Đăng ký nguyện vọng đại học trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Thí sinh cần lưu ý để tránh những rủi ro đáng tiếc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chỉ còn gần hai ngày nữa sẽ hết thời hạn đăng ký nguyện vọng trên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) (từ ngày 18 đến 17h00 ngày 30/7). Thí sinh cần rà soát kỹ lưỡng từng bước bắt buộc trên hệ thống để tránh “trượt” vì những sơ suất nhỏ…
 Thí sinh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. (Ảnh minh họa: MT)
Thí sinh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. (Ảnh minh họa: MT)

“Rớt” đại học vì không đăng ký xác nhận

Theo các chuyên gia tuyển sinh, khi thực hiện đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học thí sinh cần có chiến thuật, sắp xếp các nguyện vọng hợp lý để tăng khả năng trúng tuyển.

Thí sinh có thể trúng tuyển sớm hàng chục trường, nhưng chỉ được vào học một trường duy nhất.

Theo TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP HCM), các trường đại học đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển sớm, nhưng thực tế đây chỉ là điểm trúng tuyển có điều kiện. Nghĩa là thí sinh còn thiếu điều kiện tốt nghiệp THPT và chưa đăng ký xét tuyển trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT.

Do đó, bắt buộc thí sinh phải được công nhận tốt nghiệp THPT và phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển đợt 1 trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT trong thời gian quy định.

Việc đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng trên hệ thống chung là khâu rất quan trọng trong xét tuyển, thí sinh cần hết sức lưu ý. Năm trước nhiều thí sinh rớt oan do không biết rõ cách thức đăng ký nguyện vọng. Nhiều thí sinh trượt vì không đăng ký nguyện vọng lại trên hệ thống dù đã trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm (xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực, ưu tiên xét tuyển...).

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, thí sinh đã được nhắc nhở rất nhiều lần, dù đã có kết quả trúng tuyển sớm của các trường, các em vẫn phải đăng ký nguyện vọng lên Hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT.

Khi đã được hệ thống xác nhận trúng tuyển, thí sinh cần có thêm thao tác là xác nhận nhập học trong khoảng thời gian quy định. Nếu thí sinh không xác nhận nhập học trong thời gian này thì hệ thống sẽ hiểu là thí sinh từ chối quyền nhập học của mình. Trường hợp các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm nhưng không phải ngành thích nhất, thí sinh có thể xếp sau. Trường hợp thí sinh đặt nguyện vọng trúng tuyển sớm là nguyện vọng 1 thì chắc chắn trúng tuyển. Tuy nhiên, nếu các em đặt trúng tuyển sớm là nguyện vọng thứ n, thì dù các nguyện vọng phía trên có bị trượt, khi xét đến nguyện vọng này vẫn trúng tuyển.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy lý giải, việc lọc ảo thực chất là sắp xếp nguyện vọng của thí sinh, để chỉ xác nhận thí sinh trúng tuyển một nguyện vọng trong số các nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển. Thứ tự nguyện vọng chỉ có ý nghĩa khi xác định thí sinh trúng tuyển ở thứ tự cao nhất.

Đơn cử, một thí sinh đăng ký 10 nguyện vọng. Thí sinh này đủ điều kiện trúng tuyển từ nguyện vọng 3 đến nguyện vọng 7. Khi đó, hệ thống lọc ảo sẽ dừng lại ở nguyện vọng 3 và những nguyện vọng còn lại dù đủ điểm chuẩn nhưng không được hệ thống công nhận. Do đó, ngành thí sinh yêu thích nhất cần sắp xếp lên đầu, bởi thí sinh chỉ được xác nhận đỗ ở một nguyện vọng duy nhất, từ trên xuống, đỗ ở đâu sẽ dừng lại ở đó.

Điểm chuẩn đại học được công bố trước 17h ngày 19/8

PGS.TS Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Y Hà Nội đưa ra lời khuyên với thí sinh khi đăng ký nguyện vọng cần dựa vào 2 yếu tố: Điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm chuẩn trúng tuyển những năm gần đây của các trường để các em đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

Năm 2024, thí sinh tiếp tục được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng. Vì thế, theo thầy Tùng, các em nên mạnh dạn chọn những ngành/trường học yêu thích và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến hết. Hệ thống sẽ ghi nhận thông tin và xác nhận thí sinh trúng tuyển nguyện vọng duy nhất. Thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng nào, hệ thống sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó, không xét tiếp.

Và lưu ý với các thí sinh trước khi đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh, thí sinh cần chọn ngành học trước rồi mới chọn trường, thay vì ngược lại. Ngành học cần được chọn dựa trên đam mê, yêu thích cùng năng lực, sở trường. Nếu lựa chọn sai ngành, việc các em thi lại, học lại và chuyển đổi sẽ mất nhiều thời gian cũng như những nguồn lực khác. Theo bà Nguyễn Thu Thủy, không nên chỉ vì thích một trường mà lựa chọn tất cả ngành học để nhất định trúng tuyển vào trường đó.

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên luyện thi môn Toán tại Hà Nội đánh giá về phổ điểm các môn. Nhìn chung thì điểm các môn tăng lên, bên cạnh đó, tỉ lệ xét tuyển đại học bằng điểm tốt nghiệp cũng giảm nên có thể nhận định về chuẩn năm 2024 như sau: Tổ hợp A00 điểm chuẩn có thể tăng từ 0,5 - 1 điểm. Tổ hợp A01 điểm chuẩn có thể tăng từ 0,2 - 0,5 điểm. Tổ hợp B00 điểm chuẩn có thể tăng từ 0,2 - 0,5 điểm. Tổ hợp C00 điểm chuẩn có thể tăng mạnh từ 0,5 - 1,5 điểm. Tổ hợp D01 điểm chuẩn cũng sẽ tăng mạnh từ 0,5 - 1 điểm.

Dự đoán điểm xét tuyển năm nay có thể tăng, thầy Tùng cũng đưa ra một vài lưu ý các em cần chọn ngành, nghề theo năng lực, sở trường và nguyện vọng thiết thực của bản thân, để bảo đảm có thể học tập và làm việc lâu dài, tránh lãng phí, không hiệu quả. Cùng với đó, thầy Đỗ Ngọc Hà, luyện thi đại học môn Vật lý tại Hà Nội nhận xét, nhìn chung phổ điểm các khối truyền thống A00, A01, D01 và B00 tăng nhẹ.

Các chuyên gia tuyển sinh đều cho rằng, đây chỉ là dự đoán bước đầu bởi có thể có trường biến động mạnh vì biến số rất lớn sẽ đến khi các thí sinh thay đổi nguyện vọng.

Theo lịch tuyển sinh, sau khi đăng ký điều chỉnh nguyện vọng, từ ngày 31/7 đến 17 giờ ngày 6/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến. Thời gian xử lý nguyện vọng xét tuyển của thí sinh từ ngày 13/8 đến 17 giờ ngày 17/8. Trước 17 giờ ngày 19/8, các trường phải công bố điểm chuẩn, thông báo cho thí sinh trúng tuyển đợt 1. Đến 17 giờ ngày 27/8, thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến trên Hệ thống.

Đọc thêm