Đánh giá kết quả thí điểm lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân

(PLO) - Việc quản lý sức khỏe của người dân ban đầu toàn diện, liên tục sẽ giúp phát hiện sớm các bệnh thông thường và giải quyết ngay tại tuyến khám chữa bệnh ban đầu, giúp giảm quá tải bệnh viện, giảm áp lực cho ngành Y tế... 
Khám và lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân cho người dân tại Bắc Ninh.

Bộ Y tế vừa tổ chức họp đánh giá tiến độ việc khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân thí điểm tại 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Bắc Ninh và Phú Thọ. 

Tại cuộc họp, 3 địa phương đã báo cáo tiến độ việc khám và lập hồ sơ, đồng thời đề xuất những kiến nghị với Bộ Y tế. 

Báo cáo của Sở Y tế Phú Thọ cho biết, hiện nay việc khám và lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân đã được tỉnh thí điểm tại huyện Yên Lập; đã khám và lập hồ sơ cho 62.000 người/92.794 người trên địa bàn huyện, đạt 67%. Tỉnh Phú Thọ đặt mục tiêu từ tháng 3 đến cuối tháng 6 tới sẽ khám và lập hồ sơ cho trên 90% dân số trên địa bàn.

Còn tại tỉnh Bắc Ninh, bà Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng nghiệp vụ y (Sở Y tế Bắc Ninh) cho biết, tỉnh đã thí điểm việc khám và lập hồ sơ tại xã Chi Lăng và Phù Lương thuộc huyện Quế Võ cho trên 15.795 người. Dự kiến trong 5, 6 tháng tới, Bắc Ninh sẽ triển khai trên toàn tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ năm 2014, Hà Nội đã triển khai mô hình bác sĩ gia đình. Các quận, huyện triển khai theo mô hình này đã thực hiện quản lý trên 35.000 hồ sơ sức khỏe. 

Hiện nay, Sở Y tế Hà Nội đang xây dựng kế hoạch triển khai khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân để trình UBND thành phố phê duyệt, đồng thời sẽ thành lập ban chỉ đạo từ cấp thành phố đến các quận, huyện, dự kiến từ tháng 3 đến tháng 9 sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra.

Tại cuộc họp, các địa phương cũng đề xuất Bộ Y tế ban hành kế hoạch triển khai quản lý hồ sơ cá nhân để địa phương có căn cứ triển khai và hướng dẫn việc khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe để các địa phương thực hiện. 

Phát biểu tại cuộc họp, PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các đơn vị liên quan xây dựng và thống nhất việc khám, lập hồ sơ gồm những xét nghiệm gì (nhóm máu, công thức máu, đường huyết…), siêu âm gì và khám, chuyên khoa cho những đối tượng nào,… để thống nhất trong việc khám và quản lý hồ sơ, từ đó tính ra chi phí đối với từng hồ sơ quản lý để dự trù kinh phí và nguồn lực thực hiện.

“Việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân không phải lập cho xong, mà phải luôn cập nhật thông tin về tình trạng sức khỏe, các chuyên khoa của các đối tượng khác nhau”, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh.

Việc quản lý sức khỏe của người dân ban đầu toàn diện, liên tục sẽ giúp phát hiện sớm hầu hết các bệnh thông thường và giải quyết sớm ngay tại tuyến khám chữa bệnh ban đầu, hạn chế biến chứng và diễn biến bệnh nặng, giúp giảm quá tải bệnh viện, giảm áp lực cho ngành Y tế...

Như báo PLVN đã đưa tin: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có ý kiến chỉ đạo về việc triển khai Đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025 và lộ trình đến ngày 1/1/2018 liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I và tương tương của Bộ Y tế.

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn để sớm triển khai Đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025.

Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện việc liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc các bệnh viện trực thuộc Bộ trước ngày 1/7/2017.

Phó Thủ tướng đề nghị Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức đánh giá và công bố chất lượng bệnh viện (trong đó có chất lượng xét nghiệm) theo tiêu chí do Bộ Y tế ban hành.

Đọc thêm