Không còn chuyện “cát cứ dữ liệu”
Theo Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, Nghị định số 47/2020/NĐ-CP là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên đặt trọng tâm vào vấn đề dữ liệu trong Chính phủ điện tử.
Nếu như các văn bản pháp luật trước đó như Luật Công nghệ thông tin và Luật An toàn thông tin mạng và các văn bản dưới luật khác chủ yếu đề cập chủ yếu đến hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu thì Nghị định quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước sẽ trọng tâm vào dữ liệu, là nội dung bên trong và là yếu tố cốt lõi trong xây dựng Chính phủ điện tử.
Thêm vào đó, Nghị định này nhấn mạnh “dữ liệu số” thể hiện tinh thần dữ liệu số sẽ là nền tảng để phát triển hướng tới Chính phủ số.
Nghị định quy định làm rõ các nội dung về quản lý dữ liệu trong cơ quan nhà nước để xây dựng hạ tầng dữ liệu trong Chính phủ điện tử bền vững và nhất quán. Cụ thể, Nghị định quy định quy trình, yêu cầu để xác lập danh mục CSDLQG, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành địa phương đã được quy định tại Luật CNTT, dữ liệu xây dựng phải được xây dựng tạo thuận lợi chia sẻ cho bên ngoài được xác định ngay từ khi xây dựng thay vì chỉ tập trung xây dựng phục vụ nhu cầu nội bộ làm hạn chế chia sẻ dữ liệu - là nguyên nhân dẫn tới sự cát cứ, trùng lặp.
Xác định được vai trò của dữ liệu đối với phát triển Chính phủ số, Nghị định đã đặt vấn đề Chính phủ cũng như các bộ, ngành địa phương phải có chiến lược về dữ liệu để định hình phương hướng và tầm nhìn khi triển khai xây dựng dữ liệu với sự dẫn dắt của Chiến lược dữ liệu quốc gia. Đây là nhiệm vụ phải thực hiện trong thời gian tới.
Nguyên tắc thu thập dữ liệu một lần
Ngay trong Nguyên tắc của nghị định đã khẳng định: Dữ liệu hình thành trong hoạt động của cơ quan nhà nước được chia sẻ phục vụ các hoạt động của cơ quan nhà nước hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, Nghị định cũng đưa ra quy định để thực thi nguyên tắc thu thập dữ liệu một lần “Once-Only”: khi dữ liệu đã được cơ quan nhà nước thu thập và quản lý, chia sẻ thì cơ quan nhà nước sẽ không được yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp lại. Nội dung này được đề cập trong cả Nguyên tắc chung của Nghị định cũng như Nguyên tắc quản lý dữ liệu.
Thêm vào đó, công dân, doanh nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước đang quản lý dữ liệu cá nhân của mình chia sẻ cho cơ quan nhà nước khác để hạn chế phải cung cấp lại dữ liệu tạo thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp và đơn giản hóa thủ tục hành chính.
“Dữ liệu số” thể hiện tinh thần dữ liệu số sẽ là nền tảng để phát triển hướng tới Chính phủ số. |
Tiếp cận về quản lý, kết nối và chia sẻ phù hợp với định hướng hiện đại, theo xu hướng công nghệ mới hiện nay.
Một trong những điểm mới trong Nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước là các quy định được dựa trên các cách thức tiếp cận về dữ liệu, chia sẻ dữ liệu, sử dụng công nghệ mới trong bối cảnh hiện nay.
Cụ thể, sử dụng dịch vụ chia sẻ dữ liệu làm nền tảng cơ bản cho hoạt động kết nối, chia sẻ dữ liệu trong cơ quan nhà nước. Thay vì triển khai kết nối theo hướng “bắt tay trực tiếp”, “xin-cho” thì Nghị định đưa vào các quy định theo hướng chia sẻ dữ liệu là “phục vụ” cho các cơ quan khác qua “dịch vụ chia sẻ dữ liệu” theo “đăng ký, yêu cầu”.
Dịch vụ chia sẻ dữ liệu được triển khai qua giao diện API của hệ thống thông tin, là cách thức thông dụng, phổ biến hiện nay. Việc xác định chia sẻ dữ liệu qua dịch vụ cũng là tiền đề để triển khai các giải pháp mới hướng tới xây dựng đám mây dữ liệu của Chính phủ số trong tương lai.
Việc chia sẻ dữ liệu cũng qua hai hình thức chia sẻ dữ liệu mặc định và chia sẻ dữ liệu theo yêu cầu đặc thù đáp ứng tất cả các trường hợp chia sẻ dữ liệu thực tế. Chia sẻ dữ liệu mặc định được ưu tiên triển khai và xác định: coi dữ liệu như “hàng hóa” được chuẩn hóa thay vì “tự cung tự cấp” để cung cấp rộng rãi cho các cơ quan nhà nước tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho lưu thông dữ liệu trong Chính phủ điện tử.
Lần đầu tiên, Nghị định đã đưa ra chính sách để thực hiện các công việc Quản trị dữ liệu. Đây là nội dung rất cần thiết khi dữ liệu ngày càng đóng vai trò và trọng tâm trong ứng dụng công nghệ thông tin để bảo đảm dữ liệu ngày càng bền vững, tin cậy và được làm giầu. Để thực hiện quản trị dữ liệu, các cơ quan nhà nước sẽ phải thực hiện các nội dung công việc như kiểm kê, đánh giá chất lượng dữ liệu hàng năm, tích hợp dữ liệu phục vụ ra quyết định, xây dựng chiến lược dữ liệu để có tầm nhìn dài hạn về phát triển dữ liệu.
Nghị định cũng quy định đơn giản hóa quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu số, tạo hành lang pháp lý minh bạch và thuận lợi cho dữ liệu lưu chuyển từ nơi có đến nơi cần. Đồng thời, thiết đặt nền tảng cho chính phủ mở, quy định dữ liệu mở làm cơ sở để thúc đẩy sự phát triển và sáng tạo của xã hội, cộng đồng.