Đạo diễn lý giải về bộ phim Việt ăn khách nhất lịch sử

Đạo diễn phim "Em là bà nội của anh" cho biết, đa số các nhà đầu tư ít quan tâm đến khâu kịch bản. Với 1 bộ phim, họ không cần kịch bản hay, chỉ xem có diễn viên nào tham gia.
Đạo diễn Nhật Linh (ngoài cùng bên trái) và Hứa Vĩ Văn, Miu Lê. Ảnh: ĐPCC
Đạo diễn Nhật Linh (ngoài cùng bên trái) và Hứa Vĩ Văn, Miu Lê. Ảnh: ĐPCC

Sau 2 tháng công chiếu, đến nay 'Em là bà nội của anh' đã đạt doanh thu hơn 102 tỷ đồng, trở thành bộ phim ăn khách nhất lịch sử phim Việt Nam. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã chia sẻ với PV cảm xúc về tác phẩm đầu tay của mình.

'Miu Lê đem lại những điều quý giá cho phim'

- 'Em là bà nội của anh' vừa lập kỉ lục, trở thành phim Việt có doanh thu khủng nhất với hơn 102 tỷ đồng. Cảm xúc của anh thế nào khi đứa con tinh thần của mình được khán giả đón nhận nồng nhiệt?

- Bộ phim của mình được khán giả yêu thích, đạt doanh thu lớn, tôi rất hạnh phúc. Kết quả đó thật ra cũng không nằm ngoài mục tiêu của chúng tôi và nhà sản xuất đề ra. Phiên bản gốc ở Hàn Quốc vốn đã có doanh thu cao. Quá trình làm phim sự tự tin ấy càng tăng cao hơn vì thấy mọi thứ đều ổn và thuận lợi.

Thế nhưng khi ra rạp thì tôi lại lo lắng vì cùng thời điểm đó có nhiều phim khác ra mắt với sự tham gia của những tên tuổi ngôi sao hơn 'Em là bà nội của anh'. Không những thế, sở thích của khán giả Việt lại rất khó đoán. Thực tế đã cho thấy không phải những bộ phim làm tốt nhất, nội dung hay nhất được khán giả mua vé xem nhiều nhất.  

- Lo lắng như thế, tại sao anh không chọn những cái tên có thể bán vé cho dự án phim của mình?

- Mỗi đạo diễn sẽ có những tiêu chí lựa chọn diễn viên khác nhau. Còn tôi, quan trọng nhất vẫn là hợp vai. Nếu chọn diễn viên vì tên tuổi nhưng diễn không tốt thì khán giả sẽ không quay lại. Tất nhiên nếu diễn viên có được cả hai yếu tố hợp vai và có khả năng thu hút khán giả thì càng tốt. 

Vai diễn Thanh Nga của Miu Lê ban đầu được nhà sản xuất mời nhiều người nổi tiếng khác nhưng họ đều từ chối khi biết phim được mua bản quyền của Hàn Quốc. Ai cũng sợ bị ném đá như nhiều dự án trước đây. Thực tế thì xung quanh 'Em là bà nội của anh' hiện nay vẫn có nhiều lời khen chê trái chiều. 

Tôi chọn Miu Lê sau vài vòng casting. Khi bắt đầu quay phim, tôi cảm thấy mình may mắn khi gặp được cô ấy vì Miu Lê đem đến cho bộ phim những điều quý giá. Miu Lê là diễn viên đa năng, có thể diễn bi và hài đều tốt, giọng hát truyền cảm. Điều đặc biệt là cô ấy có khả năng cuốn hút người xem từ đầu đến cuối phim bằng chính năng lượng do cô tỏa ra.

- Mọi người nhận xét Miu Lê chảnh, khó gần, còn trong công việc, anh đánh giá cô ấy thế nào?

- Điều này tôi cũng rất đồng cảm với Miu Lê vì tôi từng nghe những nhận xét như thế về mình. Tôi nghĩ, chỉ vì mình làm nghiêm túc, đúng giờ, đặt tiêu chuẩn cao trong công việc nên bị ghép với từ chảnh. 

Quá trình làm việc cùng Miu Lê, tôi đánh giá cao sự nhiệt tình, hết mình với vai diễn của cô ấy. Miu Lê từ bỏ hết các show diễn để toàn tâm toàn ý cho vai diễn, khi quay phim nắng, gió, mệt thế nào cũng không ta thán, mè nheo. Tại sao một người không làm màu, ít cười nói, chỉ tập trung cho công việc mà lại bị cho là chảnh? Sau khi phim đóng máy, tôi và các thành viên trong đoàn vẫn rất thân thiết.

- Để các diễn viên hết lòng với nhân vật, anh có đặt ra quy tắc gì với họ trong quá trình quay?

- Tôi thấy mình hạnh phúc vì tìm được dàn diễn viên giỏi, ai diễn cũng tốt nên ai cũng làm tôi hài lòng. Trong khi làm việc, tôi không đề ra quy tắc hay khó khăn với ai nhưng tất cả đều ý thức trách nhiệm cao với vai diễn của mình. Ngay cả nhân vật của Lều Phương Anh – vai diễn nhỏ thôi nhưng cô ấy đến trường quay sớm, sống thật với nhật vật của mình.

Đạo diễn Phạm Gia Nhật Linh. Ảnh: NVCC
Đạo diễn Phạm Gia Nhật Linh. Ảnh: NVCC

Khó có nhiều dấu ấn cá nhân với tác phẩm chuyển thể

- Chuyển thể từ kịch bản bộ phim nổi tiếng của Hàn Quốc, anh có gặp khó khăn, áp lực gì khi quay phim?

- Trong cuộc sống, tôi đối diện với mọi thứ nhẹ nhàng. Khi nhận kịch bản, tôi không nghĩ đây là kịch bản chuyển thể mà coi nó là tác phẩm mới như bao tác phẩm khác. Tôi làm mọi thứ theo cảm nhận và mong muốn của mình. 

Nhà sản xuất không can thiệp thô bạo vào công việc của tôi mà để tôi tự quyết diễn viên. Nội dung kịch bản đã chặt chẽ, việc tôi chỉnh sửa là các câu thoại sao cho thuần Việt, cách đùa giỡn gần gũi hơn… Nếu chủ đề của bản gốc nhấn mạnh là tuổi thanh xuân, còn 'Em là bà nội của anh' thì tôi lại muốn nhấn mạnh tình mẫu tử, câu chuyện về gia đình. 

- Thành công của 'Em là bà nội của anh' không thể phủ nhận có sự đóng góp quan trọng của kịch bản. Tuy nhiên đó lại là kịch bản Hàn Quốc. Theo anh, vì sao ở Việt Nam, kịch bản rất yếu và thiếu?

- Ở Việt Nam, các nhà đầu tư không mấy quan tâm đến khâu kịch bản. Một bộ phim, họ không cần kịch bản hay, chỉ xem có diễn viên nào tham gia. Và hiện nay, phim cứ có diễn viên hài là bán vé tốt nên khâu kịch bản càng bị thờ ơ.

Ở nước ngoài thì khác, kịch bản được chú trọng như các khâu khác. Kịch bản của 'Em là bà nội của anh' ở Hàn Quốc được viết, chỉnh sửa và phát triển trong 4-5 năm. Mức thù lao biên kịch nhận được lại rất cao. Viết 1 kịch bản ăn khách, họ được nhận tiền từ các nguồn và trong nhiều năm. Trong khi đó, các nhà biên kịch của Việt Nam thì ngược lại. Trả tiền cat-xê thấp thì muốn họ viết ra một tác phẩm chất lượng là điều khó vô cùng.

Tôi nghĩ khi thị trường mở rộng hơn, nhà đầu tư sẽ quan tâm nhiều hơn đến kịch bản. Từ thành công về doanh thu của 'Em là bà nội của anh' hi vọng mọi người sẽ nghĩ lại vì kịch bản chính là tiền đề để có lợi nhuận.

- Là người viết phê bình điện ảnh sắc sảo nên mọi người kỳ vọng anh sẽ để lại dấu ấn nhiều hơn với Em là bà nội của anh, dù là tác phẩm được chuyển thể. Anh nghĩ sao về điều đó?

- Mọi người kỳ vọng nhưng tôi không làm phim nhằm đáp ứng kỳ vọng đó. Việc khó có dấu ấn nhiều là điều dễ hiểu với một tác phẩm chuyển thể vì nội dung đã có sẵn rồi. Làm phim, tôi không nghĩ mình cần phải chứng tỏ bản thân bằng việc đem tới cảm xúc cho người xem. Điều mà 'Em là bà nội của anh' làm được là không có những lời thoại khó chịu, diễn viên nói như đọc văn dịch. Nếu không nói là bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của Hàn Quốc thì không có nhiều người biết vì nội dung rất thuần Việt.

- Dự án tiếp theo sau 'Em là bà nội của anh' lại là phim hoạt hình. Tại sao anh lại mạo hiểm chọn thể loại kén khán giả như thế?

- Tôi luôn muốn thử thách bản thân, không muốn bị đóng khung, đi vào lối mòn. Trước khi nghĩ đến những điều gì khác thì hãy cứ làm một bộ phim tốt đã. Mà làm được phim hoạt hình tốt hay không, quan trọng là có đủ tiền hay không. Chính vì khó tìm kiếm nhà đầu tư nên tôi đang đóng luôn vai trò nhà sản xuất.