Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2023 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2023.
Phát biểu tại phiên họp, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) bày tỏ đánh giá cao Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC trong đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2023.
Trưởng ban công tác đại biểu thuộc UBTVQH Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, nhiều loại vi phạm và tội phạm đã giảm sâu, cho thấy các biện pháp phòng ngừa đã và đang phát huy tác dụng như số vụ phạm tội có tổ chức giảm 26,92%; tình hình an toàn giao thông giảm cả 3 tiêu chí gồm số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương.
Công tác điều tra, phát hiện tội phạm đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, đã khám phá rất nhanh, triệt để nhiều vụ án, nhất là các vụ án tham nhũng, ma túy, các vụ trọng án…
Công tác truy tố đã tăng cường trách nhiệm công tố ngay từ khi tố giác tội phạm, chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa đã được nâng lên.
Công tác xét xử, đối với các vụ án hình sự chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội, đối với các vụ án dân sự đã tổ chức hòa giải thành trên 50.000 vụ án, qua đó đã giảm số lượng lớn các vụ án phải mở phiên tòa, tăng sự đồng thuận trong nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, bà Nguyễn Thị Thanh nêu tình trạng một loạt tội phạm tăng, như giết người; cướp tài sản; cướp giật; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cho vay lãi nặng; gây rối trật tự công cộng…
Từ đó, Trưởng ban công tác đại biểu đề nghị, trong báo cáo của các cơ quan cần phân tích và nêu kỹ hơn nguyên nhân gia tăng một số loại tội phạm nêu trên, làm rõ xem có nguyên nhân do kinh tế sau đại dịch COVID-19 khó khăn dẫn đến số lượng các vụ cướp tài sản; cướp giật; lừa đảo tăng mạnh hay không để từ đó có các giải pháp trong thời gian tới cho phù hợp, tạo sự chuyển biến trên thực tế.
Trưởng ban công tác đại biểu nhấn mạnh tình hình cháy nổ trên cả nước diễn biến phức tạp. Trong 8 tháng đầu năm 2023 đã xảy ra 2.031 vụ cháy, tăng tới 38%, làm 83 người chết, tăng 48%. Qua theo dõi, có thời điểm xảy ra liên tiếp các vụ cháy, dẫn đến 3-4 người cùng một gia đình chết do cháy, nổ.
Cũng theo báo cáo của Chính phủ, cả nước hiện còn tới trên 38.000 cơ sở đã đưa vào sử dụng còn tồn tại vi phạm về phòng cháy và khó có khả năng khắc phục theo tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy. Các ngành cũng đã ra rất nhiều văn bản và những biện pháp mạnh chỉ đạo nhưng số cơ sở đưa vào sử dụng còn vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy còn tương đối nhiều.
Bà Nguyễn Thị Thanh đề nghị phải tiếp tục xem xét nguyên nhân số lượng các cơ sở và tình trạng vi phạm cũng như việc cháy, nổ xảy ra liên tiếp và còn nhiều như vậy.
Đồng thời, Trưởng Ban công tác đại biểu cũng đề nghị đánh giá kỹ hơn về nguyên nhân và hiệu quả của các biện pháp phòng, chống cháy, nổ thời gian qua.
“Các cơ quan chức năng đã ra rất nhiều các chủ trương, các biện pháp về phòng, chống cháy, nổ nhưng kết quả chưa tương xứng với những giải pháp, những chủ trương của chúng ta đưa ra, thậm chí, có những thời điểm xảy ra liên tiếp, tạo ra dư luận rằng chúng ta càng chỉ đạo, càng nêu nhiều thì lại càng cháy nhiều, cháy lớn”, bà Thanh nói.
Về báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bà Nguyễn Thị Thanh bày tỏ đồng tình rất cao với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, đồng thời đề nghị báo cáo đánh giá thêm hiệu quả của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở các địa phương sau hơn 1 năm được thành lập, làm rõ sự chuyển biến và tổ chức thực hiện ở các địa phương, đặc biệt là sự vào cuộc nhằm đấu tranh với tình trạng tham nhũng vặt.
Báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh, về tình hình, kết quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự- Lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, đã chủ động rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phòng, cháy, chữa cháy tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn, kiên quyết đình chỉ công trình, dự án vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ trên toàn quốc vẫn diễn biến phức tạp, đã xảy ra 2.031 vụ cháy (tăng 38,16%), 8 vụ nổ (giảm 60%), nguy cơ mất an toàn về cháy, nổ còn rất lớn.