Xây dựng văn hóa liêm chính trong hoạt động tư pháp

(PLVN) -Sáng 16/12, Ban Nội chính Trung ương đã chủ trì, phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức Hội thảo “Định hướng hoàn thiện các bộ quy tắc đạo đức và ứng xử trong hoạt động tư pháp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp tại Việt Nam”. Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương và bà Sitara Syed, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP đồng chủ trì.
Xây dựng văn hóa liêm chính trong hoạt động tư pháp

Phát biểu khai mạc, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh việc xây dựng các bộ quy tắc đạo đức ứng xử có vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo nét văn hóa liêm chính trong hoạt động của các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp. Ông cho biết, ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định đạo đức là gốc của người cán bộ cách mạng và đưa ra những quan điểm về tư tưởng, đạo đức cơ bản của người cán bộ là “cần, kiệm, liêm, chính”, “chí công vô tư” cũng như “nhân, nghĩa, trí, dũng, tín”. Trong lĩnh vực tư pháp, Người đã chỉ ra “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” và “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” là những giá trị cần thiết trong phẩm chất đạo đức của cán bộ tư pháp. 

Tiếp thu tư tưởng của Người, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm chăm lo giáo dục đạo đức cho đội ngũ cán bộ nói chung và đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp nói riêng. Một trong những phương hướng của chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị đó là xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh, dũng cảm đấu tranh vì công lý, bảo vệ pháp chế XHCN. Trên cơ sở kết quả tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, Nghị quyết Trung ương về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 84-KL/TW, trong đó nhấn mạnh yêu cầu trong thời gian tới cần tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, nhất là đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên phải thật sự liêm chính, công tâm, chuyên nghiệp, có bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, nắm vững chủ trương chính sách của Đảng, đủ phẩm chất năng lực, uy tín, đáp ứng yeu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Để thực hiện yêu cầu này, một trong những nhiệm vụ quan trọng cần thiết là tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện các Bộ quy tắc đạo đức ứng xử đối với các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp. Qua nghiên cứu và thực tiễn thi hành cho thấy các Bộ quy tắc ứng xử của Thẩm phán, kiểm sát viên và luật sư của Việt Nam nhìn chung đã tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm hạn chế nhất định.

Vì vậy, Hội thảo mong muốn nhận được những đóng góp hữu ích từ các chuyên gia, khách mời để hoàn thiện các cơ chế chính sách, giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp và hoạt động tư pháp trong giai đoạn mới đồng thời đây cũng là nội dung quan trọng để tham khảo khi xây dựng Chiến lược cải cách tư pháp giai đoạn sau năm 2020.

Còn bà Sitara Syed, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP cho rằng đối với bất kỳ quốc gia nào thì các chuẩn mực về đạo đức ửng xử trong hoạt động tư pháp đều là điều kiện tiên quyết trong công tác hoàn thiện pháp luật. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thực hiện công cuộc cải cách tư pháp thì việc xây dựng Bộ quy tắc càng trở nên cấp thiết để tạo dựng được văn hóa tư pháp liêm chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Theo Nghiên cứu của nhóm chuyên gia và một số ý kiến trao đổi tại Hội thảo, các Bộ Quy tắc đạo đức ứng xử trong hoạt động tư pháp nên được xây dựng thành 3 phần chính: Các chuẩn mực đạo đức; các quy tắc ứng xử nghề nghiệp; các giải thích, hướng dẫn thực thi các chuẩn mực, quy tắc. Mỗi Bộ quy tắc của từng ngành có thể có những khác biệt phù hợp với đặc điểm của ngành đó nhưng các Bộ quy tắc cần quy định một số chuẩn mực chung như: “bảo vệ công lý”, “bảo vệ Nhà nước pháp quyền”, “tính độc lập”, “công bằng”, “bình đẳng”, “sự liêm chính”, “vô tư khách quan”… 

Đọc thêm