Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh việc ban hành BLHS năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018) thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước trong việc tiếp tục thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lĩnh vực hình sự... Theo Bộ trưởng, BLHS năm 2015 có nhiều nội dung mới, trong đó có những nội dung mang tính đột phá trên tinh thần đổi mới nhận thức, bộc lộ rõ tính hướng thiện, tính nhân đạo, phản ánh được những yêu cầu, đòi hỏi bức xúc của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới và cũng là mong đợi của đông đảo quần chúng nhân dân.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng, việc ban hành Luật TCTT sẽ góp phần xây dựng một xã hội cởi mở hơn về thông tin và một Chính phủ công khai, minh bạch hơn, trách nhiệm giải trình cao hơn trong hoạt động quản lý, điều hành đất nước, góp phần đưa chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” từng bước đi vào cuộc sống. Hơn nữa, việc bảo đảm thực hiện quyền TCTT với tư cách là quyền cơ bản của công dân có ý nghĩa làm tiền đề, điều kiện cho việc thực hiện các quyền tự do dân chủ khác của con người, của công dân mà Hiến pháp năm 2013 đã quy định.
Giới thiệu những nội dung cơ bản của BLHS năm 2015 và quán triệt việc thi hành, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu cho biết, BLHS năm 2015 được thiết kế thành 3 phần, gồm 26 chương, 426 điều, tăng 2 chương và 72 điều so với BLHS năm 1999. Một trong những nội dung đáng chú ý của BLHS năm 2015 là có sự điều chỉnh mạnh mẽ trong chính sách hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, đặc biệt là đối với tội phạm độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 theo hướng đảm bảo lợi ích tốt nhất cho các em trên tinh thần bảo đảm yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm trong lứa tuổi thanh, thiếu niên. Cụ thể, người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc 28 tội danh trong số 314 tội danh được quy định trong BLHS. Ngoài ra, các em chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm 2 tội danh trong số 314 tội danh được quy định trong BLHS, là tội giết người và tội cướp tài sản.
Đại biểu tham dự Hội nghị |
Cùng với việc nghe giới thiệu những nội dung cơ bản và những công việc cần triển khai thi hành của BLHS và Luật TCTT, các đại biểu dự Hội nghị và tại các điểm cầu các tỉnh đã tiến hành thảo luận, thông tin các hoạt động đã triển khai để bảo đảm thi hành 2 đạo luật này. Đại diện Bộ Tư pháp đã trao đổi, giải đáp những thắc mắc của các đại biểu liên quan đến việc triển khai BLHS và Luật TCTT. Là cơ quan liên quan trực tiếp thi hành BLHS năm 2015, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp cho biết, Bộ Công an đã ban hành công văn hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 41 của Quốc hội trong toàn lực lượng; đã biên tập tài liệu phổ biến nhanh, tài liệu chuyên sâu hướng dẫn thi hành BLHS 2015; mở các lớp tập huấn, rà soát lại các văn bản hướng dẫn, tài liệu, biên soạn tài liệu giáo trình giảng dạy các nội dung mới của BLHS 2015… để sẵn sàng thi hành Bộ luật mới.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Thành Long, việc Quốc hội thông qua BLHS 2015 và Luật TCTT với những quy định có tính chất đột phá như đã nêu là một thành công lớn nhưng để các quy định này nhanh chóng đi vào cuộc sống, được bảo đảm thi hành thống nhất, đồng bộ, kịp thời và hiệu quả trên phạm vi cả nước thì khối lượng lớn công việc phải làm là rất lớn liên quan trực tiếp đến các cơ quan trong hệ thống bộ máy nhà nước. Để đảm bảo triển khai thi hành 2 đạo luật trên, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan và cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thi hành BLHS và Luật TCTT.
Trong đó, cần khẩn trương triển khai xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành hai đạo luật; tập huấn chuyên sâu cho các lực lượng trực tiếp thi hành; tổ chức rà soát các văn bản có liên quan, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản để phù hợp với quy định của hai đạo luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật...