Dành trọn đam mê cho biển đảo quê hương

(PLO) - Đó là nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Chí Hùng - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhiếp ảnh du lịch TP HCM. 
”Phu ảnh” Hoàng Chí Hùng bên cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa.
”Phu ảnh” Hoàng Chí Hùng bên cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa.

Trong cuộc đời cầm máy của mình, dấu chân anh đã rong ruổi khắp 63 tỉnh, thành, vùng biên giới và các hải đảo xa xôi của đất nước, từng 8 lần tổ chức triển lãm ảnh cấp quốc gia. Lận lưng nhiều giải thưởng nhiếp ảnh danh giá nhưng với Hoàng Chí Hùng- niềm đam mê lớn nhất, khát khao cháy bỏng nhất anh dành trọn cho Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.

Bản thân anh đã 4 lần đến Trường Sa, mỗi lần gặp lại Trường Sa cái cảm giác mừng tủi, cảm động dâng trào giống như người con xa quê được trở về đất mẹ. Mỗi lần đến Trường Sa thêm tự hào kiêu hãnh vì thấy sự thay da đổi thịt kỳ lạ của mảnh đất yêu thương. Và tất cả tình yêu lớn đó được anh thể hiện vào gần 5 ngàn tấm ảnh ghi nhận những khoảnh khắc sóng to, biển cả, những người lính Trường Sa kiên trung đêm ngày chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của đất nước.

Thời trẻ, nghệ sĩ Hoàng Chí Hùng cũng từng tham gia quân ngũ nên chất lính vẫn in đậm trong anh. “Tôi đến Trường Sa 4 lần rồi nhưng vẫn còn muốn đi nữa. Ra Trường Sa để thêm yêu, thêm tự hào về Tổ quốc mình và khâm phục những người lính ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương”- anh tâm sự.

Anh Hùng kể, anh đã từng đến đủ 63 tỉnh, thành trên cả nước và hiện đang lưu giữ trên 500 ngàn bức ảnh về con người, địa danh trên tất cả các vùng miền, song gần 5 ngàn tấm ảnh chụp được trong 4 lần đến Trường Sa là tài sản” đặc biệt nhất, là niềm kiêu hãnh nhất trong cuộc đời “phu ảnh” của anh.

Lần đầu tiên Hoàng Chí Hùng đến Trường Sa đúng ngày 9/6/2011, là ngày Trung Quốc ngang ngược cắt cáp tàu Vi-kinh 2 của ta đang thăm dò dầu khí trên thềm lục địa phía Nam đất nước. Lúc đó tại cảng Cát Lái, anh Hùng hào hứng chuẩn bị lên đường. “Lúc đó tôi nghĩ đi Trường Sa là hạnh phúc lắm rồi, có chết thì chết cho Tổ quốc, chết ở Trường Sa thì lo ngại gì” - anh hùng hồn tuyên bố. Đứng trên cầu cảng Cát Lái, phóng máy ảnh về phía boong tàu, anh bấm liền 4 kiểu về 3 chiến sĩ nhễ nhại mồ hôi chuyển va ly đồ đạc giúp đoàn công tác vào các phòng khách. Đó là tấm ảnh đầu tiên chụp về Hải quân Việt Nam, về người lính mặc áo vằn cánh sóng.

Đêm đầu tiên trên con tàu hướng Trường Sa thẳng tiến, trong khi mọi người tập trung ở boong giữa của tàu vui văn nghệ, kể chuyện biển đảo thì anh lặng lẽ vác máy ảnh đứng trước mũi tàu. Nhìn về phía Trường Sa, anh cảm động rơi nước mắt.

Sau hành trình 3 ngày đêm, tàu đến đảo Trường Sa Lớn. Suốt đời anh Hùng không quên được cảm giác hồi hộp, xúc động khi lần đầu tiên đặt chân đến đảo Trường Sa, lần đầu tiên tận mắt chứng kiến Trường Sa thân yêu “bằng xương, bằng thịt” với biển cả bao la, những người lính quả cảm, kiên trung mà hiền hòa, thân thiện, màu xanh tràn trề sức sống của những cây bàng vuông bất chấp sự khắc nghiệt của nắng gió vẫn hiên ngang hòa cùng nước biển bát ngát một màu, cột mốc chủ quyền thiêng liêng nổi bần bật giữa biển trời lồng lộng… Cuộc đời người nghệ sĩ nhiếp ảnh mấy chục năm cầm máy mà Hoàng Chí Hùng vẫn thấy run rẩy, xúc động như buổi ban đầu. “Trường Sa in đậm trong tim tôi những ấn tượng không bao giờ phai mờ”- Hùng chia sẻ.

Trong số 8 lần triển lãm ảnh cấp quốc gia, có một triển lãm Hoàng Chí Hùng dành riêng cho Trường Sa. Đó là triển lãm “Trường Sa Tổ quốc nơi đầu sóng” diễn ra tại Hà Nội ngày 12/12/2012. Gần 5 ngàn tấm ảnh là ngần ấy góc nhìn sinh động về đảo và tình quân dân Trường Sa. Tất cả những tấm ảnh từ cột mốc chủ quyền, triền cát, chim muông, cá biển, cỏ cây, âu tàu, đèn biển đến chủ nhân của đảo là những người lính can trường, đều khẳng định một thông điệp: Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam! Những người lính Trường Sa đang thầm lặng hy sinh nhưng tự hào, kiêu hãnh được bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc mình. 

Cuộc triển lãm về biển đảo của Hoàng Chí Hùng thu hút hàng ngàn người dân tham quan. Rất nhiều người dân Thủ đô rơi nước mắt trước những hình ảnh sống động, phong phú về hình ảnh một Trường Sa khắc nghiệt nơi “đầu sóng ngọn gió” với những người lính trẻ có nụ cười trắng lấp lánh trên khuôn mặt sạm đen vì nắng gió, một Trường Sa hiền hòa, bình dị với trường mẫu giáo, lớp học, thanh bình một mái chùa giữa biển xanh, mây trắng, gần gũi, yêu thương như bao làng quê khác trên dải đất hình chữ S của Việt Nam ta... Sau triển lãm của anh, có thanh niên Thủ đô đã viết đơn tình nguyện đi Trường Sa làm nhiệm vụ. Và không ít sinh viên Hà Nội đã làm đồ án tốt nghiệp về Trường Sa, về những người lính canh biển, đảo Tổ quốc.

Hoàng Chí Hùng cho biết: “Những tấm ảnh về Trường Sa không chỉ là bằng chứng lịch sử về chủ quyền đất nước mà tôi muốn lưu giữ lại cho đời sau, để thế hệ ngàn đời người Việt thấm nhuần sự hy sinh lớn lao của các thế hệ cha anh trong việc gìn giữ biển đảo quê hương. Mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ bên cạnh niềm tự hào về đất nước còn có trách nhiệm giữ gìn bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương”.

Đọc thêm