Gắn hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ đã nghỉ hưu
Các Luật này đều có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2020 và điểm mới đáng chú ý là giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp; tăng số lượng Phó Chủ tịch của xã loại II. Luật cũng sửa đổi cụm từ “họp bất thường” thành “họp chuyên đề, họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất”.
Giới thiệu những nội dung cơ bản và điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, Luật không quy định công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập; giao Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện chế độ công chức đối với người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí, phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước.
Luật bổ sung và giao Chính phủ quy định cụ thể đối với cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác (áp dụng đối với cả người có hành vi vi phạm trước ngày 1/7/2020) thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm; gắn hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.
Trả lời ý kiến của một số bộ ngành, địa phương về thi tuyển công chức và tiếp nhận công chức không qua thi tuyển, đại diện Bộ Nội vụ cho hay, về tuyển dụng công chức, vẫn giữ hai hình thức là thi tuyển và xét tuyển. Tuy nhiên, xét tuyển bổ sung hai đối tượng là người học cử tuyển có nguyện vọng trở lại nơi cử mình đi học và đối tượng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và nhà khoa học trẻ.
Trên cơ sở quy định của Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương xây dựng quy định phù hợp với bộ ngành, địa phương mình. Điều này được quy định tại dự thảo Nghị định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức đang trình Thủ tướng Chính phủ.
Nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn đã ban hành
Liên quan đến việc sắp xếp số lượng cấp phó, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, Nghị định 107 quy định đối với các đơn vị sau khi sáp nhập cơ quan, tổ chức lại mà có số lượng cấp phó nhiều hơn quy định thì có lộ trình 3 năm để tiến hành sắp xếp. Tuy nhiên, với các đơn vị không tổ chức sắp xếp lại mà hiện nay số lượng cấp phó cũng đang nhiều hơn so với quy định thì không có điều khoản chuyển tiếp. Vì vậy, đề nghị bổ sung trong điều khoản chuyển tiếp của Nghị định để bố trí sắp xếp cho phù hợp.
Giải đáp vấn đề trên, đại diện Bộ Nội vụ khẳng định, không có điều khoản chuyển tiếp đối với đơn vị không sắp xếp lại tổ chức. Đối với các đơn vị giữ ổn định, không sắp xếp lại mà thực hiện không đúng số lượng cấp phó thì phải tự sắp xếp; các địa phương căn cứ vào quy định của pháp luật để thực hiện cho đúng.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nêu rõ, số lượng cấp phó thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ. Với những đơn vị vượt quá số lượng cấp phó mà không liên quan đến việc sắp xếp, phải kiên quyết thực hiện đảm bảo đúng số lượng.
Đối với việc tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn lưu ý thực hiện đúng quy định của Luật. Khi chuyển viên chức từ đơn vị sự nghiệp này sang đơn vị sự nghiệp khác phải tuân thủ Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn, theo hướng: khi viên chức có nguyện vọng chuyển đi nơi khác mà được nơi đến đồng ý tiếp nhận thì phải chấm dứt hợp đồng làm việc ở tại đơn vị đó, sang đơn vị mới ký lại hợp đồng. Thực tế, có một số đơn vị chuyển viên chức chỉ làm quyết định tiếp nhận, điều động, như vậy là không đúng quy định.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, hội nghị triển khai 2 Luật sửa đổi, bổ sung 4 Luật có ý nghĩa hết sức to lớn đối với cán bộ, công chức, viên chức trong toàn bộ hệ thống chính trị. Đây là những căn cứ pháp lý rất quan trọng trong việc thực thi pháp luật liên quan đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bao gồm các nội dung về tuyển dụng, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và các nội dung quản lý khác.
Thông qua đó, tổ chức bộ máy cũng được thực hiện tinh gọn, chặt chẽ hơn, thực thi hiệu quả các nghị quyết của Trung ương Đảng về tổ chức bộ máy và công tác cán bộ trong toàn hệ thống chính trị.
Đối với việc triển khai thực hiện các luật này trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đề nghị các địa phương nghiêm túc thực hiện theo các văn bản hướng dẫn đã ban hành. Trong quá trình thực hiện cần quan tâm ghi nhận các khó khăn, vướng mắc và phản ánh về Bộ Nội vụ tổng hợp, nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh kịp thời.
Qua đó, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ nhằm thực hiện tốt Luật; đảm bảo các chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, hoạt động của các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương hiệu lực, hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...