Hành trình 30 năm nghiên cứu về trà
Bất cứ ai khi gặp gỡ, làm việc cùng Đào Đức Hiếu đều cảm nhận được ở chàng trai này là sự năng động, nhiệt huyết, không bao giờ chịu dừng lại bước chân khi chưa đạt được tới mục đích, ước mơ của mình.
Cùng với niềm đam mê thưởng thức trà và yêu mến thiên nhiên, cảnh sắc nơi vùng cao Yên Bái, sau 18 năm tu nghiệp về Marketing và kỹ thuật sản suất chế biến chè ở nhiều nước trên thế giới, năm 2017, Đào Đức Hiếu đã gác công việc làm giảng viên khoa Marketing trường Đại học Ngoại Thương (Hà Nội) lên xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn.
Nhiều người luôn thắc mắc vì sao Hiếu lại sẵn sàng từ bỏ một công việc mơ ước và chốn phồn hoa đô thị để lên vùng đất xa xôi nơi đồi núi. Nhưng khi anh cùng chính quyền và Liên minh HTX tỉnh Yên Bái xây dựng thành công thương hiệu chè Suối Giàng và từng bước đưa sản phẩm vươn ra thế giới, thì lúc này những công sức, hy sinh của anh đã được khẳng định là xứng đáng.
Anh Hiếu chia sẻ: “Tôi đã học trà tại 12 quốc gia trên thế giới. Thêm vào đó, là tìm tòi và nghiên cứu hơn 15 năm miệt mài, khoác ba lô đi đến tất cả khoảng 10 vùng trà cổ thụ ở Việt Nam. Khi đến với Suối Giàng mình đã quyết định dừng chân bởi nơi đây có đỉnh núi mờ sương và được mệnh danh là thuỷ tổ của trà Shan Tuyết cổ thụ”.
Theo anh Hiếu, chè Shan Tuyết được trồng ở độ cao từ 1.000 - 1.800 m so với mặt nước biển, nơi có độ ẩm cao, thời tiết mát mẻ quanh năm. Trong đó, nổi tiếng nhất là chè Shan Tuyết Suối Giàng. Chè Shan Tuyết hợp với khí hậu, đất đai và nguồn nước suối Giàng nên xanh tốt quanh năm, mà không cần phải bón phân hay phun thuốc trừ sâu. Cây sinh trưởng tự nhiên giữa vùng khí hậu quanh năm mát mẻ, mây mù bao phủ. Búp non có hương vị chát dịu, sau có vị ngọt đậm đà và hương thơm khó quên. Cây cổ thụ nhất ở đây hơn 300 tuổi, cây non nhất cũng trên 100 năm.
Đặc biệt, với thương hiệu chè Sugi Tea do Đào Đức Hiếu sáng lập, sản xuất chè Shan Tuyết không sử dụng các chất hóa học như phân hóa học, thuốc trừ sâu hay thuốc trừ cỏ, quá trình chế biến bảo đảm quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm, mô hình sản xuất chè hữu cơ của Sugi Tea đã góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên, cân bằng hệ sinh thái tự nhiên. Điều này không chỉ đem lại nguồn lợi kinh tế do chất lượng tuyệt hảo của chè, mà còn giúp người dân thu lợi từ du lịch trước mảnh đất được coi là cái nôi của cây chè cổ thụ.
Anh Hiếu chia sẻ đầy tự hào: “Chè Shan Tuyết Suối Giàng xưa nay được xếp đầu bảng trong các loại chè và được gọi là chè “năm cực”: “cực khổ” – khi trồng và thu hái, “cực sạch” – do điều kiện khí hậu tự nhiên hoang dã, “cực hiếm” – sản lượng ít, “cực ngon” – có hương thơm, vị đậm và “cực đắt”.
|
Những lá chè xanh mướt trên vùng núi Suối Giàng |
Chè Shan Tuyết Suối Giàng đã được công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Sản phẩm cũng đã đăng ký nhãn hiệu, nên thương hiệu chè Shan Tuyết Suối Giàng không chỉ lan tỏa trong nước mà còn có mặt ở các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Đài Loan, Hà Lan, Đức... Năm 2006, chè Shan Tuyết Suối Giàng đã được Hiệp hội Chè Việt Nam vinh danh "Thương hiệu chè Việt”; năm 2016 được bình chọn là "Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu”; năm 2017 được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings công bố là một trong 10 đặc sản quà tặng nổi tiếng Việt Nam...
Không gian văn hóa trà Suối Giàng
Cũng theo anh Hiếu, muốn thưởng thức trà ngon phải đảm bảo 5 yếu tố: Nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ ấm, ngũ quần anh. Nôm na là điều thứ nhất phải có phong thủy hữu tình. Ngay từ khi đặt chân đến mảnh đất Suối Giàng, Đào Đức Hiếu không khỏi say mê bởi cảnh sắc non xanh, hùng vĩ của những ngọn núi, rừng trà, dòng suối Giàng trong xanh, nước biếc…Chính vì lẽ đó, tháng 9/2019, Đào Đức Hiếu đã quyết định thiết kế, xây dựng “Không gian văn hóa trà Suối Giàng” với mong muốn phát triển giá trị của trà Suối Giàng gắn với xuất khẩu, phát triển du lịch, gia tăng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho bà con người Mông nơi đây.
Khi đến đây du khách sẽ được thưởng thức tách trà nóng của chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, mang tính đặc trưng, riêng biệt mà không phải nơi nào cũng có. Đó là, Diệp trà, Hồng trà, Hoàng trà, Bạch trà… tất cả đều được khai thác và chế biến từ chè Shan Tuyết cổ thụ Suối Giàng. Đặc biệt, những bộ dụng cụ pha trà đến từng chén trà đều được chủ nhân chuẩn bị công phu, toát lên vẻ hiện đại nhưng cũng rất cổ kính.
“Mong muốn tại Không gian văn hóa trà Suối Giàng sẽ giúp du khách được hòa mình vào không gian giữa đỉnh núi hoang sơ để có cảm nhận rõ nét về văn hóa độc đáo của người dân bản địa. Chúng tôi cũng mời các nghệ nhân, chuyên gia về trà đến để giới thiệu đặc sản chè Shan Tuyết đến với mọi du khách, để mọi người hiểu hơn về loại trà đặc biệt và thưởng trà để cảm nhận được hương vị tinh túy của đất, trời, mây, gió trong chén trà đặc sản” – Anh Hiếu chia sẻ.
|
Du khách thưởng thức chè Shan Tuyết tại "Không gian văn hóa trà Suối Giàng” |
Không gian văn hóa được thiết kế đơn giản, theo đúng bản sắc văn hóa người Mông, tạo cảm giác gần gũi, thân thiện và thư thái. Từ bộ dụng cụ uống trà cho đến từng chén trà ở đây đều toát lên sự cầu toàn và trân trọng khách thưởng trà.
Chè Shan Tuyết cổ thụ Suối Giàng không chỉ có giá trị cao về nguồn gen mà còn có giá trị du lịch, ý nghĩa tâm linh gắn với bản sắc văn hóa dân tộc Mông. Đây cũng là loại cây mang lại giá trị kinh tế, là nguồn sống chính của đồng bào Mông. Vì thế, với việc sản xuất chè Shan Tuyết và xây dựng "Không gian văn hóa trà Suối Giàng” đã mở ra cơ hội mới cho người dân nơi đây phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào.
Lớp học sẻ chia Suối Giàng
Với thông điệp: "Hãy cho đi một phần những gì mình đang có”, Đào Đức Hiếu - Giám đốc Hợp tác xã Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng không những xây dựng thành công "Không gian văn hóa trà Suối Giàng” hàng năm thu hút hàng ngàn lượt khách, mà còn xây dựng được lớp học miễn phí cho trẻ em về cách làm trà, cách bảo tồn, trân trọng cây chè cổ, dạy ngoại ngữ, kỹ năng sống… được học sinh và người dân bản địa tin tưởng, đánh giá cao.
Đặc biệt, một lớp học sẻ chia (sharing classroom) đã được anh Hiếu dày công xây dựng giữa vùng đất của những cây chè tổ Suối Giàng. Đây cũng chính là tình yêu dành cho những em bé người Mông của anh, để từ đó nhân lên những yêu thương, mang tri thức nâng bước tương lai.
|
Lớp học sẻ chia do anh Đào Đức Hiếu xây dựng |
Đến với lớp học sẻ chia, người học và người dạy đều được tiếp thu những kiến thức mà mình chưa biết đến. Bạn có thể được học tiếng Anh, tin học, về kỹ năng sống, được đào tạo về nghệ thuật pha trà, cách bảo quản, kinh doanh, bảo tồn, phát triển văn hóa, nghệ thuật của người Mông…
Anh Hiếu chia sẻ: “Đúng với tên gọi, lớp học sẻ chia không chỉ mang đến kiến thức mà còn khơi dậy trong các em tình yêu thương, lòng nhân ái biết sẻ chia giúp đỡ mọi người thông qua việc giáo dục kỹ năng sống. Đó là hành trang các em mang theo trong cuộc sống sau này”.
Lớp học còn hướng tới mục tiêu tăng cường sự giao lưu giữa trẻ em vùng cao và thành phố bằng việc thu hút các đoàn khách du lịch có trẻ em đồng lứa. Thông qua đó, xây dựng sự tự tin cho trẻ em vùng cao khi bước ra thế giới rộng lớn và tạo trải nghiệm cho trẻ em thành phố khi về với núi rừng. Được biết, lớp học đã đi vào hoạt động từ tháng 10/2020 và nhận được nhiều sự ủng hộ, tạo điều kiện của chính quyền các cấp, của người dân Suối Giàng.
Cùng với chính quyền địa phương và thương hiệu chè SugiTea, doanh nhân Đào Đức Hiếu với quyết tâm mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè Shan Tuyết Suối Giàng để góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, hiệu quả kinh tế cho người trồng chè, gắn phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng để "Không gian văn hóa trà Suối Giàng” vừa là điểm đến thưởng thức trà và giới thiệu các sản phẩm được làm ra từ vùng chè cổ Shan Tuyết./.