Biết sinh tử vẫn lặn biển
Huyện đảo Cô Tô có khoảng 200 thợ lặn. Trước đây, thợ lặn Cô Tô lặn xuống độ sâu 30-40m ở các vùng biển quanh đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ, vùng biển Vạn Cát…, nơi có nhiều san hô và hang động để đánh bắt cá, bào ngư, ngọc trai đưới đáy biển. Nay nguồn hải sản quý hiếm này cạn kiệt, “vắng bóng” do các phương pháp đánh bắt “tận diệt, hủy diệt”, thì thợ lặn chuyển sang đánh bắt cá song, cá ngừ, cá mó và cá ngựa. Nghề lặn biển vốn rất nguy hiểm, đã có không ít người phải bỏ mạng, ai may mắn thoát khỏi cửa tử thì cũng phải mang trên mình thương tật vĩnh viễn.
Với thợ lặn bào ngư, ngọc trai thì bất kể mùa hè hay mùa đông giá rét, họ luôn sẵn sàng làm việc khi có chủ tàu yêu cầu. Mùa hè, thợ lặn chỉ cần mặc bộ đồ lặn (đồ nhái) là có thể nhảy ngay xuống nước để đánh bắt hải sản. Còn mùa đông thì sao? Vẫn đồ nghề, áo quần lặn ấy, mặc cho nước biển buốt giá, lạnh cóng nhưng họ bất chấp nguy hiểm tính mạng. Họ thường ra khơi vào buổi tối để nhằm vào lúc “cá ngủ” mà đánh bắt chúng dễ dàng. Đồng thời tránh được sự tuần tra của lực lượng chức năng, công an và bộ đội biên phòng.
Làm nghề lặn đánh bắt bào ngư, ngọc trai, cá song, cá ngừ ở độ sâu trên dưới 40 mét, các ngư dân không được đào tạo qua bất cứ trường lớp nào và 100% ngư dân không hề có chứng chỉ hành nghề, họ chỉ làm việc theo phương thức cha truyền con nối. Các thợ lặn cũng không được trang bị kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn, các kỹ năng cứu hộ hay được cấp thiết bị bảo hộ khi lặn. Họ hành nghề bằng chính những kinh nghiệm có được từ trải nghiệm thực tế họ nhưng những kinh nghiệm đó thiếu khoa học. Vì thiếu đi những hiểu biết cơ bản mà cái giá họ phải trả có khi là mạng sống của mình.
Những thợ lặn ngày ngày tìm bào ngư, bắn cá dưới nước ở độ sâu 30-40m nếu có sức khỏe thì ở được dưới đáy biển khoảng 4 giờ đồng hồ, khi nào cảm thấy đói bụng hay đến giờ ăn cơm thì ngoi lên tàu. Người có sức khỏe yếu, thần kinh không tốt thì trụ được 2 tiếng là hết chịu nổi.
Lý do nghề lặn vốn nguy hiểm mà cánh thợ lặn vẫn liều mình đối mặt với sinh tử là vì trung bình mỗi một đêm đi biển, một thợ lặn có thể kiếm được từ 1,5-2 triệu đồng/người. Nếu may mắn bắn được nhiều cá có giá trị, mỗi thợ lặn được chia từ 5-7 triệu đồng. Theo đó, thợ lặn thuê cho chủ tàu sẽ được hưởng 35-40% số tiền bán hải sản sau một chuyến lặn. Người trên thuyền đảm nhận các công việc như nấu ăn, điều chỉnh ống hơi, máy bơm hơi, kéo hải sản lên bờ sẽ được hưởng 10%. Số lợi nhuận còn lại thuộc về chủ tàu.
Phương tiện hỗ trợ đắc lực việc đánh bắt là súng điện, súng bắn hóa chất và chất hóa học cực độc như cyanua để làm cho hải sản tê liệt. Súng phóng điện có thể phóng xa hơn 7m, bán kính 1-2m. Những luồng xung điện phóng ra chính là nguyên nhân khiến thủy sinh chết hàng loạt. Các thợ “săn” cá chỉ cần thả một lượng nhỏ chất cyanua vào trong nước là “gây mê” nhiều loại hải sản. Những thứ hóa chất này là tác nhân hủy hoại môi trường sống, ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái biển.
Điều tra mới đây của Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ NN&PTNT, tại vùng biển đảo Cô Tô, lượng san hô bị chết chiếm khoảng 80-85%, nguồn lợi thủy sản ở đây suy giảm nghiêm trọng. Theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh, quần đảo Cô Tô đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ công nhận thành lập khu bảo tồn sinh thái biển nên nghề lặn dưới mọi hình thức để khai thác thủy sản tự nhiên đều bị cấm.
Bác sĩ tận tình, ngư dân thờ ơ
Trong 2 ngày 3 và 4/3/2017, các bác sĩ của Khoa Sinh lý Hải quân, Viện Y học Hải quân đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Cô Tô khám bệnh và khảo sát các bệnh của ngư dân làm nghề thợ lặn trên địa bàn. Dù Văn phòng huyện đã thông báo trên loa truyền thanh từ chiều hôm trước về kế hoạch khám bệnh cho thợ lặn nhưng chỉ có 40 thợ lặn đến với các bác sĩ. Trong số đó, có nhiều người trong tình trạng thập tử nhất sinh may mắn được các bác sĩ của Viện Y học Hải quân cứu sống.
Các bác sĩ hải quân lên tận tàu cá tư vấn sức khỏe cho ngư dân lặn biển |
Bác sĩ Trần Văn Hà - Chủ nhiệm Khoa Sinh lý Hải quân cho biết: “Thợ lặn ngoài bệnh giảm áp thì năm nay phát sinh những bệnh mới như tăng huyết áp, tiền tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim. Mỗi lần đến khám cho ngư dân, chúng tôi đều cảnh báo những thợ lặn về những nguy cơ tiềm ẩn bệnh lý nguy hiểm, hoặc tai nạn trực tiếp khi đang lặn biển nếu như vẫn theo đuổi nghề này”.
Các bác sĩ cũng tư vấn cho số thợ lặn có mặt, phát bản hướng dẫn lặn sâu an toàn theo quy chuẩn của một số quốc gia tiên tiến trên thế giới để các thợ lặn tham khảo kinh nghiệm. Dù các bác sĩ rất tận tình nhưng các thợ lặn biển lại thờ ơ với sức khỏe và tính mạng của mình. 160 ngư dân còn lại hoặc đã đi biển, hoặc “đang ngủ để tối còn lặn tiếp”. Thế là vì sức khỏe người dân, các bác sĩ phải trèo lên các tàu khai thác hải sản đang neo đậu tại âu tàu Cô Tô để kiểm tra sức khỏe và tư vấn cho ngư dân.