Báo Pháp luật Việt Nam đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Nghiệp, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) Bến Tre.
Thưa ông, từ đâu huyện Thạnh Phú có ý tưởng triển khai mô hình Dân vận khéo “Tăng cường vận động, giáo dục thuyết phục, thỏa thuận trong THADS ”?
- Xuất phát từ tôn trọng sự tự nguyện và thỏa thuận trong THA của các đương sự được pháp luật qui định, phương châm coi giáo dục thuyết phục trong quá trình tổ chức THA là quan trọng, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, tạo mối đoàn kết và tôn trọng sự lựa chọn của giữa các đương sự, rút ngắn thời gian tổ chức THA, không phải tổ chức cưỡng chế THA, tốn nhiều kinh phí và thời gian, tránh những vi phạm khác trong quá trình tổ chức cưỡng chế, bán đấu giá tài sản THA, giảm việc khiếu nại của người dân, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự tại địa phương. Làm tốt công tác vận động, giáo dục thuyết phục người phải THA tự nguyện thi hành sẽ giảm áp lực cho chấp hành viên trong quá trình tổ chức THA.
Từ nhận thức về tầm quan trọng của công tác giáo dục thuyết phục, thỏa thuận, hòa giải trong THADS , Chi ủy, Lãnh đạo THADS huyện Thạnh Phú đưa nội dung “dân vận khéo” vào nghị quyết Chi bộ, đăng ký thực hiện mô hình với Ban Dân vận huyện ủy, ban hành Quyết định thành lập Ban vận động và đề ra kế hoạch tổ chức thực hiện, tiến hành phân công địa bàn phụ trách từng Chấp hành viên.
Công tác tuyên truyền được các thành viên Ban vận động thực hiện thông qua quá trình tổ chức THA trực tiếp với đương sự, thông qua công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại đơn vị, để tuyên truyền Luật THADS trong đó chú trọng giải thích rõ về quyền và nghĩa vụ của người phải THA, người được THA, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để các đương sự hiểu và tự nguyện thi hành; THADS chủ động phối hợp với các ngành, Mặt trận, đoàn thể, chính quyền địa phương thành lập các đoàn vận động đối với những việc án có tính chất phức tạp, khó thi hành để tạo sự lan tỏa, tăng hiệu quả công tác vận động.
Mô hình “dân vận khéo” trong THADS của THADS huyện Thạnh Phú đã được Ban Dân vận tỉnh ủy Bến Tre cấp bằng công nhận mô hình dân vận khéo cấp tỉnh vào cuối năm 2015.
Sau thời gian triển khai, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả mô hình nói trên?
- Qua vận động, giáo dục thuyết phục, trong năm không có trường hợp nào phải áp dụng biện pháp cưỡng chế THA, nhiều việc án phức tạp, kéo dài, có việc gần 20 năm đã thi hành dứt điểm; nhiều vụ án có giá trị thi hành lớn nhưng qua vận động, giáo dục thuyết phục các đương sự tự nguyện THA không phải tiến hành bước cưỡng chế THA.
Năm 2016, 2017 THADS tiếp tục thực hiện giải pháp “dân vận” trong THADS đã thi hành xong với tỷ lệ khá cao (năm 2016: thụ lý 1.537 việc và 23 tỷ, đạt 81,07% về việc, 39,27% về tiền; năm 2017: thụ lý 1.659 việc và 36 tỷ, đạt 80,12% về việc,42, 93% về tiền), Chi cục đã làm tốt công tác giải quyết khiếu nại tố cáo.
Còn trên địa bàn toàn tỉnh, trong 2 năm qua, số việc THA xong qua vận động, giáo dục, thuyết phục, thỏa thuận, hòa giải để các bên tự nguyện THA luôn chiếm tỷ lệ rất cao, số việc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế không nhiều so với số đã thi hành xong.
Nhìn chung, mô hình dân vận khéo bước đầu triển khai hiệu quả, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, qua đó cũng giúp Chấp hành viên phải nắm vững các quy định pháp luật về THADS và các quy định pháp luật khác có liên quan; tăng cường công tác phối hợp đặc biệt với cơ sở trong quá trình thuyết phục, vận động THA. Mặt khác, qua thực hiện giúp chấp hành viên, thư ký và các cán bộ công chức khác rèn luyện kỹ năng về nghiệp vụ THA, về đạo đức, tác phong trong quá trình thực thi công vụ đáp ứng nhu cầu công việc trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Nghiệp, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bến Tre |
Vì là mô hình mới nên khi thực hiện hẳn cũng có những khó khăn, thưa ông?
- Ngay từ khi triển khai thực hiện mô hình, THADS đã đăng ký với Ban dân vận huyện ủy, báo cáo Cục THADS tỉnh, nên quá trình thực hiện được sự quan tâm, hướng dẫn và chỉ đạo của Ban dân vận Huyện ủy, sự chỉ đạo thường xuyên, toàn diện các mặt hoạt động của Cục THADS tỉnh. Sự chủ động tích cực, sáng tạo của từng thành viên Ban vận động và tất cả cán bộ, công chức đơn vị quyết tâm thực hiện mô hình có hiệu quả; lãnh đạo Chi cục thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, họp rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương các thành viên Ban vận động có nhiều thành tích đóng góp kết quả thành công mô hình từ đó tạo động lực phấn đấu để các cá nhân đơn vị phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đạt được kết quả như trên là nhờ sự phối hợp và hỗ trợ tích cực của các ban ngành, đoàn thể cấp huyện và xã, sự phấn đấu quyết tâm của từng Chấp hành viên, Thư ký và toàn thể cán bộ, công chức khác của đơn vị. Đặc biệt là sự vận dụng có hiệu quả mô hình Dân vận khéo trong quá trình tổ chức THA của Chấp hành viên.
Tuy nhiên, cũng có cái khó là trong quá trình tiếp tục thực hiện và nâng chất mô hình “Dân vận khéo” đây là việc làm mới chưa có nhiều kinh nghiệm, nhận thức, khả năng vận động, thuyết phục, hòa giải của từng các thành viên Ban vận động không đồng đều, đôi lúc hoạt động chưa đồng bộ. Số lượng án thụ lý ngày càng cao tính bình quân mỗi Chấp hành viên hàng năm phải thụ lý trên 500 việc án, đôi lúc thật sự quá tải.
Thời gian tới, Bến Tre có dự định sẽ nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh hay không? Cục THADS quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ như thế nào đối với các Chi cục trong việc thực hiện mô hình này?
- Sau khi mô hình “dân vận khéo” trong THADS của THADS huyện Thạnh Phú đã được Ban Dân vận tỉnh ủy Bến Tre cấp bằng công nhận mô hình dân vận khéo cấp tỉnh. Cục THADS đã khen thưởng đột xuất cho tập thể Ban vận động của Chi cục THADS; tổ chức cuộc họp các THADS huyện, thành phố để nghe THADS huyện Thạnh Phú báo cáo kinh nghiệm thực hiện. Cục THADS đã đưa nội dung chỉ đạo tăng cường công tác dân vận trong THADS vào kế hoạch công tác hàng năm và các văn bản chỉ đạo đôn đốc THA của Cục trưởng. Việc vận dụng kinh nghiệm thực hiện mô hình dân vận khéo của THADS huyện Thạnh Phú và triển khai thực hiện chỉ đạo của Cục THADS vào thực tiễn của từng THADS cấp huyện có khác nhau, nhưng đều hướng tới mục tiêu là phải đẩy mạnh, tăng cường công tác vận động, giáo dục, thuyết phục, thỏa thuận, hòa giải để các bên tự nguyện THA, giữ được tình làng xóm, gia đình, thân tộc sau khi thi hành xong bản án.
Năm 2018, Cục THADS tiếp tục chỉ đạo Chấp hành viên, Thư ký THA tăng cường nghiên cứu, nắm thật vững quy định pháp luật về THADS và luật khác có liên quan, tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để thực hiện mô hình nói trên ngày càng hiệu quả.
Trân trọng cảm ơn ông!