Đạo luật JASTA - “Thuận trong” thì ... “vướng ngoài”

(PLO) - Cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Michael Mukasey vừa kêu gọi hủy bỏ đạo luật Công lý Chống tài trợ khủng bố (JASTA), cho rằng đạo luật này “sẽ làm tổn thương nước Mỹ nhiều hơn thay vì giúp đỡ gia đình các nạn nhân vụ khủng bố 11/9”. Đến giờ, đạo luật này đã trở thành nỗi nhức nhối trong lòng dư luận Mỹ...

Ngày 6/10, cựu Bộ trưởng Mukasey phát biểu trên kênh truyền hình Fox News, bày tỏ hy vọng đạo luật trên sẽ được bãi bỏ vì những lợi ích lớn hơn của nước Mỹ. 

“Cái cớ hoàn hảo”

Lý giải về phát biểu của mình, ông Mukasey dẫn chứng: “Một vài ngày trước, một máy bay không người lái của Mỹ đã tấn công và giết hại dân thường ở Afghanistan. Nếu những người Afghanistan cho đó là một hành động khủng bố và đòi hỏi những thông tin tình báo đã dẫn đến cuộc tấn công, cũng như đòi được biết tên và đối thoại với những người đã thực hiện hành động này, thì điều đó sẽ gây tổn thương rất nhiều cho nước Mỹ và chúng ta không được phép để điều đó xảy ra”.

Ông Mukasey cũng nhắc nhở rằng Mỹ có số lượng nhân viên quân sự, tình báo và các nhà ngoại giao lớn nhất đang làm việc ở các nơi trên thế giới, và đạo luật này là một “cái cớ hoàn hảo” để gây khó khăn cho họ.

Theo ông Mukasey, không có bằng chứng nào cho thấy có sự dính líu của Chính phủ Saudi Arabia trong vụ khủng bố 11/9. Nếu như gia đình các nạn nhân có thông tin về một cá nhân nào đó tài trợ cho vụ khủng bố thì cá nhân người đó có thể bị kiện. Ông cũng cho biết Saudi Arabia đã giúp Mỹ rất nhiều trong cuộc chiến chống khủng bố và nhiều vụ tấn công tương tự đã không xảy ra do có sự hợp tác của Saudi Arabia.

Ông Mukasey nhấn mạnh rằng gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong vụ 11/9 xứng đáng nhận được sự cảm thông và phải được bồi thường, hỗ trợ nhưng đạo luật JASTA không phải là cách đúng để làm điều đó. Ông tin rằng không một gia đình nạn nhân nào muốn gây tổn hại cho nước Mỹ và hy vọng Quốc hội sẽ bãi bỏ đạo luật này và trao trả lại cho Tổng thống trách nhiệm điều hành quan hệ đối ngoại của đất nước.

“Đòn choáng váng”

Trước đó, hôm 28/9 vừa qua, Thượng viện Mỹ đã tiến hành bỏ phiếu vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Barack Obama đối với dự luật Công lý chống hành động bảo trợ khủng bố (JASTA), văn bản luật cho phép thân nhân và gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố 11/9/2001 khởi kiện Saudi Arabia. 

Nguồn tin chính thức từ Quốc hội Mỹ cho biết, với kết quả áp đảo gần như tuyệt đối 97 phiếu thuận và chỉ 1 phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu sáng cùng ngày, Thượng viện Mỹ đã có nhiều hơn đa số phiếu tối thiểu theo luật định để qua đó vô hiệu hóa quyết định phủ quyết dự luật JASTA của ông Obama.

Động thái này được coi là “đòn choáng váng” đối với chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama chỉ vài tháng trước khi ông rời nhiệm sở. Đây cũng là lần đầu tiên Thượng viện Mỹ có đủ số phiếu cần thiết để vô hiệu hóa một quyết định phủ quyết trong 2 nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama. Chỉ có duy nhất lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Harry Reid bỏ phiếu tán thành quyết định phủ quyết của Nhà Trắng. 

Hạ viện Mỹ sẽ phải tiến hành một cuộc bỏ phiếu tương tự để vô hiệu hóa quyền phủ quyết của tổng thống. Phát biểu hồi tuần trước với báo giới, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan nói rằng ông hy vọng Hạ viện sẽ giành đủ số phiếu cần thiết để qua đó đưa dự luật JASTA vào thực thi.

Thuận trong, vướng ngoài

Ngay sau khi Quốc hội Mỹ bỏ phiếu vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Mỹ đối với luật JASTA, Tổng thống Barack Obama đã phản đối quyết định trên, cho rằng đây là một sai lầm, tạo ra một tiền lệ nguy hiểm và về cơ bản mang động cơ chính trị.

Trong một bức thư gửi tới lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số tại Thượng viện Mỹ, ông Harry Reid, Tổng thống Obama nhấn mạnh việc thực thi luật trên sẽ làm xói mòn các quy tắc về miễn trừ của một quốc gia. Ông tuyên bố đồng cảm sâu sắc với gia đình các nạn nhân vụ 11/9/2001, nhưng JASTA sẽ “gây phương hại cho các lợi ích quốc gia của Mỹ” khi các công dân Mỹ phải đối mặt các vụ kiện dân sự liên quan tới các phái bộ quân sự ở nước ngoài. Ngoài ra, Tổng thống Obama cũng chỉ trích một số nghị sĩ thừa nhận rằng họ bỏ phiếu về dự luật này, song không hiểu nội dung văn bản này. 

Trong khi đó, Thư ký báo chí của Nhà Trắng Josh Earnest cho rằng việc Thượng viện Mỹ bỏ phiếu vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Obama là “điều khó hiểu nhất” của cơ quan lập pháp này trong nhiều thập kỷ qua. Ông cho rằng nhiều Thượng nghị sĩ sẽ phải hối hận và chịu trách nhiệm về hành động này. 

Việc Quốc hội lưỡng viện Mỹ biểu quyết vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Obama đối với JASTA, văn bản luật cho phép thân nhân và gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố 11/9/2001 khởi kiện Saudi Arabia, được xem là một đòn giáng mạnh đối Tổng thống Obama và với Saudi Arabia, đồng minh lâu đời nhất của Mỹ ở thế giới Arab.

Nhiều khả năng quan hệ đồng minh thân cận giữa Mỹ và Saudi Arabia sẽ trở nên căng thẳng, tạo tiền lệ cho các nước khác ban hành điều luật tương tự. Khi đó, quân đội Mỹ, nhân viên tình báo, ngoại giao và công vụ Mỹ có thể bị khởi kiện ở nước ngoài; đồng thời, tài sản của Chính phủ Mỹ ở nước ngoài cũng có nguy cơ bị tịch thu. 

Đọc thêm