Dành khoảng 4.800 tỷ đồng để khắc phục các tuyến đê xung yếu

(PLVN) -  Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn hôm nay (9/11) về xây dựng công trình ứng phó biến đổi khí hậu.
Hệ thống đê biển Cát Hải (Hải Phòng) được nâng cấp, đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai. Ảnh: Duy Lân/NDĐT

Trước mối quan tâm của ĐBQH về việc sử dụng tiền điều chỉnh giảm từ các chương trình trọng điểm quốc gia đối với các tuyến đê xung yếu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, trong thời gian vừa qua đã tập trung xây dựng chương trình  đầu tư khắc phục các tuyến đê xung yếu từ Quảng Ninh cho đến Quảng Nam.

Hàng năm cũng sử dụng từ các nguồn dự phòng, tăng thu, vượt thu, kết dư để chúng ta xử lý từng dự án một. Thực hiện Nghị quyết 797 của Quốc hội, Bộ đã giao tổng cộng khoảng 4.800 tỷ đồng để khắc phục các tuyến đê xung yếu, cả đê sông, đê biển cho các địa phương triển khai.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn này, trả lời câu hỏi đại biểu về nguồn lực phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thời gian tới Bộ Giao thông vận tải sẽ hoàn thành các quốc lộ, cao tốc nối Cà Mau - Bạc Liêu - Cần Thơ, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Bộ trưởng cũng chỉ ra các nguồn lực phát triển đồng bằng sông Cửu Long gồm: nguồn lực mà địa phương được Trung ương phân bổ, cộng với ngân sách sẵn có để thực hiện các dự án hạ tầng. Cùng với đó là nguồn lực Trung ương, trong đó, Thủ tướng đã đồng ý tăng thêm cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long khoảng 2 tỷ USD trong giai đoạn tới.

Giai đoạn 2021-2025, Bộ KH&ĐT sẽ xây dựng dự án hỗ trợ ngân sách địa phương thông qua các nhà tài trợ khoảng 1,05 tỷ USD để tập trung làm toàn bộ đường ven biển cho các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các dự án giao thông quan trọng khác tại khu vực này.

Bên cạnh đó, Trung ương sẽ hỗ trợ các dự án có tính chất liên vùng. Bộ đã thống nhất với các địa phương, cần thông qua hội đồng vùng trước khi trình Chính phủ xem xét. Mỗi địa phương sẽ được hỗ trợ một dự án động lực quan trọng nhất của tỉnh có tính liên vùng để phát triển trong thời gian tới. Một nguồn lực nữa là từ các hợp đồng đối tác công tư, nguồn xã hội hóa.

Đối với kè biên giới, theo Bộ trưởng, hiện nay trên toàn tuyến chúng ta có rất nhiều kè cần phải đầu tư trong giai đoạn vừa qua cũng như trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, chương trình tổng thể về kè biên giới chúng ta chưa xây dựng được mà cũng chỉ là những công trình nào cấp bách và cần phải xử lý để không ảnh hưởng đến an ninh, chủ quyền biên giới thì chúng ta tập trung xử lý.

"Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ cùng với các bộ ngành để xây dựng một chương trình tổng thể và đưa vào thành một chương trình để báo cáo với Chính phủ và Quốc hội để đầu tư căn cơ, bài bản và lâu dài, để khắc phục tình trạng vừa qua chúng ta chưa xử lý kịp thời" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Đọc thêm