Đảm bảo sông Hàm Luông là tuyến giao thông thủy quan trọng

(PLO) -Sông Hàm Luông được đánh giá là tuyến giao thông thủy quan trọng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bởi thế, việc nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa quốc gia sông Hàm Luông cần được thực hiện để đảm bảo giao thông đường thủy khu vực này.
Hình minh họa
Hình minh họa

Nhánh sông Hàm Luông (Bến Tre) nằm trên luồng vận tải nối các cảng Vĩnh Long, Đồng Tháp và đi Campuchia, được đánh giá là một trong những tuyến giao thông thủy quan trọng phục vụ vận tải Đồng bằng sông Cửu Long và quốc tế.

Năm 2013, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành Quyết định 1071/QĐ-BGTVT phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, tuyến sông Hàm Luông là cấp đặc biệt thuộc các tuyến vận tải thủy chính, định hướng quy hoạch phát triển đến năm 2020.

Tuy nhiên, do lòng sông bị bồi lắng, trên tuyến luồng tồn tại nhiều đoạn cong có bán kính nhỏ gây ra nhiều khó khăn cho tàu thuyền khi lưu thông. Các phương tiện lưu thông còn nhiều hạn chế, chủ yếu là phương tiện nhỏ nên chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa.

Nhằm khắc phục tình trạng tàu thuyền đi lại khó khăn và mở rộng giao thương của tỉnh Bến Tre nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, UBND tỉnh Bến Tre đã đề xuất với Bộ GTVT dự án của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển kinh tế nông thôn về việc “thực hiện xã hội hóa nạo vét, duy tu tại cửa sông và các đoạn cạn trên sông Hàm Luông, kết hợp tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách nhà nước”.

Dự án này đã được Bộ GTVT đồng ý giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển kinh tế nông thôn thực hiện nạo vét sông Hàm Luông theo Công văn số 2285/BGTVT-KCHT ngày 21/3/2013. Tháng 11/2016, Cục Đường thuỷ nội địa đã tổ chức bàn giao mặt bằng khu vực nạo vét, duy tu luồng đường thuỷ nội địa quốc gia cửa sông Hàm Luông, tỉnh Bến Tre. 

Dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa quốc gia sông Hàm Luông mở ra nhiều hướng phát triển mới cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ về mặt giao thông thủy mà còn giải quyết việc làm cho người dân địa phương, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước, thúc đẩy kinh tế phát triển đưa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thành vùng kinh tế trọng điểm, cũng như đảm bảo về mặt an ninh quốc phòng.

Theo dự kiến, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển kinh tế nông thôn sẽ khởi công thực hiện dự án trong tháng 4/2017.

Đọc thêm