Đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư: Góc nhìn từ học viên

(PLVN) -Chương trình đã tạo điều kiện cho học viên chủ động chiếm lĩnh kiến thức, cung cấp góc nhìn đa chiều về kỹ năng nghề nghiệp của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, giúp học viên có cơ hội tích luỹ và phát triển kinh nghiệm nghề nghiệp sau này.

Đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư là Chương trình đào tạo được xây dựng theo hệ thống tín chỉ nhằm thực hiện Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” theo Quyết định số 2083/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình dành cho những người có trình độ cử nhân luật trở lên, với thời gian đào tạo là 18 tháng tương đương 53 tín chỉ, gồm bốn giai đoạn: Nghề luật và môi trường nghề nghiệp (Giai đoạn 1), Đào tạo kỹ năng cơ bản các chức danh (Giai đoạn 2), Thực tập nghề nghiệp (Giai đoạn 3), Đào tạo chuyên sâu (Giai đoạn 4). Là một chương trình hoàn toàn mới trong hệ thống chương trình đào tạo của Học viện Tư pháp, với nhiều chính sách ưu tiên song người học vẫn không tránh khỏi băn khoăn, so sánh về chương trình đào tạo, phương thức giảng dạy… giữa chương trình đào tạo này với các chương trình đào tạo riêng từng chức danh.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Học viện Tư pháp và các học viên trong lễ khai giảng lớp Đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư Khoá 1 lần 2
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Học viện Tư pháp và các học viên trong lễ khai giảng lớp Đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư Khoá 1 lần 2 

Từ góc nhìn của học viên đã từng cân nhắc và quyết định tham gia khoá đào tạo chung, tôi nhận thấy chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư có một số ưu thế như sau:

Thứ nhất, chương trình đào tạo chung ba chức danh hướng tới mục đích trang bị cho học viên: “Phẩm chất, kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp để tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, công nhận Luật sư”. Học viên sau khi tốt nghiệp sẽ được cấp Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát, nghề luật sư. Như vậy, chương trình đã tạo điều kiện cho học viên chủ động chiếm lĩnh kiến thức, cung cấp góc nhìn đa chiều về kỹ năng nghề nghiệp của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, giúp học viên có cơ hội tích luỹ và phát triển kinh nghiệm nghề nghiệp sau này.  

Thứ hai, nội dung chương trình được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm đào tạo các chức danh tư pháp hiện hành của một số nước trên thế giới theo hướng chuẩn hoá mô hình đào tạo các chức danh tư pháp trong xu thế hội nhập, kết hợp với đặc thù nghề nghiệp tại Việt Nam, giúp học viên có được cái nhìn đa chiều từ góc độ nghề nghiệp của cả ba chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư. Các nội dung học tập của bốn giai đoạn đào tạo được thực hiện với sự tương tác tối đa giữa các giảng viên và học viên, giữa học viên với nhau. Đặc biệt, hoạt động kiến tập trong Giai đoạn 1 giúp học viên tiếp cận với thực tiễn, được trải nghiệm môi trường nghề nghiệp tại Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân, các tổ chức hành nghề luật sư, Trại tạm giam..., từ đó đúc kết được kinh nghiệm thực tế cho bản thân, và có định hướng lựa chọn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.  

 

Thứ ba, các giảng viên tham gia giảng dạy giàu kinh nghiệm, có kiến thức chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, phương pháp sư phạm tốt với nguồn giảng viên đa dạng gồm cả giảng viên cơ hữu của Học viện Tư pháp và đội ngũ giảng viên thỉnh giảng đến từ Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, các tổ chức hành nghề luật sư và một số cơ quan, tổ chức khác. Các giảng viên tham gia giảng dạy đều đã được tập huấn về nội dung và phương pháp do đó có sự kết hợp nhuần nhuyễn từ kiến thức lý thuyết đến thực tiễn nghề nghiệp thể hiện qua các buổi song giảng, tam giảng và trao đổi kinh nghiệm.

Thứ tư, Học viện Tư pháp đã áp dụng nhiều chính sách ưu tiên đối với học viên lớp đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư như: chính sách miễn, giảm học phí; chính sách miễn bài học, môn học đối với học viên đã có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát hoặc nghề luật sư… Việc lựa chọn học cùng một lúc ba kỹ năng nghề đã giúp giảm đáng kể công sức, thời gian, chi phí tài chính cho bản thân, gia đình người học.

Thứ năm, học viên nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, tài liệu học tập… từ phía lãnh đạo Học viện Tư pháp, các thầy cô trong Khoa chuyên môn, các đơn vị khối Phòng, Trung tâm. Đồng thời, việc tham gia khoá đào tạo cũng mở ra nhiều cơ hội để tiếp cận, nâng cao kiến thức, kỹ năng như: tham dự các Hội thảo khoa học, các hoạt động chuyên môn tổ chức trong và ngoài Học viện. 

 

Để những lớp đào tạo tiếp theo sẽ đạt được chất lượng, hiệu quả, dưới góc độ học viên đã từng tham gia học tập và nhận được nhiều lợi ích từ chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, tôi đưa ra một số góp ý sau đây:

Một là, trên cơ sở kết quả các khoá đào tạo, Học viện cần tiến hành khảo sát, đánh giá sự thuận lợi, khó khăn giữa chương trình đào tạo với quá trình triển khai đào tạo để tiến hành chỉnh sửa, bổ sung chương trình đào tạo và rút kinh nghiệm trong tổ chức đào tạo. Ví dụ: Kéo dài thời gian kiến tập môi trường nghề nghiệp tại Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các tổ chức hành nghề luật trong Giai đoạn 1 của Chương trình đào tạo bởi đây là khoảng thời gian học viên được trực tiếp tiếp xúc với môi trường nghề nghiệp ngay từ khi bắt đầu tham gia khoá đào tạo. Hoạt động này giúp học viên, nhất là những học viên mới tốt nghiệp đại học, chưa có kinh nghiệm thực tiễn được trao đổi, giải đáp các thắc mắc trong quá trình định hướng nghề nghiệp. Xây dựng nhiều hơn các học phần tự chọn theo các lĩnh vực cho mỗi chức danh ở học phần chuyên sâu để học viên được chọn chức danh mình muốn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp của bản thân sau khi đã được cung cấp khối kiến thức cơ bản và trải nghiệm thực tế trong học phần thực tập.

Hai là, thu hút, lựa chọn các giảng viên có chức danh tư pháp, có năng lực chuyên môn và phương pháp giảng dạy hiện đại, khoa học đến từ Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các tổ chức hành nghề luật sư, các tổ chức khác nhằm đảm bảo đội ngũ giảng viên đa dạng, vững vàng về kiến thức, kinh nghiệm thực tế và nghiệp vụ sư phạm, từ đó truyền cảm hứng cho học viên trong học tập và trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp.

Ba là, tăng cường hơn nữa cơ sở vật chất cho hoạt động đào tạo, trang bị một số phòng học đa chức năng có hệ thống ghi âm, ghi hình nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo kỹ năng nghề cho học viên, nhất là đối với các buổi diễn án, học viên đã  trực tiếp tham gia đóng vai Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư sẽ được xem lại thông qua máy ghi hình tác phong, cử chỉ, cách xử lý tình huống của mình trong quá trình đóng vai, từ đó có điều kiện rút kinh nghiệm cho bản thân. Đặc biệt, cân nhắc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào việc triển khai đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Khi đó học viên có thể học tập mọi lúc, mọi nơi với các thiết bị được kết nối, nội dung học tập được số hoá. Giảng viên có thể thu thập dữ liệu, phân tích đánh giá chính xác về người học, theo dõi học tập của học viên, hỗ trợ chấm bài, điểm danh, soạn bài… Ngược lại, học viên có thể trực tiếp đánh giá hiệu quả học tập, chất lượng giảng dạy của giảng viên qua mỗi buổi giảng, giúp người học được trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí.

Chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư với lợi thế tạo mặt bằng chung về kiến thức, hiểu biết chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn đối với học viên, giúp học viên có thể chuyển đổi vị trí việc làm và bắt tay làm việc luôn sau khi chuyển đổi. Với tư cách là một trong những học viên đầu tiên tham gia khoá học, tôi tin tưởng rằng với kinh nghiệm hơn 20 năm đào tạo các chức danh tư pháp, Học viện Tư pháp sẽ có những giải pháp đồng bộ nhằm đổi mới về nội dung, cách thức triển khai chương trình theo hướng hiện đại, hiệu quả. Từ đó, giúp Chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư thực sự là mốc đánh dấu sự phát triển trong quá trình đào tạo của Học viện Tư pháp, thực sự mang lại lợi ích to lớn cho người học và cho xã hội./ 

Đọc thêm