Trầm cảm do hôn nhân “tan vỡ”
Hôn nhân là cột mốc quan trọng của mỗi người. Sẽ có những cuộc hôn nhân khởi đầu hạnh phúc và không ít những đám cưới đánh dấu cho những tháng ngày đen tối mờ mịt của một cô gái. Trong hôn nhân, nhiều cặp đôi trẻ đã không thể tìm được tiếng nói chung dẫn đến những tan vỡ hay những đám cưới “sớm nở tối tàn”. Mặt khác, không ít cặp đôi rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý, thậm chí trầm cảm vì sự thay đổi đột ngột giữa mối quan hệ yêu và kết hôn.
Trầm cảm có thật không? Đó là câu hỏi của Nguyễn Thị Nhung (24 tuổi, Hưng Yên) vẫn tự hỏi bản thân khi nhớ về câu chuyện một năm trước. Đó là quãng thời gian tồi tệ nhất Nhung phải đối mặt với chính cuộc hôn nhân của mình.
Nhung chia sẻ: “Năm 22 tuổi, mình kết hôn. Lúc ấy, cái đám cưới giống như trong mơ. Mình còn chưa tin mình là đã lấy chồng. Nhưng, cũng hạnh phúc vì đó là người mình yêu trong thời gian khá dài. Bản thân tin là đã quyết định đúng và hai đứa quyết định lấy nhau. Đám cưới diễn ra rất vui vẻ, có bạn bè, có gia đình như bao cô gái khác. Nhưng thật sự mọi chuyện tồi tệ nhất với mình nó sau đám cưới”.
Quyết định kết hôn tuổi còn khá trẻ, hai vợ chồng ít tiếng nói chung nên hay xảy ra mâu thuẫn. Dù cố gắng nhẫn nhịn nhưng Nhung và người chồng quyết định ly hôn sau gần một năm chung sống.
“Có một thời gian dài mình thường ở lì trong nhà, không ra ngoài, không muốn tiếp xúc với ai. Mình lên mạng gần như cả ngày, chẳng để làm gì. Mình bị mất ngủ kéo dài, ban đêm gần như không thể ngủ. Mình không dám về nhà mẹ, sợ mẹ nhìn con gái tiều tụy thêm lo lắng. 4 tháng trong tình trạng như vậy, mình quyết định ký đơn ly hôn trong tình trạng trầm cảm kéo dài”.
Áp lực phải chăm sóc, nuôi dạy con, áp lực mua nhà, mua xe… Những mâu thuẫn nhỏ thường xuyên dẫn đến cãi vã hay không chung quan điểm, không thấu hiểu của những đôi vợ chồng trẻ như Nhung khiến các cặp đôi vừa cưới chưa kịp yêu thương đã lặng lẽ xa dần. Có lẽ, đối với họ ly hôn là cách giải thoát duy nhất cho cả hai.
Hiện tại, Nhung đã sang Nhật xuất khẩu lao động và tìm kiếm cuộc sống mới sau hôn nhân đổ vỡ. Nhưng, khi nhắc lại những gì đã qua, cũng khiến cô gái có chút tiếc nuối, giá như không bồng bột kết hôn sớm thì mọi chuyện không tồi tệ đến vậy. Có lẽ, cô cũng không bao giờ quên những ngày đối mặt với những rối loạn tâm lý hậu hôn nhân ở tuổi 22.
Cũng tương tự như Nhung, không ít bạn trẻ đã phải trải qua những ngày tháng rối loạn tâm lý do những căng thẳng từ chuyện vợ chồng. Đặc biệt, hiện nay tỷ lệ kết hôn ở độ tuổi còn trẻ là khá nhiều, khi họ chưa đủ vững vàng trong cuộc sống, tình yêu chuyện “tan vỡ’ là điều khó tránh khỏi.
Ở các nước, tỷ lệ trầm cảm cả đời khoảng từ 20-25% ở nữ giới và 7-12% ở nam giới. Như vậy, trong số 4-5 phụ nữ xung quanh chúng ta, có một người mắc chứng trầm cảm. Trầm cảm sau hôn nhân không chỉ diễn ra ở nữ giới mà nam giới cũng rất phổ biến. Theo một nghiên cứu tâm lý, tỷ lệ tự tử trung bình ở nam giới cao hơn nữ giới. Tuy nhiên, nữ giới lại dễ bị chứng bệnh tâm lý này hơn nam giới khi phải trải qua những tác động tâm lý từ chuyện hôn nhân, gia đình.
Cứ 4-5 phụ nữ xung quanh chúng ta, có một người mắc chứng trầm cảm |
Phụ nữ tự tử nhiều hơn do bế tắc trong hôn nhân
Thời gian gần đây, những vụ tử tự trầm cảm sau khi sinh khiến dư luận bàng hoàng. Những người phụ nữ mới sinh, cứ lần lượt ôm con tự sát hay làm tổn thương chính bản thân mình. Nhưng không chỉ sau khi sinh mới trầm cảm, sau kết hôn nếu hạnh phúc thì may mắn, còn không nhiều người lại bị khủng hoảng vì sự thay đổi bởi cuộc sống sau đám cưới.
Chính những mâu thuẫn nhỏ, những cuộc cãi vã, sự bất đồng quan điểm hay một vài câu chuyện không vui trong gia đình cũng khiến cuộc sống hôn nhân áp lực và nặng nề. Chính những điều đó khiến không ít đôi vợ chồng quyết định ly hôn và để lại nhiều ảnh hưởng tâm lý nặng nề với người trong cuộc. Đôi khi trầm cảm sau hôn nhân còn khiến dẫn đến nhiều sự việc đau lòng và đáng sợ nhất là tự tử.
Theo báo cáo của Viện sức khoẻ Tâm thần, BV Bạch Mai, năm 2017 số người tự tử do trầm cảm ở Việt Nam lên đến gần 40.000 người. Tháng 9/2018, hội thảo cập nhật kiến thức về trầm cảm trong chăm sóc ban đầu do Hội Bác sĩ gia đình TP HCM tổ chức cho thấy, riêng tại Việt Nam, mỗi năm số người tự tử do trầm cảm từ 36.000 - 40.000 người
Tuy nhiên, một khảo sát ở các quốc gia bình đẳng giới kém thì tỷ lệ nữ giới tự tử lại cao hơn. Trung Quốc là một ví dụ điển hình với tỷ lệ nữ tự tử cao khác biệt so với nam giới. Nước này có số người tìm đến cái chết chiếm 26% thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới, từng có thời điểm số phụ nữ tự sát ở Trung Quốc là khoảng 500 người/ngày. Hầu hết nguyên nhân là do họ thất vọng, bế tắc với đời sống hôn nhân.
Đối với cuộc sống hôn nhân, căn bệnh trầm cảm có thể sẽ làm tăng nguy cơ rạn nứt tình cảm vợ chồng khi không thể cảm thông cho nhau được. Những giao tiếp thường ngày trở nên vô cùng nặng nề, vô nghĩa. Mặt khác, bất kể là nam giới hay nữ giới khi mắc chứng trầm cảm sau hôn nhân, tâm lý bi quan, chán sống, áp lực căng thẳng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tổn thương tâm lý.
Đi kèm có thể là triệu chứng mất ngủ, ăn uống thiếu chất, tâm trạng suy sụp… ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe của cơ thể con người và dễ mắc nhiều bệnh khác như tim mạch, ung thư… Tồi tệ hơn, nhiều người tìm đến những hành động như tự tử, tự sát, hành hạ bản thân để giải thoát trạng thái tâm lý của bản thân.
Mỗi năm số người tự tử do trầm cảm gần 40.000 người |
Một số nhận định cho rằng phụ nữ trầm cảm sau hôn nhân thường tìm đến việc tự sát nhiều hơn do họ dễ căng thẳng, trầm cảm là vị họ cảm thấy cô đơn. Nhịp sống gấp gáp khiến vợ chồng thường lệch pha, không kịp trò chuyện với nhau. Không có thời gian cho nhau, người phụ nữ thiếu sự sẻ chia, hầu hết gánh nặng gia đình, chăm sóc con cái, công việc họ hàng đổ lên vai phụ nữ. Vì vậy, chính những áp lực hôn nhân khiến người phụ nữ dễ rơi trạng thái tổn thương, cô đơn và trầm cảm.
Giáo sư Harriet Presser của Đại học Maryland đưa ra lời khuyên rằng, các gia đình nên tạo ra cột mốc sinh hoạt chung cố định, thời gian không nhiều nhưng chất lượng, là lúc tất cả thành viên cùng làm một việc như xem bộ phim hoạt hình, dạo công viên, đi bơi, tập luyện thể thao, đi du lịch...
Theo ông các cặp vợ chồng cần chia sẻ gánh nặng cuộc sống, đồng hành với nhau trong mọi hoàn cảnh xấu lẫn tốt. Vị chuyên gia này cho rằng, những yếu tố gây cuộc sống hôn nhân trở nên tồi tệ là yếu tố ngoại cảnh. Nếu các cặp vợ chồng cùng nhau thông cảm, cố gắng để vượt qua sẽ là động lực để giữ gìn mối quan hệ hôn nhân luôn bền vững.
Điều quan trọng là vợ chồng vẫn ở bên cạnh, quan sát chính mình và đối phương. Để nhận thức được điều này, cả hai cần tư vấn tâm lý để được giúp nhìn nhận, thay đổi nhận thức và có sự chuyển biến tích cực.
Không phải ai trong số chúng ta cũng mắc trầm cảm, nhưng ai cũng có thể có nguy cơ mắc trầm cảm. Bởi lẽ trầm cảm là kết quả của rất nhiều yếu tố. Hãy giữ cho nhau một cuộc sống hạnh phúc bằng sự lắng nghe – thấu hiểu – yêu thương để xây dựng một hành trình đẹp nhất cho cuộc đời mỗi người.