Dấu ấn của những người lính thợ Binh đoàn 11 trên mặt trận sản xuất

(PLO) - Ngày 11/7, Binh đoàn 11 Bộ Quốc phòng (Tổng Công ty Thành An) sẽ khởi công dự án Nhà điều trị nội trú, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là một công trình kế tiếp trong chuỗi các công trình xây dựng bệnh viện của Binh đoàn 11, là “chiến công” của những người lính thợ ...
Chiến sỹ công binh Binh đoàn 11 rà phá bom mìn, vật liệu nổ

Những người lính làm anh hùng trên mặt trận mới 

Khi đất nước nước đã im tiếng súng, những người lính của Quân đội nhân dân Việt Nam bắt tay thực hiện một nhiệm vụ quan trọng của thời kỳ mới là xây dựng và tái thiết đất nước; tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Với những thế mạnh vốn có của những người lính đó là sức trẻ, kỷ luật thép và tri thức, khoa học kỹ thuật, một loạt đơn vị của Quân đội đã ra đời để tham gia quá trình lao động sản xuất, xây dựng và phát triển kinh tế quốc phòng.

Các đơn vị quân đội vừa giữ vai trò là các đơn vị phục vụ chiến đấu, bảo vệ tổ quốc, vừa là các doanh nghiệp nhà nước tham gia sản xuất, phát triển kinh tế để tự nuôi quân, tiêu biểu như: Tập đoàn Viễn thông quân đội (Vietel),  Binh đoàn 12 (Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn), Binh đoàn 11 (Tổng Công ty Thành An) 

Trong số các đơn vị của quân đội vừa giữ vai trò là đội quân chính quy thường trực, có nhiệm vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ quốc phòng, an ninh, vừa tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế quốc phòng chính là Binh đoàn 11 (Tổng Công ty Thành An).

Binh đoàn 11 được Bộ Quốc phòng thành lập trên cơ sở sắp xếp lại một số lực lượng xây dựng các doanh trại thuộc Tổng Cục hậu cần, Tổng Cục kỹ thuật, Tổng Cục công nghiệp quốc phòng, là binh đoàn xây dựng cơ bản đầu tiên của Quân đội Việt Nam.

Ngay khi mới thành lập (11/6/1982), Binh đoàn 11 được giao nhiệm vụ xây dựng các công trình trọng điểm của Bộ Quốc phòng và Nhà nước, làm nòng cốt trong lĩnh vực xây dựng cơ bản của toàn quân và làm nghĩa vụ quốc tế giúp hai nước bạn Lào, Campuchia. Năm 1996, Bộ Quốc phòng đã kiện toàn bộ máy của Binh đoàn 11, chính thức đặt tên Tổng Công ty Thành An. Năm 2016, Bộ Quốc phòng điều chuyển nguyên trạng Tổng công ty 789 thuộc Bộ Tổng tham mưu về Binh đoàn 11 để Binh đoàn 11 trở thành đơn vị lớn mạnh của quân đội trong lĩnh vực xây dựng, trở thành một “thương hiệu” doanh nghiệp xây dựng có sức cạnh tranh đáng nể.

Những người lính của Binh đoàn 11 thi công cao tốc Bắc - Nam, đoạn đi qua tỉnh Quảng Ngãi

Về quân số, Binh đoàn 11 hiện có gần 1.200 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và công nhân viên quốc phòng. Ngoài ra, đơn vị còn có khoảng 18.000 người lao động có trình độ cao với hơn 1.600 tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư và thợ lành nghề bậc cao. Với quá trình 35 năm xây dựng và trưởng thành, Binh đoàn 11 đã thực sự lớn mạnh để cùng một lúc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế quốc phòng, vừa phục vụ quân đội sẵn sàng chiến đấu, vừa tham gia sản xuất, phát triển kinh tế.

Các đơn vị của Binh đoàn được giao nhiệm quân sự quốc phòng như: Lữ đoàn 386, Lữ đoàn 394, Lữ đoàn 96, Tiểu đoàn công binh 524 để tiếp nhận, huấn luyện lực lượng dự bị động viên và sẵn sàng khắc phục sự cố thiên tai, cứu hộ, cứu sập; liên tục thực hiện song song hai nhiệm vụ là phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng, trọng trách lớn mà Nhà nước và quân đội giao.

Dấu ấn của các anh hùng trên mặt trận lao động sản xuất

Quá trình 35 năm tham gia lao động sản xuất, thực hiện nhiệm vụ kinh tế quốc phòng của Quân đội, Binh đoàn 11 đã để lại những dấu ấn rõ nét trong hệ thống cơ sở hạ tầng, nhà ở và trụ sở của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên khắp mọi miền của Tổ quốc.

Binh đoàn 11 tham gia thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất trên nhiều “mặt trận”, như: xây dựng nhà ở dân dụng và các cao ốc nhà ở hỗn hợp văn phòng và trung tâm thương mại; xây dựng bệnh viện, trụ sở các cơ quan nhà nước; xây dựng công trình giao thông, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, các công trình công nghiệp. Ngoài ra, những những người lính của Binh đoàn 11 còn để lại dấu ấn đậm chất lính ở các công trình doanh trại quân đội, rà phá bom mìn phục vụ xây dựng các dự án trên khắp đất nước.

Là một binh đoàn chuyên xây dựng các công trình giao thông nhưng Binh đoàn 11 lại "nổi tiếng" với vai trò là nhà thầu xây dựng rất nhiều cao ốc và các toà nhà với quy mô xây dựng lớn, kỹ thuật xây dựng phức tạp. Các công trình mà Binh đoàn 11 xây dựng gần đây phải kể đến là công trình toà nhà Tổng công ty 789 tại Hà Nội với quy mô đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, với 2 toà tháp cao 28 tầng và tổng diện tích sàn xây dựng hơn 60 nghìn mét vuông; tham gia thi công xây dựng nhà ga T1, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; Tòa nhà Quốc hội tại Hà Nội và Đà Nẵng và trụ sở của các cơ quan nhà nước quan trọng.

Phối cảnh Bệnh viên Bạch Mai (cơ sở 2) do Binh đoàn 11 thi công sẽ hoàn thành trong năm 2017

Một điều ấn tượng nữa là Binh đoàn 11 được biết đến như một đoàn quân xây dựng bệnh viện. Từ năm 2010 đến nay, trong 7 năm qua, Binh đoàn 11 đã thi công tổng cộng 13 công trình y tế quan trọng và chuẩn bị khởi công xây dựng công trình thứ 14, đó nhà công trình Nhà điều trị nội trú, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. Trong số các công trình y tế mà Binh đoàn 11 xây dựng, có những công trình có quy mô lớn và đặc biệt quan trọng đối với công tác khám, chữa bệnh của các bệnh viện, như công trình Bệnh viện Bạch Mai (cơ sở 2), công trình bệnh viện Quân y 354, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện nội tiết Trung ương.

Đối với dự án Nhà điều trị nội trú của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, là một công trình quan trọng đối với tỉnh Vĩnh Phúc trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân được tỉnh Vĩnh Phúc đầu tư khoảng 685 tỷ đồng. Đây cũng là dự án mà Binh đoàn 11 phải cạnh tranh với 4 nhà thầu khác cùng tham gia đấu thầu. Tuy nhiên, hồ sơ năng lực với bề dày thành tích, kinh nghiệm thi công các công trình y tế như trên, thực sự không ngạc nhiên khi Binh đoàn 11 nhanh chóng vượt qua các nhà thầu còn lại để trở thành nhà thầu được chọn thi công công trình quan trọng này. Trước ngày khởi công công trình Nhà điều trị nội trú Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, đại diện Binh đoàn 11 khẳng định, bằng ý chí, kỷ luật, sự tận tâm và danh dự của quân nhân, những người lính của Binh đoàn 11 sẽ hoàn thành công trình đúng tiến độ và chất lượng như yêu cầu của chủ đầu tư.

Như Thiếu tướng Nguyễn Quốc Dũng, Tư lệnh Binh đoàn 11 chia sẻ, Binh đoàn 11 là một binh đoàn kinh tế lớn đã có bề dày 35 năm, gặt hái nhiều thành tích,  đã hai lần được tặng danh hiệu Anh hùng. Các cán bộ, chiến sỹ của Binh đoàn luôn trân trọng và kế thừa, phát huy những di sản truyền thống tốt đẹp, nhưng quá khứ là hành trang, còn những người lính luôn phải hoàn thành các nhiệm vụ ở phía trước.

Đây có lẽ chính là bí quyết để đội ngũ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp và người lao động của Binh đoàn 11 thực sự trở thành những người anh hùng trên mặt trận lao động sản xuất và phát triển kinh tế, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động mà nhà nước và Quân đội trao tặng./.

Đọc thêm