Dấn thân vào từng hơi thở cuộc sống

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng có câu nói cực kỳ dung dị mà để đời với những người làm báo: “Muốn viết bài báo khá thì cần gần gụi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực”. Nhiều năm qua, những người làm báo Báo Pháp luật Việt Nam luôn tâm niệm lời chỉ dạy ấy như một trong những kim chỉ nam hành động...

[links()]Chủ tịch Hồ Chí Minh từng có câu nói vô cùng dung dị mà để đời với những người làm báo: “Muốn viết bài báo khá thì cần gần gụi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực”. Nhiều năm qua, những người làm báo Báo Pháp luật Việt Nam luôn tâm niệm lời chỉ dạy ấy như một trong những kim chỉ nam hành động, để những ngày tháng 6/2013 này hòa trong niềm vui chung kỷ niệm 88 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2013), thêm tự hào với sự lớn mạnh không ngừng của tờ báo…

1. Lời tuyên thệ của những người làm báo Báo Pháp luật Việt Nam luôn song hành cùng măng-séc tờ báo: “Vì Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Khái niệm luật vốn khó hiểu nhưng lý giải theo cách dung dị nhất, có thể hiểu Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tất cả vì hạnh phúc của dân, vì độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Luật pháp giữ vị trí tối thượng trong điều chỉnh các quan hệ thuộc tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.

Báo Pháp luật Việt Nam đã góp phần nhỏ bé lý giải, bảo vệ, củng cố, hiện thực hóa tư tưởng đó theo cách của những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Là cơ quan ngôn luận, tiếng nói của Bộ Tư pháp, mỗi trang báo luôn phản ánh đầy đủ, chính xác công tác tư pháp, công tác xây dựng và thi hành pháp luật, giáo dục tuyên truyền phổ biến pháp luật…

Nhưng, tờ báo cũng không quên chức năng báo chí là cầu nối giữa bạn đọc với cơ quan chức năng, luôn chú trọng ghi nhận góp ý phản biện hoàn thiện chính sách thể chế, phản ánh những điểm cốt lõi của quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần nâng cao tri thức pháp lý tạo ra nhận thức xã hội đồng thuận, thượng tôn pháp luật… qua những bài viết đơn giản, thiết thực, dễ hiểu.

Ông Hà Minh Huệ - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam thăm và làm việc tại Báo PLVN
Ông Hà Minh Huệ - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam thăm và làm việc tại Báo Pháp luật Việt Nam.

Minh chứng cho những cách thức mục tiêu trên, năm 2013 này là mùa giải Báo chí Quốc gia thứ 3 liên tiếp Báo đạt được những giải thưởng lớn, đều về những chủ đề pháp lý thiết thực với cuộc sống. Như trong mùa giải lần thứ VII này là hai loạt bài “Hàng loạt vụ hy sinh trong khi thi hành công vụ: Bị khước từ danh hiệu vì chưa… dũng cảm” phản ánh những điểm không phù hợp trong xét, công nhận danh hiệu liệt sỹ cho người có công; và “Chứng minh nhân dân mẫu mới: Chưa “ra lò” đã phiền toái!” phân tích và chỉ rõ những điểm bất hợp lý xung quanh quy định công khai tên cha, mẹ của người được cấp trên chứng minh nhân dân.

Nhắc tới Báo Pháp luật Việt Nam và các ấn phẩm, hàng triệu bạn đọc sẽ hình dung ngay tới địa chỉ giúp mọi người thông hiểu những quy định pháp luật, gỡ rối cho người dân những vấn đề pháp lý.

2. Từ nhiều năm nay, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, chưa khi nào những người làm báo rơi vào cuộc cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Mạng Internet bùng nổ, nhiều tờ báo mới ra đời, tính đến tháng 2/2013, ở nước ta có đến 812 cơ quan báo chí in trên cả nước với 1.084 ấn phẩm; 74 báo, tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, 1.174 trang thông tin điện tử tổng hợp, 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương.

Đoàn Nhà báo Trung Quốc thăm Tòa soạn Báo PLVN
Đoàn Nhà báo Trung Quốc thăm Tòa soạn Báo Pháp luật Việt Nam.

Những con số này vừa chứng tỏ sức sống của môi trường báo chí nhưng cũng đồng nghĩa với việc mỗi tờ báo phải tìm ra bản sắc của riêng mình để có thể phát triển. Từ sứ mệnh truyền thông pháp luật, từ tâm niệm học theo lời Bác “muốn viết bài báo khá thì cần gần gụi dân chúng”, Pháp luật Việt Nam đã tìm ra con đường của riêng mình để khẳng định: Là tờ báo của ngành Tư pháp, lĩnh vực phản ánh của báo là các vấn đề pháp lý, xây dựng và hoàn thiện pháp luật, thể chế một trong những nhiệm vụ lớn nhất của báo là tuyên truyền pháp luật một cách dung dị, dễ hiểu qua những tin bài cô đọng, súc tích, những câu chuyện thú vị lồng ghép pháp luật đến người dân.

“Con đường riêng” của Pháp luật Việt Nam còn là khơi gợi, thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt tình trong mỗi người làm báo. Tấm bản đồ đánh dấu vị trí những cơ quan đại diện, văn phòng đại diện, văn phòng liên lạc, phóng viên thường trú… cứ dần ken dày khắp 63 tỉnh, thành. Một trăm năm mươi cán bộ phóng viên là 150 “chiến sĩ” giỏi nghiệp vụ chuyên môn; nắm vững chủ trương chính sách định hướng tư tưởng của Đảng và Nhà nước; kiến thức pháp luật sâu rộng; luôn trân trọng bạn đọc.

Những “chiến sĩ” ấy không quản ngại những chuyến công tác dài ngày để lao vào những điểm nóng thời sự, cười cùng nụ cười của bạn đọc, cảm thông, sẻ chia, thấu hiểu với những nỗi lòng của người dân, sẵn sàng giải đáp những vướng mắc pháp lý của độc giả, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người nghèo, người yếu thế... Pháp luật Việt Nam có thể còn có những điểm chưa “bằng bạn bằng bè”, nhưng lòng nhiệt tình và sự dấn thân vì nghề, vì bạn đọc thì không thua kém bất kỳ một đồng nghiệp nào.  

Phóng viên Báo PLVN tác nghiệp tại Trường Sa
Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam tác nghiệp tại Trường Sa

Liên tiếp những ấn phẩm Pháp luật & Thời đại, Câu chuyện Pháp luật, Xa lộ Pháp luật mới ra đời, bổ sung thêm lực lượng cho nhật báo Pháp luật Việt Nam vốn đã hùng hậu những chuyên đề Pháp luật hàng tuần, Chuyên đề Doanh nhân & Pháp luật, Dân tộc & Miền núi, Báo Pháp luật Việt Nam online. Gần 3 triệu bản in mỗi tháng với hàng trăm triệu lượt bạn đọc, Pháp luật Việt Nam không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ truyền thông pháp luật mà còn làm được công tác phục vụ đa dạng hóa các tầng lớp độc giả.

Ở một lĩnh vực khác, Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam dù mới ra đời cũng phục vụ nhiều lượt người dân ngày ngày tìm đến xin tư vấn, trợ giúp pháp luật miễn phí. Ngày càng nhiều đường dây nóng thường trực 24/24h từ Tòa soạn báo ra đời, sẵn sàng giải đáp những thắc mắc thông tin của bạn đọc, nâng cao độ tương tác giữa Tòa soạn và độc giả.

3. Kể từ khi Gazettes là tờ báo đầu tiên ra đời trên thế giới tại Venice (Ý) vào năm 1566; từ khi Gia Định báo là tờ báo đầu tiên ra đời tại Việt Nam vào năm 1865; từ khi tờ báo Thanh niên do Bác Hồ sáng lập ra số báo đầu tiên vào năm 1925 đánh dấu sự ra đời của Báo chí Cách mạng Việt Nam, những mục tiêu làm báo vì bạn đọc, gắn bó với cuộc sống… hầu như không thay đổi. Như Bác đã dạy: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo”.

Mazan Dana - một nhà quay phim người Anh được Ủy ban Bảo vệ nhà báo trao giải báo chí quốc tế tháng 11/2001 cũng từng nói: “Những con chữ, hình ảnh là niềm tin của công chúng. Và vì lý do này tôi sẽ tiếp tục làm việc không kể khó khăn, ngay cả khi phải trả giá bằng tính mạng”.

Ngạn ngữ cũng có câu nói nổi tiếng châm biếm những tờ báo xa rời cuộc sống: “Nếu tờ báo không có “lửa” thì nên ném tờ báo đó vào lửa”.

Hoạt động thiện nguyện của Báo PLVN tại Hà Giang
Hoạt động thiện nguyện của Báo PLVN tại Hà Giang

Nghề báo, như hàng trăm năm nay xã hội quan niệm, là thư ký của thời đại ghi nhận hơi thở cuộc sống. Thư ký là nghề cần nhất tính mẫn cán nhiệt tình, mà hơi thở thì luôn thường trực từng phút, từng giây, nên đã chọn nghề báo là phải có “lửa”, phải đeo bám thực tế. Một trong những chỉ đạo gần đây nhất trong “Hội nghị Cán bộ báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2013” cũng phản ánh quan điểm này: “Báo chí phải bám sát thực tiễn công cuộc đổi mới của đất nước; thông tin về mọi mặt của đời sống xã hội phải bảo đảm tính toàn diện, chân thực với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân cao...”.

Hòa vào dòng chảy của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, luôn bám sát tôn chỉ mục đích và sự lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp và cấp trên, tiếp tục con đường đi không ngừng sáng tạo mà thực tế đã chứng minh là đúng đắn, với niềm can đảm luôn dấn thân vào từng hơi thở cuộc sống, những người làm báo Báo Pháp luật Việt Nam khẳng định sẽ luôn giữ “lửa” để ngày càng làm lan tỏa hơn, sâu sắc hơn tiếng nói của ngành Tư pháp, không phụ lòng tin yêu của hàng triệu độc giả vì một xã hội thượng tôn luật pháp, vì một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hùng cường.

TS. Đào Văn Hội

Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam

Đọc thêm