Đảng hành động vì tương lai, vì Nhân dân và sự hưng thịnh của đất nước

(PLVN) - Nhiều cán bộ, đảng viên và Nhân dân bày tỏ sự tin tưởng và đánh giá cao những quyết sách sáng tạo, đúng đắn tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII (Hội nghị). Những việc làm này thể hiện rõ quyết tâm đổi mới, cho thấy Đảng ta đang hành động vì tương lai, vì Nhân dân và vì sự hưng thịnh của đất nước.
TS Trịnh Như Quỳnh.
TS Trịnh Như Quỳnh.

Để lại nhiều dấu ấn đậm nét

TS Trịnh Như Quỳnh, Viện Nhà nước và pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ, Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong tiến trình đổi mới hệ thống chính trị, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Trong bối cảnh đất nước đang đứng trước những vận hội mới đan xen với không ít thách thức, những quyết sách của Hội nghị lần này là sự cụ thể hóa rõ nét chủ trương “kiến tạo phát triển” với tinh thần hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, khẩn trương hơn. “Tôi đánh giá cao ba vấn đề nổi bật được Hội nghị thảo luận, thống nhất cao, đó là: tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị; cải cách tổ chức hệ thống Tòa án nhân dân (TAND) và Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) theo mô hình ba cấp và sự chuẩn bị cho tầm nhìn phát triển dài hạn, đặt nền móng cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” - TS Trịnh Thị Như Quỳnh nói.

Theo bà Quỳnh, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là một chủ trương lớn đã được Đảng ta xác định rõ từ Nghị quyết số 18-NQ/TW (khóa XII), song quá trình thực hiện vẫn còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Việc tinh gọn bộ máy lần này không chỉ là sắp xếp đơn thuần về tổ chức, giảm biên chế, mà quan trọng hơn là gắn với yêu cầu nâng cao năng lực hoạt động, hiệu quả công vụ và tính chịu trách nhiệm của các chủ thể trong hệ thống chính trị. Mục tiêu là làm cho bộ máy thực sự “tinh” về nhân sự, “gọn” về tổ chức, “chắc” về năng lực và “sạch” về đạo đức.

Trung ương đã xác định rõ: cần khẩn trương tổ chức lại các đơn vị trung gian không cần thiết, giảm tầng nấc, phân định lại rõ chức năng giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền. Đây là một bước đột phá, tạo điều kiện để quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, linh hoạt và phục vụ Nhân dân tốt hơn. Không chỉ dừng lại ở các cơ quan Đảng, nội dung tinh gọn bộ máy lần này còn hướng tới sắp xếp các tổ chức sự nghiệp công lập, cơ quan hành chính… theo tinh thần tự chủ, hiệu quả và có trách nhiệm giải trình cao hơn. Các đơn vị không đủ điều kiện tự chủ hoặc hoạt động kém hiệu quả sẽ bị giải thể hoặc sáp nhập, tránh tình trạng “bao cấp ngược” kéo dài và tạo gánh nặng ngân sách.

Bước tiến mạnh mẽ trong cải cách tư pháp

Đối với việc Trung ương thống nhất chủ trương sắp xếp hệ thống TAND và VKSND từ bốn cấp hiện hành xuống còn ba cấp, theo bà Quỳnh, đây là một bước đi chiến lược trong lộ trình cải cách tư pháp đã được khởi xướng từ đầu những năm 2000 và tiếp tục được cụ thể hóa qua nhiều nghị quyết, đặc biệt là Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và các văn kiện gần đây chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng.

Bà Đoàn Thị Thanh Nhi.

Bà Đoàn Thị Thanh Nhi.

Việc tổ chức lại hệ thống TAND và VKSND còn ba cấp không chỉ mang tính hợp lý về mặt tổ chức mà còn giúp tăng tính chuyên nghiệp, độc lập và hiệu quả trong hoạt động xét xử, kiểm sát. Mô hình ba cấp sẽ giúp giảm tình trạng trùng lặp cấp xét xử, rút ngắn thời gian tố tụng, đồng thời nâng cao chất lượng xét xử theo đúng nguyên tắc tranh tụng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự, dân sự và hành chính. Điều quan trọng hơn, mô hình ba cấp sẽ đòi hỏi đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên ở mỗi cấp phải có trình độ cao hơn, trách nhiệm rõ ràng hơn và minh bạch hơn. Việc đánh giá, tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ trong lĩnh vực tư pháp sẽ được chuẩn hóa và giám sát chặt chẽ hơn, bảo đảm công lý được thực thi đúng người, đúng việc và đúng pháp luật.

Bên cạnh đó, tổ chức lại hệ thống Tòa án và Viện kiểm sát theo hướng khu vực hoặc vùng sẽ khắc phục được tình trạng phân tán, thiếu nguồn lực và dễ bị chi phối ở cấp địa phương. Đây là điều kiện thuận lợi để nâng cao tính độc lập và khách quan trong thực thi quyền tư pháp - điều cốt lõi của một nền tư pháp vì công lý và lẽ phải.

Cùng quan điểm, bà Võ Thị Thùy Giang, TAND tối cao đánh giá, Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII là một hội nghị lịch sử, có những quyết sách mang tính lịch sử của nước ta. “Là một cán bộ ngành Tòa án, tôi hoàn toàn ủng hộ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp” - bà Giang bày tỏ. Theo bà Giang, tổ chức bộ máy chính trị của nước ta từ trước đến nay luôn trong tình trạng cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, chi phí lớn nhưng hoạt động chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn. Mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã nhận ra những vướng mắc, bất cập này, nhưng để sắp xếp lại cho thực sự “tinh - gọn - mạnh” là một việc vô cùng khó khăn, phức tạp. Đến thời điểm này, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt của Đảng ta - đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm và sự nhất trí, ủng hộ Chính phủ, Quốc hội, của các Bộ, ban, ngành và toàn thể tầng lớp Nhân dân, chúng ta đang quyết tâm thực hiện chủ trương tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, việc sắp xếp lại hệ thống chính quyền địa phương hai cấp sẽ đem lại hiệu quả lớn, gần dân hơn, giảm thiểu các bước trung gian, tạo động lực cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của Nhân dân. “Dù sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tôi tin rằng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân, chúng ta sẽ thực hiện thành công”.

Đối với chủ trương tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy TAND, VKSND theo hướng kết thúc hoạt động của TAND, VKSND cấp cao và cấp huyện; xác lập hệ thống tổ chức TAND, VKSND ba cấp, bà Giang đánh giá đây là một bước đi mạnh mẽ trong tiến trình cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, hướng đến tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Việc giảm bớt các tầng nấc trung gian sẽ góp phần rút ngắn quy trình tố tụng, giảm chi phí bộ máy, nâng cao tính tập trung, thống nhất trong hoạt động xét xử và kiểm sát, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Mở lối cho phát triển bền vững

Rất tâm đắc với những nội dung trong các bài phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị Trung ương 11 của Tổng Bí thư Tô Lâm, bà Đoàn Thị Thanh Nhi, Tổ trưởng tổ dân phố 22, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội cho biết, Tổng Bí thư đã đặc biệt lưu ý về vấn đề sắp xếp nhân sự khi sáp nhập, hợp nhất tổ chức bộ máy chính trị cũng như sắp xếp nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp sắp tới. Quán triệt quan điểm “cán bộ là gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu phải lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác. “Như vậy, tiêu chuẩn đặt ra với đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược phải hội đủ cả đức và tài, phải dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung; phải biết đặt lợi ích chung, lợi ích quốc gia lên trên hết, trước hết” - bà Nhi nói.

Đối với vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, Tổ trưởng tổ dân phố 22 cho rằng đây là chủ trương sáng suốt của Đảng, nhằm xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, chuyển từ quản lý thụ động sang chủ động phục vụ Nhân dân, đáp ứng yêu cầu cho sự phát triển đột phá của đất nước trong kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, việc tổ chức chính quyền hai cấp (bỏ cấp huyện) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Do vậy, để bảo đảm công tác này được thực hiện một cách khoa học, công bằng, khách quan, các cơ quan chức năng phải làm việc thực sự công tâm, vừa bảo đảm giữ chân người tài, vừa thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người bị tác động, ảnh hưởng; đặc biệt không vì sắp xếp, tinh gọn bộ máy mà để gián đoạn công việc, để ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân…

Đọc thêm