Đảo Phú Quý 'khát' nước ngọt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cách TP Phan Thiết (Bình Thuận) 56 hải lý, đảo Phú Quý được mệnh danh là đảo ngọc, bởi vẻ đẹp hoang sơ, thanh bình và thơ mộng. Tuy nhiên, địa hình dốc, khả năng giữ nước ngầm thấp, bị xâm thực nhiễm mặn, biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ, khiến tình trạng “khát” nước sạch trên đảo ngày càng trầm trọng.
Đảo Phú Quý 'khát' nước ngọt

Tác động mạnh do biến đổi khí hậu

Đảo Phú Quý có diện tích nổi trên 18km2, cách TP Phan Thiết 120 km về hướng Đông Nam. Đảo có vị trí quan trọng trong định hướng phát triển hậu cần nghề cá và phát triển du lịch. Tuy nhiên, những năm qua, tình trạng biến đổi khí hậu kèm theo mực nước biển dâng, gây sạt lở làm mất đất ở, làm xói lở bờ biển, phá huỷ các cơ sở hạ tầng ven biển.

Tác động của biến đổi khí hậu làm cho tài nguyên nước ở Phú Quý thay đổi mạnh về nhiệt độ, bốc hơi, lượng mưa biến động, dẫn tới thời tiết nóng bức. Do đó, tình trạng khô hạn kéo dài, mùa mưa đến trễ, thiếu nước ngầm, thiếu nước sạch kéo dài, gây khó khăn cho sinh hoạt người dân trong mùa khô.

Hồ Long Hải, một trong 2 hồ lớn chứa nước mưa phục vụ cho nhu cầu cơ bản trên đảo
Hồ Long Hải, một trong 2 hồ lớn chứa nước mưa phục vụ cho nhu cầu cơ bản trên đảo

Việc biến đổi khí hậu kéo theo hiệu ứng nhà kính làm biến đổi toàn bộ hệ thống khí hậu và môi trường sống. Theo báo cáo của UBND huyện Phú Quý, biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng đến thời vụ, kỹ thuật tưới tiêu trong nông nghiệp, sâu bệnh tăng, sản lượng năng suất cây trồng giảm.

Hiện chất lượng nguồn nước ngầm cơ bản phục vụ đủ cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghiệp dịch vụ. Tuy nhiên, đáng lo ngại là nhiệt độ trong nước, không khí tăng đã làm giảm sức đề kháng với vật nuôi, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh dịch trên gia súc gia cầm bùng phát. Đối với thuỷ sản, ảnh hưởng gia tăng nhiệt độ trong nước làm cho một số loài di chuyển đến nơi khác hoặc di chuyển xuống tầng nước sâu hơn kéo theo sự thay đổi phân bố các loài thuỷ sản. Vấn đề này làm mất nơi cư trú và nơi kiếm mồi của các loài, khiến cho nguồn lợi thuỷ sản suy giảm.

Ông Trần Nguyên Lộc, Giám đốc sở Tài Nguyên & Môi trường (TN&MT) tỉnh Bình Thuận cho biết, qua kiểm tra 50 giếng khoan trên đảo và kết quả quan trắc diễn biến nguồn nước đảo Phú Quý có thể thấy, mùa khô năm 2022 mực nước thấp dần đều. Còn mùa mưa mực nước hầu hết tại các giếng có xu thế hạ thấp dần. Các tầng chứa nước phân bố ở khu vực núi Cấm, núi Cao Cát, chạy dọc trung tâm đảo tới phía Nam đảo Hòn Tranh và các đảo nhỏ trên mực nước biển bao quanh đảo.

Khảo sát đo kiểm cho thấy nóc tầng chứa nước biến đổi mạnh, hạ thấp dần từ tháng 1 đến tháng 11, còn từ tháng 11 trở đi, những khu vực có mưa nhỏ đều có mực nước dao động nhưng hầu hết đều giảm so với những tháng mùa khô. Quá trình đánh giá chất lượng nước dưới đất của đảo so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước (QCVN 09-MT:2015/ BTNMT) của Bộ TN&MT cho thấy chất lượng nước thấp hơn năm trước, các thành phần hoá học nước giếng đạt quy chuẩn cho phép, nhưng giá trị nước tại một số giếng giảm nhiều.

Xây dựng các hạ tầng kè biển chống xói lở, chống nhiễm mặn nước ngầm là yếu tố quan trọng để phát triển đảo
Xây dựng các hạ tầng kè biển chống xói lở, chống nhiễm mặn nước ngầm là yếu tố quan trọng để phát triển đảo

Trên cơ sở quan trắc, Sở TN&MT đề nghị UBND huyện Phú Quý khuyến khích người dân xây dựng các hồ và bi bê tông để chứa nước mưa dùng cho sinh hoạt nhằm giảm bớt lượng nước khai thác dưới lòng đất. Sở TN&MT cảnh báo, tại xã Long Hải, xã Ngũ Phụng có xây dựng hồ chứa nước mưa bên núi Cao Cát và khu vực gần chợ mới xã Ngũ Phụng để điều hoà thẩm thấu. Tuy nhiên, mật độ dân số ngày càng đông, lượng nước cung cấp ngày càng nhiều, nên lâu dài, huyện phải hoàn thiện thêm một số hồ điều tiết nước để vừa chống ngập, vừa tăng lượng nước mưa thẩm thấu vào các tầng nước dưới đất, để tăng số lượng cung cấp và có chất lượng nước tốt hơn.

Kiểm soát chặt việc khai thác nước ngầm

Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý, ông Lê Quang Vinh cho biết, trước tình trạng thiếu nước sạch, huyện có mời Đoàn Địa chất 705 tiến hành khảo sát tình hình phân bố nước ngầm ở huyện cho thấy nguồn nước ngầm tuy phân bố rộng khắp trên địa bàn, nhưng nhiều nơi ven biển bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, nhiễm sắt. Khả năng khai thác nước sạch phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt rất hạn chế. Chủ yếu khai thác các mạch nước nông ở độ sâu từ 4-50 m. Còn tổng lượng mưa bình quân hàng năm từ 84,1-131,4 mm nhưng phân bố không đồng đều giữa các tháng mà chỉ tập trung chủ yếu ở các tháng 7,8,9. Các tháng còn lại mưa ít hoặc không mưa nên rất khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân.

Bờ kè ngăn nước biển xâm nhập trên đảo

Bờ kè ngăn nước biển xâm nhập trên đảo

Theo ông Vinh, do toàn đảo chỉ có 2 hồ chứa nước mặt từ việc thu gom nước mưa là hồ Long Hải và hồ Ngũ Phụng. Nên chất lượng nước chỉ đáp ứng các nhu cầu cơ bản trong sinh hoạt, sản xuất và nông nghiệp. Nhưng với tầm nhìn lâu dài, cần phải có phương án cấp bách để bảo vệ nguồn nước và kế hoạch cung ứng mang tính chiến lược. UBND huyện đã giám sát rất chặt việc khoan giếng ở các hộ gia đình. Kiểm kê hiện trạng khai thác sử dụng nước, quản lý chặt việc cấp phép khai thác sử dụng tài nguyên nước và xả thải vào nguồn nước. Đồng thời huyện cũng tranh thủ các nguồn vốn tập trung xây dựng, củng cố các kè chống bão, chống xâm thực nước biển, chống xói lở bờ biển và các khu neo đậu thuyền tránh bão.

Xây kè chống nhiễm mặn nguồn nước ngầm

Đảo Phú Quý nằm trong khu vực Biển Đông, có đường bờ biển dài 17 km với nhiều thắng cảnh đẹp như vịnh Triều Dương, biển Bãi nhỏ, Hòn Tranh, kè Bãi Lăng, Dốc Phượt, núi Cao Cát, chùa Núi… Đảo được hình thành từ 2 loại đất chủ yếu là đất đỏ bazan với diện tích 1.200 ha và đất cát trắng 400 ha, chủ yếu phân bố ở khu vực gần bờ biển quanh đảo. Do đó, việc xây dựng các hạ tầng kè biển chống xói lở, chống nhiễm mặn nước ngầm là yếu tố quan trọng để phát triển đảo.