'Đánh thức' tiềm năng Bình Phước

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Có diện tích lớn nhất các tỉnh Đông Nam Bộ, tiếp giáp Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Lâm Đồng; có hàng trăm km đường biên giới với nước bạn Campuchia; nhưng nếu nói hệ thống đường giao thông là huyết mạch của nền kinh tế, thì so với nhiều địa phương khác, tỉnh Bình Phước phải chịu một số thiệt thòi.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Năm 1997, khi được tách ra từ tỉnh Sông Bé (tỉnh Sông Bé tách thành 2 tỉnh Bình Phước và Bình Dương), thì Bình Phước là một trong những tỉnh hết sức khó khăn. Kinh tế chủ yếu là nông - lâm nghiệp chiếm 70%; cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, kết cấu hạ tầng thấp kém; GDP bình quân đầu người thấp nhất cả nước chỉ đạt 2,6 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ mù chữ cao, chỉ 53/64 xã đạt chuẩn quốc gia về xóa nạn mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học…

Về hệ thống giao thông, tuyến huyết mạch QL13 và 14 đi qua tỉnh xuống cấp trầm trọng; các tuyến đường huyện, xã chủ yếu là đường đất. Đầu năm 1997, tỉnh chỉ có 103 tuyến đường dài hơn 1.200km, tỷ lệ đường cấp phối sỏi đỏ và đường đất chiếm đến gần 84%.

Vượt qua những trở ngại, vượt lên từ xuất phát điểm rất thấp, Bình Phước đã đổi thay từng ngày với những đô thị khang trang, những trung tâm động lực Đồng Xoài, Chơn Thành, Bình Phú. Bình Phước nổi tiếng với các sản phẩm nông sản chất lượng cao như cao su, điều, tiêu, cà phê. Các ngành công nghiệp chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp phụ trợ đã, đang phát triển mạnh mẽ, tạo nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Là tỉnh có lợi thế phát triển hạ tầng công nghiệp như đất đai rộng lớn, quỹ đất thuận lợi, nền đất tốt bằng phẳng, giá thuê đất hợp lý… nhiều khu công nghiệp như Đồng Xoài I, II, Bắc Đồng Phú, Minh Hưng - Hàn Quốc đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Sáu tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh tăng 7,76% so với cùng kỳ 2023, đứng thứ 2 vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 18 cả nước.

Tuy nhiên, những tiềm năng của Bình Phước như đất rộng, nhiều nông sản, lực lượng lao động trẻ, có nhiều cửa khẩu với nước bạn Campuchia, còn là cửa ngõ nối Đông Nam Bộ với vùng Tây Nguyên… vẫn chưa được phát huy hết sức mạnh, vẫn chờ được “bùng nổ”. Sự phát triển của các địa phương tại tỉnh vẫn chưa đồng đều, có những nơi còn chưa cao như Bù Gia Mập. Một trong những lý do dẫn đến thực tế ấy, là Bình Phước chưa có cao tốc. Bình Phước không quá xa các đô thị lớn như TP HCM hay Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng để đến Bình Phước bằng những con đường thường chật kín người và xe, phải mất không ít công sức, thời gian.

Để giải quyết những “điểm nghẽn” này, để “đánh thức” tiềm năng Bình Phước, bản thân Bình Phước cùng các tỉnh bạn và Chính phủ, Quốc hội đã có những phối hợp, những quyết định, quyết sách đúng đắn. Đó là cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đang chuẩn bị khởi công; và cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư ngày 28/6/2024, dự kiến thực hiện ngay trong năm nay và cơ bản hoàn thành 2026, đưa vào khai thác, vận hành 2027. Con đường này khi đi vào hoạt động chắc chắn sẽ kích hoạt sức mạnh Bình Phước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Bình Phước, kết nối thuận lợi nhanh chóng hơn giữa vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên.

Đọc thêm