Ban chấp hành Trung ương mới ban hành Quy định về Trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban kiểm tra trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Về phần Trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban kiểm tra trong kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo và xử lý hành vi tham nhũng, cụ thể là Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và giải quyết tố cáo về tham nhũng, Quy định trên nêu rõ, uỷ ban kiểm tra từ cấp huyện và tương đương trở lên có trách nhiệm và thẩm quyền kiểm tra các tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm về tham nhũng theo thẩm quyền.
Ủy ban kiểm tra được trưng tập cán bộ các cơ quan đảng và nhà nước vào các đoàn kiểm tra; khi cần thiết báo cáo cấp uỷ chỉ đạo việc thành lập các đoàn kiểm tra đối với các vụ việc trọng điểm, phức tạp.
Có biện pháp bảo đảm bí mật thông tin; bảo vệ hoặc yêu cầu các cơ quan chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phát hiện, phản ảnh, tố cáo về tham nhũng; xử lý hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi trù dập, trả thù người phát hiện, phản ảnh, tố cáo về tham nhũng.
Ủy ban kiểm tra cũng có quyền đình chỉ sinh hoạt cấp uỷ, sinh hoạt đảng theo thẩm quyền; khi cần thiết báo cáo đề nghị cấp uỷ đình chỉ hoặc yêu cầu đình chỉ chức vụ đối với đảng viên hoặc yêu cầu tạm đình chỉ công tác cán bộ, đảng viên có dấu hiệu tham nhũng.
Có quyền yêu cầu đảng viên không được xuất cảnh; khi cần thiết, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật đối với đảng viên có dấu hiệu tham nhũng và có biểu hiện bỏ trốn.
Ủy ban kiểm tra có quyền yêu cầu đảng viên giữ nguyên hiện trạng tài sản; khi cần thiết, đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong toả tài khoản và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật đối với đảng viên có dấu hiệu tham nhũng và có biểu hiện che giấu, tẩu tán tài sản.
Quá trình kiểm tra, Ủy ban kiểm tra được niêm phong tài liệu liên quan đến vi phạm; trường hợp cần thiết, yêụ cầu đảng viên đến cơ quan uỷ ban kiểm tra giải trình làm rõ các vấn đề liên quan.