Đảm bảo quyền hưởng thụ văn hóa của nhân dân

(PLVN) -  Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, bảo đảm điều kiện hưởng thụ văn hóa của nhân dân luôn là nhiệm vụ trọng tâm của cách mạng Việt Nam từ năm 1945 đến nay. Trước đòi hỏi của thực tiễn, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã phát triển lý luận về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, tạo nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển của quốc gia - dân tộc nhanh và bền vững.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Là một trong những trụ cột của phát triển

Tham luận tại Hội thảo khoa học “Hành trình khát vọng vì hạnh phúc của nhân dân Việt Nam từ tư tưởng Hồ Chí Minh đến quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay”, TS Đào Ngọc Tuấn (Giảng viên Khoa Triết học, Trường Đại học Luật Hà Nội) nhận định: Ngay sau khi đất nước giành được độc lập vào năm 1945, nhờ việc xác định đúng đắn vai trò của văn hóa “soi đường cho quốc dân đi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa cách mạng Việt Nam khi ấy không chỉ nhằm đấu tranh trực diện chống lại văn hóa phản động của thực dân Pháp đang áp đặt lên nước ta, mà còn phản ánh được quy luật vận động và phát triển tất yếu của văn hóa.

Trong những năm đầu đổi mới, khi nền kinh tế Việt Nam có sự bứt phá và đạt được nhiều kết quả, đời sống vật chất của người dân được cải thiện, mọi người thi đua lao động sản xuất và làm giàu thì việc định vị văn hóa ngày càng rõ ràng hơn và được đặt đúng vị trí là một trong những trụ cột của phát triển.

TS Đào Ngọc Tuấn cũng nhấn mạnh, Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) ghi nhận một nấc thang mới trong phát triển văn hóa cách mạng của Đảng khi chủ trương “Xây dựng nền văn hóa mới, tạo ra một đời sống tinh thần cao đẹp, phong phú và đa dạng, có nội dung nhân đạo, dân chủ, tiến bộ” và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991) của Đảng đã lần đầu tiên đưa ra quan niệm: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là một mục tiêu của chủ nghĩa xã hội”. Theo TS Đào Ngọc Tuấn, đây là luận điểm mới mẻ, sáng tạo nói lên mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa và sự phát triển, nhấn mạnh vị thế, vai trò của văn hóa đối với chính trị, kinh tế và các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội.

Trải qua hơn 35 năm đổi mới và phát triển, chúng ta đã đạt được những kết quả to lớn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, so với sự phát triển về kinh tế... thì những vấn đề về văn hóa – xã hội có sự phát triển chưa tương xứng. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa... diễn ra không chỉ ở trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước, mà còn diễn ra khá phổ biến trong đời sống xã hội, các tầng lớp dân cư..., có thể hiểu là sự suy thoái về văn hóa. Điều này đòi hỏi Đảng ta phải coi trọng, xây dựng và phát huy các giá trị văn hóa, coi văn hóa là nguồn lực “nội sinh”, là mục tiêu và động lực trong sự phát triển kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa với con người, con người với văn hóa, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Với quan điểm con người là trung tâm, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, tạo cơ sở để xây dựng hệ giá trị văn hóa gắn kết chặt chẽ, nhuần nhuyễn với xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam.

Gìn giữ văn hóa dân tộc. (Ảnh minh họa)

Gìn giữ văn hóa dân tộc. (Ảnh minh họa)

Cơ sở pháp lý ngày càng hoàn thiện

TS Đào Ngọc Tuấn nhận định, thực chất, việc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam là quá trình kết hợp nhuần nhuyễn, vừa sáng tạo, xác lập những giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức mới, vừa khơi dậy làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa, chuẩn mực đạo đức, tinh thần và ý chí quyết tâm, tiềm năng, thế mạnh, sức sáng tạo của con người Việt Nam, tạo động lực thúc đẩy đất nước phát triển bền vững, dân tộc cường thịnh, trường tồn. Con người sáng tạo ra văn hóa và bằng văn hóa con người tạo nên sức mạnh của kinh tế, kỹ thuật, chinh phục tự nhiên, hướng đến sự hài hòa, hoàn thiện. Văn hóa gắn liền với con người không thể tách rời nhau như vậy nên trong quan điểm về phát triển bền vững của mọi quốc gia luôn bao hàm nội dung phát triển văn hóa và phát triển con người.

Hiện nay, hệ thống văn bản pháp lý nước ta đã đáp ứng được nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến quyền hưởng thụ giá trị văn hóa của con người, hòa hợp với sự phát triển của pháp luật thế giới, góp phần nâng cao vị thế của con người trong việc thực hiện quyền văn hóa, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi người dân Việt Nam thực hiện quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa.

Tham luận của TS Đào Ngọc Tuấn nêu rõ, trên thực tế, quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa của các dân tộc đã được khẳng định ngay tại Điều 5 Hiến pháp năm 1980. Một phạm vi quan trọng của quyền được thụ hưởng các giá trị văn hóa là quyền sở hữu trí tuệ cũng được quy định trong Bộ luật Dân sự nước ta từ năm 1995 và nếu tính theo quy định của Hiệp định Bảo vệ sở hữu trí tuệ (TRIPS) khi chúng ta gia nhập WTO thì khía cạnh pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam được ghi nhận từ năm 2007.

Về phương diện chính sách, hệ thống chính sách văn hóa ở nước ta được hình thành như một chỉnh thể trong quá trình tác động lẫn nhau của ba nhóm cộng đồng: cộng đồng người làm văn hóa (các nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà hoạt động văn hóa, nhà sáng tạo nghệ thuật, người làm phim, xuất bản…); cộng đồng công chúng và cộng đồng chính trị (các cơ quan Đảng, cơ quan chính quyền ở Trung ương và địa phương)…

Quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa ở Việt Nam được công nhận bằng pháp lý lần đầu tiên tại Hiến pháp sửa đổi, bổ sung năm 2013, tập trung vào các khía cạnh sáng tạo, tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần xã hội. Cụ thể, Điều 24 quy định: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Điều 39 quy định: Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập. Điều 40 quy định: Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó.

Có thể nói, lối sống với các chiều cạnh chủ quan của văn hóa là quá trình hiện thực hóa các giá trị văn hóa thông qua hoạt động sống của con người. Xuất phát từ nguyên tắc bảo trợ thực hành lối sống văn hóa, Hiến pháp 2013 đã tạo điều kiện cho việc áp dụng tuân thủ và trao truyền nhiều phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp cũng như tiếp cận và thụ hưởng các giá trị tinh hoa ngoại nhập, là cơ sở quan trọng để điều chỉnh những mối quan hệ cụ thể xảy ra trong cộng đồng.

“Hưởng thụ là nhu cầu chính đáng, quyền cơ bản của con người. Các giá trị mà con người hưởng thụ như văn hóa nghệ thuật (sân khấu, điện ảnh, ca múa nhạc, điêu khắc, hội họa, nhiếp ảnh…); phong tục, tập quán, tín ngưỡng đã được hình thành, kết tinh, hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử, là thành quả lao động sáng tạo của nhiều thế hệ. Được quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa là biểu hiện nhân văn, tiến bộ của một nền văn hóa. Trong điều kiện hiện nay, mỗi công dân Việt Nam không chỉ có quyền nghiên cứu, tiếp cận các giá trị văn hóa của dân tộc mình, mà còn được tiếp cận, tiếp thu những tinh hoa văn hóa của các dân tộc trên thế giới”, TS Đào Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Đọc thêm