Thứ trưởng đặc biệt lưu ý điểm mới quan trọng của Luật Hộ tịch là phải làm sao để người dân khi thực hiện các thủ tục về hộ tịch không phải mang theo bất cứ giấy tờ gì và muốn vậy, từ TƯ đến địa phương phải cùng nhau quyết tâm thì mới thành công.
Thứ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả thi hành Luật Hộ tịch trên địa bàn TP Hà Nội?
- Chúng tôi đánh giá cao việc triển khai thi hành Luật Hộ tịch tại địa bàn TP Hà Nội trên 3 phương diện: Trước tiên, chính quyền TP, các quận, huyện, các xã, phường đã vào cuộc một cách quyết liệt, ban hành văn bản sát với chỉ đạo của TƯ về tổ chức triển khai thi hành trên địa bàn TP. Điều này thể hiện quyết tâm, trách nhiệm rất cao của chính quyền.
Thứ hai là chúng tôi vui mừng với sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ tư pháp ở quận, huyện cũng như ở xã, phường. Với quận, huyện, lần đầu tiên được giao xử lý các vấn đề hộ tịch có yếu tố nước ngoài. Sau một thời gian bỡ ngỡ có thể nói đã vào cuộc một cách trơn tru, đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu của người dân. Mặc dù gánh nặng công việc, sức ép công việc là rất lớn nhưng đội ngũ cán bộ tư pháp hộ tịch đều cố gắng, nỗ lực, vượt qua bỡ ngỡ ban đầu để hoàn thành công việc.
Thứ ba, về kết quả thực hiện, có thể thấy một khối lượng lớn công việc hộ tịch đã được xử lý mà không để xảy ra khiếu nại, tố cáo trong 3 năm qua. Điều này rất là đáng mừng, tức là người dân hài lòng với công tác hộ tịch trong thời gian vừa qua.
Đội ngũ cán bộ tư pháp ở quận, huyện cũng như ở xã, phường thời gian qua đã có nhiều trưởng thành |
Là cơ quan quản lý nhà nước cấp TƯ về công tác hộ tịch, theo Thứ trưởng, đâu là những vấn đề mà cấp cơ sở cần lưu tâm?
- Ở cơ sở nổi lên 3 vấn đề. Thứ nhất là vấn đề thể chế. Luật Hộ tịch có nhiều điểm mới, đem lại những khó khăn cho quá trình thực hiện cũng như sự chưa đồng bộ với văn bản khác đã ban hành trước đó. Đây là vướng mắc mà chúng tôi đã nhận ra. Luật có nhiều tư tưởng mới, quy định mới nên việc hiểu đúng, áp dụng thống nhất cũng là một vấn đề.
Sắp tới, chúng tôi sẽ tổng hợp chung lại sau khi các địa phương khác tiến hành sơ kết để tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội trong hoàn thiện về thể chế để làm sao hiểu đúng, áp dụng đúng các quy định của Luật.
Thứ hai là có rất nhiều ý kiến phát biểu trăn trở làm thế nào để giải quyết công việc hiệu quả. Đây là trăn trở đúng với chủ trương của Chính phủ, Bộ Tư pháp trong bối cảnh hiện nay khi đứng trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng Chính phủ điện tử.
Tại Bộ Tư pháp, chúng tôi đã thảo luận giữa các đơn vị liên quan với nhau về định hướng và đúng là phải làm sao ứng dụng công nghệ thông tin tối đa để cán bộ hộ tịch giải quyết công việc được nhanh chóng, hiệu quả cho người dân. Bộ Tư pháp sẵn sàng phối hợp với địa phương, tạo điều kiện, định khung chung tiến hành thống nhất trong toàn quốc để có thể kết nối, chia sẻ, dùng chung được.
Bộ cũng đang báo cáo Chính phủ về việc xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử quốc gia và xác định đây là việc quan trọng. Và điểm mới quan trọng của Luật Hộ tịch cũng chính là ứng dụng công nghệ thông tin để người dân khi thực hiện các thủ tục về hộ tịch không phải mang giấy tờ gì cả và có thể làm ở bất kỳ địa điểm nào.
Thứ ba là về chế độ chính sách, áp lực công việc. Áp lực công việc lớn mà chế độ, chính sách thì không có gì nhưng vẫn phải tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp nên quả là gặp nhiều khó khăn, sức ép lớn. Trong quá trình vận hành, theo tôi, chính quyền các cấp cần lưu ý tạo điều kiện làm việc tốt cho anh em, chẳng hạn như đường truyền, kết nối internet phải nhanh. Ngoài ra, công việc vất vả như vậy mà được ghi nhận, biểu dương đúng thì anh em sẽ yên tâm công tác.
Ở TƯ, chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ vướng mắc đối với những công việc cần phối hợp liên ngành để mỗi ngành có trách nhiệm chung tay cùng hoàn thành công việc. Cùng quyết tâm thì chúng ta sẽ thành công!
Xin cảm ơn Thứ trưởng!