Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải cho biết, trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, số lượng các khiếu kiện hành chính, tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động không ngừng tăng lên với mức độ và tính chất ngày càng phức tạp, đa dạng hơn.
Bên cạnh đó, trong điều kiện Việt Nam ngày càng phát triển, mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài thì các loại khiếu kiện, tranh chấp kinh doanh có yếu tố nước ngoài cũng phát sinh nhiều hơn.
Do vậy, yêu cầu về một nền tư pháp mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và liêm chính, bảo vệ tốt hơn các quyền của người dân và doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, kinh doanh bằng việc tạo điều kiện cho họ tiếp cận và được hỗ trợ những điều kiện pháp lý tốt nhất, khách quan, minh bạch có ý nghĩa rất quan trọng, qua đó góp phần làm lành mạnh môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Mục tiêu của Báo cáo “Phân tích so sánh cơ chế đảm bảo liêm chính tư pháp để thúc đẩy kinh doanh tại một số nước và bài học cho Việt Nam” nhằm hỗ trợ các cơ quan xây dựng chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật, Chiến lược cải cách tư pháp để tìm hiểu các tiêu chuẩn quốc tế và thực tiễn tốt trên thế giới về cơ chế bảo đảm liêm chính tư pháp để tạo điều kiện xây dựng thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là phát triển một môi trường kinh doanh công bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế.