Đằng sau “Chiến thuật náu mình” của IS

(PLO) - Theo lực lượng chức năng Pháp, nước này đã từng bước làm rõ chân dung của Mohamed Lahouaiej Bouhlel, thủ phạm lái chiếc xe tải đâm vào đám đông đang xem pháo hoa mừng Quốc khánh Pháp tại thành phố Nice đêm 14/7 vừa qua. Vậy tại sao và làm thế nào mà Nice lại trở thành “thủ phủ Hồi giáo cực đoan”? 
Chiến thuật “náu mình” của các phần tử khủng bố đang gây khó khăn cho nước Pháp
Chiến thuật “náu mình” của các phần tử khủng bố đang gây khó khăn cho nước Pháp

Với nhiều hành vi trong đời thường của nghi phạm này mâu thuẫn với những quy tắc của đạo Hồi khiến báo chí Pháp đặt câu hỏi: Phải chăng Mohamed Lahouaiej Bouhlel đã áp dụng chiến thuật “Taqiya” - “Chiến thuật náu mình” - cho phép những kẻ khủng bố phá vỡ các quy tắc của đạo Hồi để có thể “hòa tan” vào xã hội phương Tây nhằm che giấu kế hoạch phạm tội, chờ thời điểm thuận lợi để thực hiện mệnh lệnh chỉ huy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). 

Chiến thuật “náu mình”

Qua lời kể của nhiều nhân chứng, Bouhlel là một “người xa lạ” đối với các quy định nghiêm ngặt của đạo Hồi: Không tới nhà thờ Hồi giáo, không cầu nguyện, không tuân thủ các quy tắc của đạo Hồi trong tháng ăn chay Ramadan (uống rượu, ăn thịt lợn, dùng ma túy và có đời sống tình dục phóng túng...). 

Kênh truyền hình TF1 (Pháp) đặt câu hỏi: “Làm thế nào mà Mohamed Lahouaiej Bouhlel đã không bị giới chức chú ý?” đồng thời trích dẫn lời nhà nghiên cứu về Hồi giáo Geneviève Gobillot cho biết, “Taqiya” cho phép người theo đạo Hồi được phép che giấu tín ngưỡng của mình bằng những hành vi không phù hợp với tôn giáo của họ. 

Theo đó, hình thức này đã được nhiều kẻ khủng bố thực hiện để che mắt mọi người xung quanh như trường hợp của anh em nhà Abdeslam - những kẻ chủ mưu vụ tấn công đêm 13/11/2015 ở Paris - thường xuyên có mặt tại các hộp đêm ở Brussels (Bỉ), thích uống rượu, hút thuốc và tán tỉnh các cô gái. Bà Geneviève Gobillot cũng nhấn mạnh thêm rằng để tiến hành cuộc chiến chống phương Tây, IS đã triển khai một cách bài bản chiến thuật này. 

Quan điểm này cũng được chuyên gia François-Bernard Huyghe thuộc Học viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS) đồng tình khi cho rằng, đối với IS, “Taqiya là nghệ thuật che giấu suy nghĩ thật của mình để đạt được chiến thắng” mặc dù chiến thuật này và các biến thể của nó không phải là một điều mới mẻ mà thực chất vẫn thường được những kẻ khủng bố và các nhân viên tình báo trên thế giới sử dụng.

“Rõ ràng, đối với các chiến binh thánh chiến, chiến thuật này cho phép họ hợp thức hóa các hành vi nhằm che giấu đức tin”, ông này chỉ rõ. Trên mạng Internet, IS cũng đã phát tán rộng rãi các tài liệu có tiêu đề: “Làm thế nào để tồn tại ở phương Tây?” nhằm giúp những người “có thiện cảm với IS” có thể dễ dàng ẩn mình trong xã hội phương Tây.

Các nhân viên điều tra và chuyên gia pháp lý đã tìm thấy trong điện thoại của Mohamed Lahouaiej Bouhlel những hình ảnh gồm đại lộ La Promenade des Anglais - nơi xảy ra vụ khủng bố, cảnh bắn pháo hoa ngày 14 và 15/8/2015 ở Nice hay một bài viết trên “Nice Matin” từ ngày 1/1/2016 nói về một kẻ say rượu lái xe thẳng lên lề đường trước một nhà hàng tại Nice... Liệu các bằng chứng này có mâu thuẫn với tuyên bố ban đầu của Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve rằng kẻ giết người đã bị cực đoan hóa rất nhanh. 

Bài học cho nước Pháp

Nằm ở tỉnh Alpes-Maritimes, nơi chiếm 10% trong tổng số 1.400 người Pháp hoặc người sống ở Pháp có tên trong danh sách “có liên hệ với Hồi giáo cực đoan” năm 2015, thành phố Nice bị gọi là “cái ổ” hay “thủ phủ” của Hồi giáo cực đoan, đặc biệt sau vụ đâm xe kinh hoàng hồi giữa tháng 7 vừa qua. Tại sao và làm thế nào mà Nice lại trở thành “thủ phủ Hồi giáo cực đoan”? 

Mọi chuyện bắt đầu được chú ý vào cuối năm 2012 khi cơ quan chống khủng bố bắt giữ được một nhóm người ở vùng Côte d’Azur và Paris có âm mưu khủng bố bằng lựu đạn vào một cửa hàng ở Sarcelles. Cơ quan chống khủng bố coi đây là nhóm khủng bố nguy hiểm nhất kể từ 15 năm trước đó. Đến đầu năm 2014, căng thẳng bùng phát ở vùng Côte d’Azur khi một thanh niên 17 tuổi sống ở Nice bị bắt và tạm giữ sau khi trở về từ Syria.

Vào tháng 8/2014, một người gốc Chechnya bị bắt ở sân bay Nice do bị nghi ngờ thanh toán vé máy bay cho một thiếu nữ 16 tuổi đang chuẩn bị lên máy bay tới Thổ Nhĩ Kỳ và có kế hoạch sang Syria. Tới tháng 11/2014, một thanh niên 19 tuổi đã bị bắt ở sân bay khi từ Thổ Nhĩ Kỳ trở về và bị nghi ngờ đã chiến đấu ở Syria. Một tuần sau đó, thông tin một gia đình gồm 11 thành viên trong đó có cả trẻ em đã vượt biên giới gia nhập thánh chiến đã gây chấn động dư luận. 

Điều gì đã thúc đẩy một số người liều đánh đổi mạng sống của họ để sát hại những người không cùng tôn giáo? Các nguyên nhân xã hội như nạn thất nghiệp, việc bị giam giữ, thái độ bài ngoại, các vụ phạm tội nhỏ không giải thích được tất cả. Trên thực tế, những người này đều có sự bất ổn tâm lý, Hồi giáo cực đoan chỉ cần làm nốt những điều còn lại bằng cách tuyên truyền. Chống lại tuyên truyền Thánh chiến, “giải độc” cho những người mong muốn theo con đường sát hại người khác là thách thức mà nhà chức trách địa phương và quốc gia phải đối mặt. 

Theo L’Express, trấn áp là cần thiết, nhưng nếu người Pháp hài lòng với các biện pháp trấn áp có nghĩa là tạo điều kiện cho những điều tồi tệ hơn nữa xảy ra, chẳng hạn một cuộc nội chiến, cũng chính là điều mà những kẻ thù của nước Pháp mong muốn. Đã đến lúc phải hiểu, chống khủng bố là trách nhiệm không chỉ của Nhà nước và không chỉ có nước Pháp thuộc cánh hữu hay cánh tả. Phải tạo nên uy thế của một dân tộc - sự hòa thuận và lòng vị tha - để tổ chức một cuộc tổng huy động chống lại sự ích kỷ, cổ vũ cho quan điểm sống “mỗi người vì mọi người”... 

Đọc thêm