Trước diễn biến của giá vàng thế giới và trong nước, hôm qua, 23/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức phát đi thông điệp về công tác quản lý, điều hành thị trường vàng, ngoại tệ.
Có cả nguyên nhân đầu cơ
Theo NHNN, từ đầu tháng 7 đến nay, giá vàng thế giới liên tục tăng cao, từ mức 1.494USD/oz (ngày 01/7/2011) đã lên mức kỷ lục 1.869USD/oz (ngày 19/8/2011). Nguyên nhân của việc giá vàng thế giới tăng cao là do lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công tại Mỹ và châu Âu, đặc biệt là việc Standard & Poor’s hạ mức tín nhiệm nợ công của Mỹ đã khiến giá vàng thế giới từ ngày 8/8/2011 tăng mạnh. Cùng với biến động của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng đã tăng theo. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, do Việt Nam là một nước tiêu thụ vàng, không có mỏ khai thác lớn nên không thể có nhiều vàng để bán ra can thiệp. Thống đốc cũng thừa nhận giá vàng trong nước tăng cao hơn thế giới còn có cả nguyên nhân đầu cơ, làm giá.
NHNN cho biết, dự kiến, trong tháng 9/2011, NHNH sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 174/1999/NĐ-CP. |
Thông tin từ người đúng đầu NHNN cũng cho biết, thời gian qua NHNN đã cấp hạn mức nhập vàng 5 tấn, nhưng thực tế các đơn vị mới chỉ thực nhập gần 3 tấn.
“Quan điểm chỉ đạo điều hành của NHNN trong những tháng cuối năm 2011 là: ổn định tỷ giá; đảm bảo giá vàng trong nước diễn biến sát với giá vàng thế giới; chống đầu cơ làm giá trên thị trường...”- ông Bình khẳng định.
Nhập vàng - không ảnh hưởng đến tỷ giá
Phân tích cán cân thanh toán tổng thể trong những tháng vừa qua và dự báo những tháng cuối năm, Thống đốc cho rằng cán cân thanh toán tổng thể năm 2011 có khả năng thặng dư từ 2,5 đến 4,5 tỷ USD.
“Thời gian qua cán cân thương mại được cải thiện đáng kể, từ chỗ nhập siêu khoảng 16% xuất khẩu nay chỉ còn trên 10%. Xuất khẩu, dịch vụ, du lịch, kiều hối tăng mạnh và tiếp tục duy trì chiều hướng tăng trong những tháng cuối năm. Giá trị, vị thế của đồng Việt nam đã được củng cố, so sánh tương quan giữa nắm giữ, đầu tư bằng VND và ngoại tệ cho thấy ưu thế nghiêng hẳn về phía VND. Dự trữ ngoại hối nhà nước đã tăng lên đáng kể, dư sức để can thiệp bình ổn thị trường ngoại hối trong mọi tình huống...”- ông Bình khẳng định.
Phân tích của NHNN cũng cho thấy, mặc dù tín dụng bằng ngoại tệ tăng khá cao (đến 15/08/2011 tăng khoảng 24%), nhưng so sánh giữa nguồn và sử dụng nguồn của các TCTD cho thấy, vẫn có thặng dư từ 3 đến 5 tỷ USD từ nay đến cuối năm, thanh khoản ngoại tệ của các TCTD được đảm bảo.
“Ổn định tỷ giá cũng sẽ là cơ sở quan trọng để bình ổn giá vàng theo hướng làm cho giá vàng trong nước bám sát giá vàng quốc tế, bên cạnh việc chủ động, kịp thời cho phép nhập khẩu vàng với khối lượng cần thiết để tránh đầu cơ, làm giá trên thị trường ...”- ông Bình khẳng định.
Trong khi đó, sáng qua, theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đã leo lên đến ngưỡng 1.910 USD/ounce. Trong nước, giá vàng cũng theo đà tăng giá tuy tốc độ có chậm hơn. Buổi trưa, giá vàng lập “đỉnh” 48,85-49,20 triệu đồng/lượng (mua-bán) nhưng đến đầu giờ chiều, cùng với đà giảm của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước giảm nhẹ, về quanh mức 49,10 triệu đồng/lượng (bán ra).