Thời gian cụ thể được dự kiến là ngày 11/11 tới, tức là sau cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ. Cả cuộc thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Mỹ và Triều Tiên hiện đang được hai phía chuẩn bị nhưng cũng phải sau cuộc bầu cử này mới diễn ra. Sự lựa chọn thời điểm như thế không phải ngẫu nhiên mà là chủ ý ở phía ông Trump. Cuộc bầu cử này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với ông Trump.
Nếu để cho phía Đảng Dân chủ thắng, ông Trump sẽ gặp nhiều khó khăn trong chuyện cầm quyền nửa nhiệm kỳ cầm quyền còn lại và cơ hội để được Đảng Cộng hoà tái đề cử làm ứng cử viên cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 ở Mỹ sẽ rất mong manh.
Bởi thế, không có gì là khó hiểu khi ông Trump hiện phải làm tất cả để Đảng Cộng hoà bảo vệ được đa số đang có ở lưỡng viện lập pháp trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới ở nước Mỹ. Theo phương châm “đối ngoại phục vụ đối nội”, xử lý quan hệ của Mỹ với Nga và Triều Tiên sẽ đưa lại tác động và hiệu ứng dân tuý mà ông Trump mong muốn.
Không phải thời điểm cụ thể của hai sự kiện, cũng chẳng phải kết quả cụ thể của hai sự kiện ấy là điều ông Trump nhằm đến. Cái thực chất ấy là chuyện về sau đối với ông Trump trong khi cái trước mắt còn quan trọng hơn là danh nghĩa. Nếu hai sự kiện này diễn ra trước thời điểm cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ mà thất bại chứ không thành công thì thật lợi bất cập hại đối với ông Trump.
Trước cuộc bầu cử ấy, ông Trump phải lợi dụng danh nghĩa của sự kiện để chứng tỏ cho cử tri Mỹ thấy bản lĩnh và tầm vóc lãnh đạo, thấy đã có cách tiếp cận và vận hành thích hợp nên tạo ra được đột phá chứng tỏ định hướng chiến lược và biện pháp đúng đắn. Những thứ đấy cử tri Mỹ vốn thích nghe và dễ tin.