Đảm bảo phương châm 'dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng'

(PLVN) - Thảo luận tại tổ chiều 31/5, các đại biểu Quốc hội (QH) tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ XHCN, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Hình ảnh tại phiên họp tổ chiều 31/5.
Hình ảnh tại phiên họp tổ chiều 31/5.

Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu cũng tán thành việc dự thảo Luật quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhận định, việc chuyển quy định về chế định Thanh tra nhân dân từ Luật Thanh tra sang dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là đúng đắn.

Nhấn mạnh phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, Chủ tịch QH cho rằng, để làm được khâu “dân kiểm tra, dân giám sát”, bên cạnh công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cần đảm việc thanh tra của nhân dân.

“Có thiết chế thanh tra nhân dân mới đảm bảo dân có thể giám sát lại hoạt động của các cơ quan Nhà nước, cán bộ Nhà nước”, Chủ tịch QH nói.

Cùng với đó, Chủ tịch QH cũng gợi ý: “Nên chăng, trong luật phải quy định các cơ quan, trên cơ sở của luật này, phải ban hành quy chế dân chủ ở cơ sở, trong đó nêu rõ cái gì dân phải biết, cái gì phải công khai, hình thức công khai thế nào; cái gì dân phải bàn… vì mỗi cơ quan có đặc thù khác nhau”.

Cũng tán thành với việc quy định về Ban Thanh tra nhân dân trong dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở thay vì Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tiếp tục quy định quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân chỉ giới hạn trong phạm vi “kiến nghị” với người có thẩm quyền xử lý theo quy định…

Theo đại biểu, so với các phương thức kiểm soát khác như thanh tra nhà nước, kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước, hiệu lực hoạt động giám sát của Ban thanh tra nhân dân dừng ở kiến nghị và giám sát tiếp việc thực hiện kiến nghị, không có những biện pháp mạnh mẽ buộc đối tượng bị giám sát phải thực thi yêu cầu, kiến nghị của mình.

"Để khắc phục tính hình thức, chưa bảo đảm thực chất trong hoạt động và nâng cao quyền hạn, giá trị pháp lý của hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, cần có quy định cụ thể, hợp lý hơn về việc tiếp thu, xử lý các kiến nghị và xác định rõ trách nhiệm giải trình, chế tài đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khi để xảy ra chậm trễ hoặc không tiếp thu, xem xét trả lời yêu cầu, kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân đúng thời hạn”, đại biểu nói.

Cùng với đó, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị bổ sung chế tài đối với người có thẩm quyền không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời trách nhiệm với nhân dân, vi phạm quyền dân chủ của nhân dân; chế tài đối với người dân cố tình lợi dụng dân chủ để chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của Nhà nước, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, cộng đồng.

Đọc thêm