Tình trạng TTHC có nội dung công bố chưa “đầy đủ, chính xác, kịp thời” theo các quy định pháp luật vẫn thường xuyên xảy ra. Với tính chất đặc thù của hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay luôn có các văn bản dưới luật để quy định chi tiết và hướng dẫn luật nên các quy định về một TTHC cụ thể có thể được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, tình trạng công bố TTHC chưa “đầy đủ, chính xác, kịp thời” sẽ không đáp ứng được yêu cầu về công khai, minh bạch các quy định về TTHC.
Bên cạnh đó, việc tổ chức niêm yết công khai TTHC chưa thực sự nghiêm túc; nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự sử dụng các TTHC đã được công bố như một tài liệu chính thống để công khai, hướng dẫn và kiểm soát việc thực hiện TTHC.
Quá trình giải quyết TTHC tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương cũng chưa đem đến sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp, chưa gắn trách nhiệm giải trình với trách nhiệm giải quyết TTHC. Tình trạng chưa kiểm soát chặt chẽ quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ và trả kết quả thông qua một đầu mối còn xảy ra, chưa thực hiện việc giải trình, giải thích lý do rõ ràng, cụ thể bằng văn bản khi đối tượng thực hiện TTHC chưa hiểu rõ hoặc thực hiện không đúng quy định.
Những tồn tại trên không chỉ làm hạn chế chất lượng, hiệu quả thực hiện TTHC mà còn làm ảnh hưởng đến việc triển khai áp dụng các giải pháp cải cách khác trong thực hiện TTHC tại các cơ quan hành chính nhà nước hiện nay. Bởi thế, để tiếp tục đẩy mạnh cải cách trong tổ chức thực hiện TTHC nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, điều kiện tiên quyết là phải thực hiện có chất lượng, hiệu quả việc công bố, công khai, minh bạch quy trình giải quyết công việc, TTHC, gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức được phân công thực hiện TTHC.
Hướng tới tiếp tục hoàn thiện giải pháp này, trước hết, cần chuẩn hóa nội dung công bố các TTHC. Để thực hiện được yêu cầu này, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về công bố TTHC theo hướng bổ sung các quy định, hướng dẫn về phương pháp, cách thức thống kê, cập nhật thông tin về TTHC để công bố; xây dựng cơ chế pháp lý để xác định và thực hiện trách nhiệm phát hiện, phản hồi và xử lý TTHC chưa công bố “đầy đủ, chính xác, kịp thời” giữa các cơ quan hành chính nhà nước…
Liên quan đến công khai TTHC, cần nghiên cứu đánh giá lại hiệu quả, tính hợp lý của việc đăng tải công khai trên môi trường mạng điện tử hiện nay. Về Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, cần cải tiến, nâng cấp đảm bảo 2 tiêu chí là công cụ để đăng tải kịp thời, rộng rãi nội dung TTHC đã được cơ quan có thẩm quyền công bố và TTHC được đăng tải phải bảo đảm dễ dàng, tiện lợi cho việc tìm kiếm, tra cứu theo nhiều tiêu thức khác nhau. Đối với trang thông tin điện tử của các bộ, ngành, địa phương, bên cạnh yêu cầu công khai TTHC đáp ứng theo hai tiêu chí trên, cần xây dựng các quy chuẩn để công khai trên môi trường mạng các thông tin pháp lý khác có liên quan đến nhu cầu hoặc kết quả giải quyết TTHC của người dân, doanh nghiệp.
Đối với trách nhiệm giải trình, hướng dẫn của cơ quan thực hiện TTHC, cần giải thích việc thực thi pháp luật một cách rõ ràng, cụ thể bằng văn bản khi đối tượng thực hiện TTHC chưa hiểu rõ hoặc không thực hiện đúng quy định hoặc có quyền được biết thông tin, như nêu rõ lý do bằng văn bản khi yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, từ chối giải quyết hoặc giải quyết hồ sơ chậm trễ…
Để tăng cường sự minh bạch trong cải cách TTHC, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm thực hiện các kênh trao đổi thông tin giữa cơ quan thực hiện TTHC với người dân, doanh nghiệp, như quy định về việc tổ chức đối thoại trực tiếp, về trao đổi thông tin thông qua môi trường mạng điện tử… Trong đó, việc đăng tải các kênh trao đổi thông tin giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp trên các trang thông tin điện tử phải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp, không chỉ giao cho đơn vị cấp dưới trực thuộc hoặc bộ phận tin học tự xử lý, thực hiện.