Đối tượng đặc biệt nguy hiểm “sa lưới”
Đến Việt Nam để lẩn trốn, nhưng dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam, cùng sự mưu trí, tài tình, sự phối hợp chặt chẽ có hiệu quả của lực lượng cảnh sát cùng các đơn vị nghiệp vụ, đối tượng bị truy nã Michael Hugh Wilson (SN 1987, quốc tịch Hoa Kỳ) đã bị bắt giữ.
Theo tài liệu của cơ quan chức năng Hoa Kỳ, Wilson là đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm. Từ tháng 6/2008 đến tháng 7/2010, hắn đã tổ chức và điều hành một đường dây đầu tư lừa đảo lợi nhuận cao hàng triệu đô la nhằm chiếm đoạt tiền và sử dụng vào mục đích cá nhân.
Wilson đã thuyết phục các nạn nhân tham gia vào các hợp đồng đầu tư và giới thiệu rằng: những khoản đầu tư sẽ thu lợi gấp nhiều lần so với khoản tiền đầu tư ban đầu thông qua một loạt giao dịch ngân hàng tinh vi. Kết quả chỉ trong một thời gian ngắn, Wilson và các đối tượng khác đã thu lại các quỹ đầu tư lên đến hơn 10 triệu đô la.
Ngày 1/12/2010, Wilson bị các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ buộc tội Lừa đảo qua mạng. Tháng 7/2013, Wilson đã bị Cảnh sát Canada bắt giữ nhưng cho tại ngoại và dự kiến sẽ dẫn độ cho Cảnh sát Hoa Kỳ, tuy nhiên chưa kịp thực hiện thì đối tượng đã “cao chạy xa bay”.
Ngày 5/2/2016, Wilson cùng mẹ và vợ bay từ Canada tới TP.Hồ Chí Minh. Hơn 2 tháng sau, Wilson bị Ban Tổng thư ký Interpol ban hành Lệnh truy nã quốc tế theo đề nghị của Cảnh sát Hoa Kỳ.
Interpol |
Xác định Wilson là đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm, C52B Công an Việt Nam đã báo cáo đề nghị lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát cho xác lập chuyên án truy xét mang bí số “876L”. Ngay sau khi chuyên án được xác lập, ban chuyên án đã xây dựng kế hoạch, tập trung lực lượng, truy bắt Wilson.
Bên cạnh việc phong tỏa đối tượng, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, đồng thời phối hợp với Cục Cửa khẩu Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng - Bộ Quốc phòng, các đơn vị thắt chặt kiểm tra quản lý xuất nhập cảnh tất cả các cửa khẩu; phối hợp với Công an Hà Nội, Công an TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng phối hợp xác minh, truy bắt.
Ngoài ra, C52 còn đề nghị Cục Phòng chống rửa tiền – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác minh các thông tin liên quan đến đối tượng. Ban chuyên án cũng đã cử nhiều tổ công tác xác minh toàn bộ các mối quan hệ cũng như tất cả mọi thông tin giao dịch của đối tượng để có căn cứ xác định nơi lẩn trốn của Wilson.
Qua xác minh, ban chuyên án nắm được đối tượng liên tục di chuyển và lưu trú tại nhiều khách sạn khác nhau trên địa bàn Quận 2, TP.HCM nhưng sử dụng một tên khác là Benjamin Brock Brown. Sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát phát hiện đối tượng nghi vấn lẩn trốn tại phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM.
Xác định chính xác đối tượng nghi vấn là Michael Hugh Wilson, 21h ngày 23/6/2016, trinh sát đã tiến hành kiểm tra đối tượng. Tuy nhiên, đối tượng chỉ khai nhận mình là Benjamin Brock Brown, quốc tịch Vanuatu và không thừa nhận mình là Michael Hugh Wilson như trong lệnh truy nã quốc tế đồng thời quanh co không hợp tác, ngoan cố không chịu khai nhận về lý lịch bản thân.
Ban chuyên án đã phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật hình sự phía Nam (C54B) sử dụng biện pháp khoa học kỹ thuật đối chiếu dấu vân tay trong hồ sơ truy nã quốc tế với vân tay của đối tượng. Trước chứng cứ khoa học xác thực không thể chối cãi, đối tượng đã phải cúi đầu thừa nhận.
Tại cơ quan Công an Việt Nam, bước đầu đối tượng khai nhận: y sinh ra tại Hoa Kỳ và hiện mang 3 quốc tịch: hộ chiếu Hoa Kỳ với tên là Michael Hugh Wilson, hộ chiếu Canada và Vanuatu đều mang tên Benjamin Brock Brown. Sau khi hoàn thành các thủ tục bắt giữ đối tượng theo quy định, C52B đã bàn giao đối tượng cùng toàn bộ hồ sơ cho Cục C44B tiếp tục xử lý theo thẩm quyền.
Cuộc chiến còn nhiều gian nan
Do có nhiều diễn biến phức tạp về tình hình an ninh trật tự trên thế giới cũng như trong khu vực những năm gần đây, số đối tượng theo yêu cầu truy nã của cảnh sát nước ngoài ngày càng tăng. Các đối tượng bị truy nã chủ yếu phạm các tội danh nghiêm trọng như giết người, cướp tài sản, buôn lậu, trốn thuế, tham nhũng, lừa đảo, buôn bán vận chuyển trái phép các chất ma túy...
Bên cạnh đó, trước những diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm xuyên quốc gia trên thế giới và trong khu vực, đặc biệt là tội phạm khủng bố, cảnh sát các nước trên thế giới và trong khu vực như Mỹ, Anh, Đức, Lào, Indonesia, Philippines, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Ban Thư ký ASEAN... cũng thường xuyên gửi danh sách các đối tượng bị truy nã, đối tượng nằm trong diện chú ý xuất nhập cảnh, đặc biệt là các đối tượng liên quan đến hoạt động khủng bố quốc tế để cùng phối hợp rà soát và truy bắt.
Các đối tượng sau khi phạm tội ở nước ngoài đã tìm cách nhập cảnh Việt Nam theo nhiều con đường khác nhau, dưới nhiều hình thức khác nhau cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp như đi du lịch, đầu tư, làm ăn kinh tế, thăm thân...
Phối hợp truy bắt tội phạm truy nã Việt Nam – Trung Quốc |
Đối với đường hàng không, chúng chủ yếu nhập cảnh Việt Nam tại các cửa khẩu quốc tế như sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài (tập trung ở sân bay Tân Sơn Nhất). Đối với đường bộ, các đối tượng thường nhập cảnh qua các cửa khẩu đường bộ ở miền Trung và miền Nam giáp với Lào và Campuchia (đặc biệt tập trung ở các cửa khẩu giáp Campuchia) như cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), Mộc Bài (Tây Ninh), Châu Đốc (An Giang)...
Nhiều đối tượng còn đột nhập vào Việt Nam qua các đường tiểu ngạch ở khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia. Đối với cửa khẩu đường biển, đối tượng truy nã vào Việt Nam theo con đường này rất ít (hầu như không có). Phần lớn các đối tượng phạm tội hình sự nguy hiểm đều sử dụng giấy tờ, hộ chiếu giả hoặc thay đổi họ tên khi nhập cảnh Việt Nam để lẩn trốn sự truy tìm của Cảnh sát Việt Nam.
Khi nhập cảnh, rất nhiều đối tượng thường đăng ký tạm trú tại các khách sạn lớn ở Hà Nội, TP.HCM nhưng thực chất không tạm trú tại đó hoặc khai báo gian dối nơi tạm trú của mình ngay từ đầu để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng nên gây ra không ít khó khăn cho công tác quản lý người nước ngoài cũng như công tác truy tìm, bắt giữ đối tượng truy nã của lực lượng chức năng Việt Nam.
Ngoài ra, các đối tượng cũng thường xuyên thay đổi nơi ẩn náu để trốn tránh sự truy tìm của Cảnh sát Việt Nam, đặc biệt là trong các trường hợp đối tượng là Việt kiều.
Nhìn chung, các đối tượng phạm tội bỏ trốn vẫn tiếp tục lợi dụng vấn đề không đồng nhất giữa luật pháp Việt Nam và luật pháp nước ngoài cũng như một số chính sách về cư trú của nước ngoài (như chính sách cho định cư lâu dài, tị nạn chính trị, không áp dụng án tử hình đối với người phạm tội...) để lẩn trốn và gây khó khăn cho các cơ quan thi hành pháp luật của Việt Nam trong việc truy bắt.
Trong nhiều vụ việc, đối tượng truy nã đều yêu cầu có sự can thiệp của luật sư và tòa án các nước nhằm tìm cách kéo dài thời gian hoặc “bôi đen” phía Việt Nam với mục đích được tòa án chấp nhận cho định cư hoặc tị nạn ở nước sở tại.
Do có sự phối hợp giữa các đơn vị nghiệp vụ trong hoạt động phòng ngừa nên cho đến nay, các cơ quan chức năng Việt Nam chưa để lọt đối tượng nào vào Việt Nam để phá hoại, đã bảo vệ an toàn các sự kiện quốc tế lớn tổ chức tại Việt Nam. Hoạt động phối hợp trong truy bắt tội phạm của Cảnh sát Việt Nam cũng đã và đang được cảnh sát và các cơ quan thực thi pháp luật của các nước đánh giá cao.