Quốc hội Mỹ lần đầu lật ngược quyền phủ quyết của ông Obama

(PLO) - Quốc hội Mỹ hôm 28/9 đã bác bỏ việc phủ quyết của Tổng thống Barack Obama đối với dự luật cho phép người Mỹ đệ đơn kiện những người nước ngoài bảo trợ khủng bố. Đây là lần đầu tiên Quốc hội Mỹ lật ngược thành công quyền phủ quyết của Tổng thống kể từ khi ông Obama nhậm chức.
Ông Obama đã giận dữ lên án động thái của Quốc hội Mỹ. Ảnh: CNN
Ông Obama đã giận dữ lên án động thái của Quốc hội Mỹ. Ảnh: CNN

Theo tờ USA Today, ông Obama hôm 23/9 vừa qua đã phủ quyết dự thảo luật có tên Công lý chống lại những người bảo trợ hành động khủng bố (JASTA) với lý do dự luật này có thể xâm phạm khả năng thực hiện chính sách đối ngoại của tổng thống. Đây là lần thứ 12 ông Obama sử dụng quyền phủ quyết trong nhiệm kỳ tổng thống của mình.

Tuy nhiên, dưới sự thúc đẩy mạnh mẽ của những người sống sót và gia đình các nạn nhân trong các vụ tấn công ngày 11/9/2001 – những người vốn muốn kiện Ả rập Xê-út dựa trên những thông tin cho rằng Ả rập Xê-út có dính dáng đến các vụ tấn công khủng bố nói trên – kể cả những đồng minh của ông Obama ở Capitol Hill cũng đã bỏ phiếu lật ngược việc phủ quyết của ông. 

Tại Hạ viện Mỹ, tỉ lệ bỏ phiếu là 348/77, cao hơn so với tỉ lệ đa số 2/3 cần thiết. Kết quả bỏ phiếu cuối cùng ở Thượng viện Mỹ về việc lật ngược việc phủ quyết của tổng thống là 97/1, với chỉ lãnh đạo phe thiểu số Harry Reid bỏ phiếu chống.

“Trong nền chính trị phân cực của chúng ta hiện nay, việc này khá giống như một điều kỳ diệu đã xảy ra” – Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa John Cornyn nói. Theo ông này, các thành viên ở cả đảng Dân chủ và Cộng hòa ở cả 2 viện đều nhất trí phản đối việc phủ quyết của ông Obama, cho rằng dự luật vừa được thông qua sẽ đưa đến cơ hội cho các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố ngay trên đất Mỹ tìm kiếm công lý mà họ đáng được hưởng.

Người đứng đầu đảng Dân chủ ở Ủy ban quan hệ đối ngoại của Thượng viện Mỹ Ben Cardin cho biết ông chia sẻ một số quan ngại của ông Obama nhưng quyền của các nạn nhân là vấn đề lớn hơn. “Sẽ là không có lương tri nếu khép lại cánh cửa tòa án với những gia đình đã phải gánh chịu những tổn thất không thể tưởng tượng nổi” – ông nói.

Như vậy, với việc Quốc hội Mỹ lật ngược việc phủ quyết của tổng thống, dự luật nói trên đã chính thức trở thành luật. Theo luật này, các tòa án của Mỹ có thể tịch thu các tài sản của Ả rập Xê-út để chi trả cho bất kỳ phán quyết nào mà các gia đình có liên quan đến vụ 11/9 thu được. Chính vì vậy nên giới chức Ả rập Xê-út đã cảnh báo họ có thể bán hàng trăm tỉ USD tài sản ở Mỹ để tránh việc này.

Việc phủ quyết diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Ả rập Xê-út cũng có những trục trặc. Chính phủ Ả rập Xê-út trước đó đã mạnh mẽ bác bỏ việc họ có liên quan đến các vụ tấn công 11/9 và ủy ban điều tra của Mỹ về vụ việc này cũng kết luận họ không phát hiện bằng chứng cho thấy chính phủ Ả rập Xê-út tài trợ cho Al Qaeda – nhóm khủng bố đã thực hiện vụ tấn công. Tuy nhiên, ủy ban này đã để ngỏ khả năng một số quan chức Ả rập Xê-út có liên can.

Ông Obama đã giận dữ lên án kết quả của cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Mỹ, cho rằng các nhà làm luật Mỹ đã thiết lập một tiền lệ nguy hiểm với những hậu quả mà họ không hiểu được và chưa từng được thảo luận.

Phát biểu với hãng tin CNN, ông Obama cho biết ông nghĩ việc lật ngược quyền phủ quyết của ông là một sai lầm và về cơ bản là một cuộc bỏ phiếu mang tính chính trị. Thư ký báo chí của Nhà Trắng Josh Earnest chỉ trích việc lật ngược này là việc đáng xấu hổ nhất mà Thượng viện Mỹ từng làm kể từ năm 1983 cho đến nay.

Nhà Trắng cho rằng dự luật này có thể khiến các khác có hành động trả đũa, tước quyền miễn trừ mà Mỹ được hưởng ở các nơi khác trên thế giới. Ông Obama trong những ngày qua cũng cảnh báo luật này có thể “hủy hoại” các cơ quan tình báo, ngoại giao và quân sự của Mỹ. “Mỹ dựa vào nguyên tắc miễn trừ để ngăn các đương sự và tòa án ở nước ngoài phán xét các chiến dịch chống khủng bố và các hành động khác mà chúng ta thực hiện mỗi ngày” – ông nói.

Chỉ ít giờ sau khi bỏ phiếu, khoảng 30 thượng nghị sỹ Mỹ cũng đã ký vào một bức thư bày tỏ sự lo ngại về những hậu quả của dự luật, bao gồm việc Mỹ có thể đối mặt với các đơn kiện ở nước ngoài do các hoạt động quân sự và tình báo quan trọng của nước này.