiên họp 6 sáng 10/12.
Toàn cảnh Phiên họp 6 sáng 10/12.

Báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV tại Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10/12, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, về tình hình chuẩn bị các nội dung thì Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đã làm việc nhiều cuộc với Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành có liên quan.

Trên cơ sở ý kiến kết luận của Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ đã nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện các tài liệu; các cơ quan của Quốc hội đã rất nỗ lực, khẩn trương thẩm tra để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp này.

Theo đó, tại đợt 1 của Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 04 nội dung dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường: (1) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Luật (gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự); (2) Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; (3) Tờ trình của Chính phủ về cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; (4) Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Sau Phiên họp này, căn cứ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan khẩn trương tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các nội dung thì Đảng đoàn Quốc hội sẽ báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về chủ trương tổ chức Kỳ họp và những nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị theo quy chế làm việc hiện hành. Sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có căn cứ quyết định triệu tập Kỳ họp.

Phát huy kết quả về một số cải tiến tại Kỳ họp thứ 2, Kỳ họp bất thường tiếp tục cho thực hiện việc tổng hợp, giải trình nhanh ý kiến thảo luận tại tổ. Theo đó, Tổng Thư ký Quốc hội dự kiến 03 phương án tổ chức Kỳ họp như sau:

Phương án 1: Tổ chức kỳ họp trong tháng 12/2021.

Dự kiến khai mạc kỳ họp vào thứ Hai, ngày 27/12/2021, bế mạc chiều thứ Sáu, ngày 31/12/2021 để kịp kết thúc kỳ họp trong năm 2021 (trong đó, Quốc hội nghỉ 1,5 ngày).

Với phương án này, Bộ Chính trị phải cho ý kiến về các nội dung của kỳ họp trước ngày 15/12/2021. Sau đó, các cơ quan hoàn thiện việc tiếp thu, chỉnh lý các nội dung trước ngày 20/12/2021 để Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập kỳ họp chậm nhất vào ngày 20/12/2021.

Đồng thời, các cơ quan phải làm việc cả đêm, có rất ít thời gian để kịp tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận ở tổ trước khi thảo luận tại hội trường, nên đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc rút gọn một số thủ tục (cơ bản chỉ tổng hợp, giải trình nhanh ý kiến thảo luận ở 10 tổ tại Nhà Quốc hội và những tổ ở địa phương gửi báo cáo tổng hợp về cơ quan thẩm tra ngay sau khi kết thúc phiên họp) và bố trí Quốc hội nghỉ sáng ngày 28/12/2021 để tổng hợp, giải trình ý kiến thảo luận ở tổ.

Phương án 2: Khai mạc kỳ họp trong tháng 12/2021, bế mạc vào tuần đầu tháng 01/2022.

Dự kiến khai mạc kỳ họp vào thứ Hai, ngày 27/12/2021. Quốc hội sẽ họp phiên trù bị, khai mạc, trình và thảo luận ở tổ trong ngày 27/12/2021; thảo luận trực tuyến 02 ngày 30 và 31/12/2021 và bế mạc kỳ họp vào sáng ngày 04/01/2022 (trong đó, Quốc hội nghỉ ngày 28-29/12/2021 để các cơ quan tổng hợp, giải trình ý kiến thảo luận ở tổ).

Nếu lựa chọn phương án này, Bộ Chính trị cũng phải cho ý kiến về các nội dung của kỳ họp trước ngày 15/12/2021 để kịp triệu tập kỳ họp.

Phương án 3: Tổ chức kỳ họp vào đầu tháng 01/2022.

Dự kiến khai mạc kỳ họp vào thứ Ba, ngày 04/01/2022. Quốc hội sẽ họp phiên trù bị, khai mạc, trình và thảo luận ở tổ trong ngày 04/01/2022; thảo luận trực tuyến 02 ngày 07 và 08/01/2022 và bế mạc kỳ họp vào sáng ngày 11/01/2022 (trong đó, Quốc hội nghỉ ngày 5-6/01/2022 để các cơ quan tổng hợp, giải trình ý kiến thảo luận ở tổ).

Đối với phương án này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập kỳ họp chậm nhất vào ngày 28/12/2021.

Quốc hội sẽ họp trực tuyến cả kỳ qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố. Ông Bùi Văn Cường cũng đề nghị không tổ chức tiếp xúc cử tri tại Kỳ họp bất thường, kết quả kỳ họp sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và Nhân dân được biết.

Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Phiên họp 6 sáng 10/12.

Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Phiên họp 6 sáng 10/12.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội thống nhất gọi là Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, tối đa là cho ý kiến 4 nội dung, trong đó yêu cầu nội dung 3 và 4 tiếp tục hoàn thiện hơn nữa.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí yêu cầu tiếp tục chuẩn bị kỹ lưỡng cả chủ trương và nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thì mới báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến. “Đảm bảo chất lượng và đảm bảo yêu cầu thì mới tổ chức”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và khẳng định nội dung nào chuẩn bị kỹ lưỡng thì mới trình Quốc hội.

Chia sẻ thời gian cuối năm rất nhiều công việc nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Bộ Chính trị cho chủ trương tổ chức Kỳ họp bất thường vào đầu năm 2022 và sớm nhất thì sẽ khai mạc vào ngày 04/01/2022. Chủ tịch Quốc hội đề nghị bố trí đủ thời gian để các đại biểu Quốc hội thảo luận về các nội dung được trình.

Đọc thêm