Đánh bắt hải sản vi phạm IUU, hậu quả khôn lường

(PLVN) - Nhiều chủ tàu cá Bình Định đánh bắt hải sản xâm phạm vùng biển nước ngoài bị lực lượng chức năng bắt giữ, không những phải chịu tù đày mà còn lâm vào cảnh trắng tay vì bị tịch thu phương tiện...
Đánh bắt hải sản vi phạm IUU, hậu quả khôn lường

Vượt biên “săn” mẻ cá lớn, tiền mất “tội” mang

Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Bình Định có 8 tàu cá vi phạm lãnh hải nước ngoài, bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm.

Đơn cử, cuối tháng 6/2024, địa phương này đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 chủ tàu cá đánh bắt thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài, với tổng số tiền 4,5 tỷ đồng. Cả 5 chủ tàu cá nói trên đều ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Ghi nhận tại địa phương, chị Đ.T.N - một trong 5 chủ tàu vi phạm cho biết, chồng chị là ngư dân N.C (sinh năm 1977) thuyền trưởng kiêm tài công tàu cá BĐ 31224 TS cùng 5 thuyền viên đi bạn đều bị Malaysia bắt giữ.

Chị N chia sẻ, năm 2022, vợ chồng chị vay mượn để mua lại chiếc tàu cá BĐ 31224 TS để hành nghề câu mực, mành mực. Từ khi mua tàu, trong 2 năm 2022 - 2023, tàu cá BĐ 31224 TS của vợ chồng chị N đi được 7 chuyến biển thì bị lỗ tổn cả 7 chuyến. Không kham nổi nợ nần, vợ chồng chị N lại cho tàu neo bờ đến đầu năm 2024.

Trong chuyến biển thứ 3 trong năm 2024, tàu xuất bến tại Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 26/3 thì đến ngày 4/4/2024 tàu bị lực lượng chấp pháp Malaysia bắt tại vùng biển cách bờ biển Terengganu (Malaysia) 70 hải lý.

Anh N.C bị ngành chức năng nước bạn kết án 160 ngày tù ở, 5 thuyền viên bị kết án 60 ngày trong khi chiếc tàu cá vi phạm bị nước sở tại tịch thu.

“Nghe nói tôi vừa nhận quyết định xử phạt 900 triệu đồng của UBND tỉnh Bình Định đối với chủ tàu cá đánh bắt vi phạm IUU, chồng tôi hối hận ghê lắm, vì vừa bị tịch thu mất tàu cá, người thì ở tù, giờ còn bị phạt gần tiền tỷ”, chị Đ.T.N nói.

Mất phương tiện làm ăn, chồng ở tù tại nước bạn, con trai đầu thì năm nay thi đại học, con giữa lên cấp 3, con út còn đi trẻ, lại phải lo cho cha chồng 73 tuổi đang đau yếu ở quê, bao nhiêu khó khăn đang trĩu nặng trên vai chị N.

Trường hợp tương tự, chị N.T.N có chồng là anh T.T ở thôn Thạnh Xuân, xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) từng 2 lần bị lực lượng chấp pháp Malaysia bắt giữ vào năm 2014 và 2017.

Sau hai lần bị bắt, toàn bộ tài sản của gia đình coi như không còn, anh T.T gần như cắt đứt quan hệ với xã hội, cả ngày chỉ quanh quẩn trong nhà, buồn thì mua xị rượu về uống 1 mình.

Căn nhà của vợ chồng chị N ở bên hông chợ Hoài Hương (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) từng tưng bừng vui vẻ sau mỗi chuyến biển giờ buồn hiu hắt.

Căn nhà của vợ chồng chị N ở bên hông chợ Hoài Hương (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) từng tưng bừng vui vẻ sau mỗi chuyến biển giờ buồn hiu hắt.

“Lúc đóng chiếc ghe đầu tiên mang số hiệu BĐ 97476 TS có trị giá 5,4 tỷ đồng, 2 vợ chồng vét hết vốn liếng tích góp được gần 3 tỷ, phải vay thêm hơn 2 tỷ nữa mới đủ, giờ còn nợ ngân hàng gần 1 tỷ đồng, những khoản nợ bên ngoài mấy năm nay tôi trả đã gần hết. Bây giờ mua bán khó khăn, không còn đủ sức trả lãi ngân hàng mỗi tháng 7-8 triệu đồng, buôn bán nhỏ lẻ kiếm chưa đủ ăn hàng ngày lấy tiền đâu trả lãi. Bán nhà mặt chợ xong tôi ra chợ kiếm chỗ buôn bán nhỏ lẻ kiếm sống qua ngày”, chị N giãi bày.

Kịp thời ngăn chặn tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài

Ngày 22/5, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đã có ý kiến chỉ đạo bằng văn bản yêu cầu Sở NN-PTNT, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Trong đó, ông Phạm Anh Tuấn đề nghị BĐBP huy động lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ từ khi tàu rời bến đi khai thác, đến lúc quay về cảng bán cá; kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tàu cá hoạt động sai vùng, sai tuyến và tại các vùng biển giáp ranh với các nước trong khu vực để kịp thời ngăn chặn và xử lý tàu cá vi phạm vùng biển các nước…

Ngày 3/7, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo tỉnh Bình Định thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg về triển khai các biện pháp chống khai thác IUU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương hướng dẫn đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, đánh dấu tàu cá, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đảm bảo 100% tàu cá tham gia hoạt động đánh bắt thủy sản phải được đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định;

Lập danh sách, tổ chức quản lý không cho tham gia đánh bắt và tiến tới xả bản những tàu cá không đủ điều kiện cũng như tổ chức kiểm soát chặt chẽ thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá đang neo đậu, đảm bảo 100% tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên phải có tín hiệu giám sát hành trình khi xuất bến tham gia hoạt động khai thác hải sản.

Thời gian tới, tỉnh Bình Định cũng sẽ thực hiện thí điểm lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với nhóm tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15 mét làm nghề câu mực để quản lý.

Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định tuần tra, kiểm soát trên biển

Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định tuần tra, kiểm soát trên biển

Đại tá Nguyễn Văn Lĩnh, Chỉ huy trưởng BĐBP Bình Định chia sẻ: UBND tỉnh chỉ đạo về việc khẩn trương rà soát, khoanh vùng, lập danh sách các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài, đặc biệt là các tàu đánh cá có chiều dài dưới 15m thường xuyên di chuyển ngư trường ở các tỉnh phía Nam. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã lập đoàn công tác vào tận các tỉnh phía Nam để thống kê, kiểm tra về an toàn kỹ thuật và điều kiện tàu cá hoạt động đánh bắt hải sản. Qua đó, xác định có 177 tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định đang hoạt động ở các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Kiên Giang... Toàn bộ số tàu này dưới 15m đánh bắt vùng lộng, theo Luật Thủy sản năm 2017, chưa bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình.

UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý hỗ trợ 50% kinh phí và vận động chủ tàu dưới 15m lắp thiết bị giám sát hành trình. Đoàn công tác của BĐBP Bình Định đã phối hợp với BĐBP 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang gặp trực tiếp các chủ tàu tuyên truyền, giải thích, vận động bà con tự nguyện lắp thiết bị giám sát hành trình. Đồng thời, Bình Định cùng với các tỉnh có biện pháp quản lý chặt chẽ số tàu cá này.

Tỉnh Bình Định hiện có gần 5.700 tàu cá với hơn 40.000 lao động tham gia hoạt động khai thác hải sản. Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo "thẻ vàng" làm ảnh hưởng rất lớn đến ngành thủy sản. Tỉnh Bình Định đã dồn sức triển khai đồng loạt các giải pháp khắc phục "thẻ vàng" thủy sản, trong đó quản lý chặt đội tàu, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đọc thêm