Những khoảnh khắc chông chênh khi cha mẹ đột ngột qua đời, những băn khoăn thầm kín của tuổi mới lớn được đạo diễn 74 tuổi Síu Phạm khắc họa một cách rất riêng trong Vào đời - bộ phim về đề tài thanh thiếu niên đang gây chú ý với giới trẻ.
Suất chiếu duy nhất của phim diễn ra tại TP.HCM cuối tuần qua gây sốt vé khiến ban tổ chức phải mở thêm hai suất chiếu khác.
Vào đời kể câu chuyện của hai chị em Mai và Vinh vừa mất cha mẹ do một tai nạn. Cả hai đối diện với nỗi đau mồ côi một cách lặng lẽ và tìm cách bươn chải mưu sinh theo kiểu dửng dưng. Nỗi tò mò lớn nhất của họ chỉ là việc mất trinh như thế nào? Phim diễn giải khoảng thời gian chông chênh đó của hai chị em bằng một nhịp điệu chậm rãi, khắc khoải hệt như cảm giác u hoài của hai nhân vật.
Đầu tiên là chuyện Mai đi xin việc, vừa tìm được một chân phục vụ mát-xa gội đầu ở tiệm tóc chưa bao lâu thì Mai bị đuổi việc vì dám “bật” lại chủ. Mai lang thang ngoài đường, kết bạn với hai du khách Tây ba-lô và đưa họ về nhà cho trú nhờ để kiếm năm đô la một ngày. Còn Vinh thì được một bà lão mù nhận vào làm giúp việc. Công việc hằng ngày của Vinh là đi chợ, cơm nước cho bà. Bản thân Vinh cũng không quan tâm được trả lương bao nhiêu.
Khi Mai và hai gã Tây nghe Vinh kể được bà chủ chỉ chỗ lấy tiền đi chợ hằng ngày, cả ba lén bám theo Vinh đến chỗ làm để ăn cắp tiền, nhưng không tìm thấy chỗ cất. Kết phim, bà cụ giàu có mất tích nên Vinh cũng mất việc. Hai gã Tây cũng bỏ đi, chỉ còn hai chị em Mai - Vinh ngồi bên nhau trong căn nhà của họ.
Bao trùm bộ phim là một không khí ngột ngạt như chính cuộc sống bơ vơ, tối tăm theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của hai chị em. Căn nhà của Mai và Vinh nằm trong con hẻm nhỏ xíu, cầu thang chật hẹp, phòng ngủ, phòng khách cũng bí. Kể cả căn biệt thự của bà cụ mù cũng tối tăm, bề bộn. Cảm giác ngột ngạt đó còn được thấy ở cách sử dụng góc máy quay từ dưới lên những tòa cao ốc, những con đường trên cao, những trụ cầu to sừng sững, tạo cảm giác hai đứa trẻ bị nhấn chìm dưới những khối bê tông.
Hiệu ứng thị giác gây đối lập đó khiến người xem cảm thấy nhói lòng cho thân phận mồ côi của nhân vật. Trong dòng đời tất bật, Mai và Vinh cứ dửng dưng thả những bước chân vô định. Sự thờ ơ của chúng với cuộc sống xung quanh thể hiện qua những phút giây lặng im của Mai, mặc cho người tuyển dụng liên tục đặt câu hỏi phỏng vấn; những lần Vinh lang thang trên đường ray xe lửa; những cuộc trao đổi nhát gừng giữa hai chị em…
Cũng như ba phim dài trước đó là Đó hay đây, Căn phòng của mẹ, Con đường trên núi, tác phẩm mới của nữ đạo diễn Síu Phạm luôn bỏ ngỏ về mặt ý nghĩa của những hình ảnh, chi tiết, biểu tượng để khán giả tự hiểu.
|
Đạo diễn Síu Phạm |
Là người từng theo học triết học, nghệ thuật, sân khấu và điện ảnh nên phim của bà có một giọng điện ảnh độc đáo, hoàn toàn khác biệt. Bà chú trọng khơi gợi cảm xúc để người xem hòa nhập với câu chuyện, nhân vật, hơn là tìm cách lý giải mọi thứ để hiểu. Cuối phim, khán giả không biết cuộc sống của hai chị em trôi về đâu khi cả hai đều thất nghiệp. Chỉ biết tâm trạng Mai, Vinh đã nhẹ nhõm, hứng khởi hơn, vì chúng đều đã nếm trải cảm giác thành “người lớn”, dù phim không có cảnh nào cho thấy chúng làm chuyện người lớn.
Tựa phim Vào đời mang nặng tính biểu tượng, ám chỉ quá trình trưởng thành về tinh thần lẫn thể xác của hai chị em, hơn là khắc họa những khó khăn mà chúng gặp phải trong cuộc sống mồ côi.
Làm phim về tuổi mới lớn, về chủ đề giới tính ở độ tuổi U80 như đạo diễn Síu Phạm quả là chuyện hiếm. Chia sẻ về điều này, nữ đạo diễn thổ lộ: “Khi làm, tôi không biết mình bảy mươi mấy tuổi hay hai mươi, ba mươi tuổi, quan trọng là có ý tưởng để làm phim. Tôi cũng không quan tâm các đề tài phim mình nói về người già hay người trẻ, chỉ đơn giản là làm một câu chuyện phim mang tính chất con người, nói về con người hoặc về động vật cây cỏ. Câu chuyện tôi muốn kể luôn có nhiều điều ẩn dụ. Kể một chuyện, nhưng thực chất là muốn kể nhiều chuyện, và để mỗi người tự hiểu. Khi làm phim, tôi nghĩ nhiều thứ một lúc. Đến khi nảy ra được câu chuyện, những ẩn dụ, ý đồ sau đó, tôi sẽ từ từ tìm cách thực hiện. Giải quyết được cũng là cơ may. Chẳng hạn, chuyện đi xin tiền làm phim, hay ở đoạn kết có cảnh đàn bò đi rong giữa đường phố là hình ảnh được bắt gặp ngẫu nhiên lúc quay”.
Được biết, Vào đời vốn là dự án Thiên đường bỏ ngỏ, từng được hội đồng tuyển chọn của Chợ dự án Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ ba (2014) trao giải Dự án xuất sắc. Tuy nhiên, vì lận đận việc xin kinh phí, mãi đến năm 2018, bộ phim mới được thực hiện. Có một điều thú vị: Người đảm nhận vai nữ chính Mai là một nghệ sĩ đương đại - Nguyễn Phương Linh, và bối cảnh phòng ngủ của Mai cũng là phòng ngủ của Linh, kể cả người vào vai mẹ Mai cũng chính là mẹ cô.