Dân số Việt Nam sắp cán mốc 100 triệu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dự báo trung tuần tháng 4/2023, Việt Nam sẽ chính thức cán mốc 100 triệu người, trở thành quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo đại diện Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), dân số nước ta hiện nay là hơn 99 triệu người, đứng thứ 15 thế giới, thứ 8 Châu Á và thứ 3 cộng đồng ASEAN.

Với tốc độ tăng dân số trung bình những năm gần đây, dự báo trung tuần tháng 4 Việt Nam sẽ chính thức trở thành một trong 15 quốc gia trên thế giới và một trong 3 quốc gia khu vực Đông Nam Á có quy mô 100 triệu người.

Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho rằng, đây nên được coi là một cột mốc quan trọng đối với Việt Nam.

"Tuy nhiên, thế giới đang thay đổi với tốc độ nhanh chóng và Việt Nam không nên tụt lại phía sau. Dân số 100 triệu đồng nghĩa với thị trường nội địa rộng lớn, khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều hơn với nguồn lao động khỏe mạnh, có trình độ học vấn cao và tay nghề cao, đầu óc đổi mới sáng tạo và sự năng động mạnh mẽ của đất nước. Do đó, điều quan trọng là phải nhận ra rằng 100 triệu vào năm 2023 không chỉ là con số. Đó là tầm nhìn xây dựng một nước Việt Nam hùng cường cho hôm nay và cho các thế hệ mai sau", UNFPA nêu rõ.

Trao đổi về cơ hội và thách thức, UNFPA đánh giá, 100 triệu người ở Việt Nam có nghĩa là “100 triệu hy vọng, 100 triệu ước mơ và 100 triệu khả năng”. Với những tiến bộ của Việt Nam trong việc cải thiện tình trạng kinh tế xã hội của người dân, đất nước giờ đây có thể hưởng lợi từ nguồn nhân lực có kỹ năng ngày càng tăng.

"Việt Nam hiện có tỷ lệ dân số trẻ cao nhất trong lịch sử đất nước. 21,1% tổng dân số là thanh niên từ 10-24 tuổi. Cửa sổ cơ hội nhân khẩu học độc đáo của Việt Nam vẫn còn mở cho đến năm 2039 với sự hiện diện của các nhóm dân số trẻ và năng suất như vậy, và lợi thế nhân khẩu học có thể được khai thác để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội của đất nước hơn nữa", Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc thông tin.

Thách thức đặt ra là với mức chết và mức sinh giảm, Việt Nam sẽ sớm hoàn thành quá trình chuyển đổi nhân khẩu học. Đó là một thành tựu quan trọng mà ở Việt Nam ngày nay, mọi người khỏe mạnh hơn và sống lâu hơn. Nhưng với mức sinh giảm và hạn chế trong những thập kỷ qua, dân số Việt Nam đang già đi nhanh chóng. Việt Nam được dự báo sẽ trở thành quốc gia già hóa vào năm 2036 khi số người từ 65 tuổi trở lên sẽ đạt 15,5 triệu người, chiếm hơn 14% tổng dân số.

Ngoài ra, do tâm lý ưa thích con trai vẫn còn phổ biến trong xã hội Việt Nam, cùng với mức sinh giảm và hạn chế cũng như sự sẵn có của công nghệ, lựa chọn giới tính trước sinh diễn ra phổ biến và ước tính có khoảng 47.000 trẻ em gái bị thiếu hụt mỗi năm. Dự báo đến năm 2034, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15-49 và con số này sẽ lên tới 2.

Để đảm bảo phát triển bền vững của đất nước, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc nhấn mạnh "Con người không phải là vấn đề, mà con người là giải pháp. Vấn đề không phải là số lượng, hay nhiều hay ít người, mà là đảm bảo khả năng tiếp cận cơ hội nhiều hơn và bình đẳng hơn cho tất cả mọi người".

Để hưởng trọn vẹn lợi ích mà lợi thế dân số mang lại, UNFPA khuyến nghị Việt Nam tiếp tục đầu tư vào thanh thiếu niên thông qua các chính sách và chương trình y tế, giáo dục, cơ hội việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong kỷ nguyên mới và thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong nước...