Dấu ấn tín dụng chính sách tại huyện miền núi Cẩm Khê

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đến ngày 31/10/2024, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) đã xuất sắc hoàn thành 100% kế hoạch tín dụng cả năm, ghi dấu ấn ấn tượng trong hành trình thực hiện chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Các điểm giao dịch xã (24 điểm) của NHCSXH huyện Cẩm Khê luôn hoạt động, phục vụ nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách của người dân.
Các điểm giao dịch xã (24 điểm) của NHCSXH huyện Cẩm Khê luôn hoạt động, phục vụ nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách của người dân.

Giám đốc NHCSXH huyện Cẩm Khê Nguyễn Văn Xuân chia sẻ: “Từ những ngày đầu thành lập năm 2002, đơn vị gặp nhiều khó khăn như thiếu vốn, cán bộ yếu kém, địa hình phức tạp, thiên tai thường xuyên… Nhưng nhờ sự chỉ đạo sát sao của cấp trên, sự hỗ trợ của địa phương và các ban ngành, NHCSXH Cẩm Khê đã huy động hiệu quả nguồn vốn, triển khai các chương trình tín dụng chính sách, góp phần giúp người dân phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, cải thiện cuộc sống".

Hiệu quả của dòng vốn tín dụng chính sách đã tạo nên những đổi thay rõ nét cho diện mạo các làng quê huyện miền núi Cẩm Khê. Kinh tế - xã hội ngày càng khởi sắc, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống người dân không ngừng nâng cao, trở thành điểm sáng lan tỏa khắp nơi. Điều này được minh chứng rõ rệt khi chúng tôi theo chân cán bộ tín dụng về xã Tạ Xá - một xã công giáo toàn tòng, nơi mà 10 năm trước có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện, chiếm tới 48,9% hộ cận nghèo.

Điểm giao dịch xã của NHCSXH huyện Cẩm Khê.

Điểm giao dịch xã của NHCSXH huyện Cẩm Khê.

Để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, cấp ủy và chính quyền xã đã tích cực triển khai các chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Xã đặc biệt ưu tiên tạo điều kiện để các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Nhà nước.

Các tổ chức chính trị xã hội trong xã đã đứng ra ủy thác với NHCSXH huyện số tiền gần 30 tỷ đồng cho hơn 600 hội viên vay vốn phát triển kinh tế; khuyến khích, động viên các hộ mạnh dạn tập trung dồn đổi, tích tụ đất đai phát triển các mô hình phát triển kinh tế vườn, ao chuồng, rừng phù hợp với tại địa phương. Đồng thời, xã chú trọng nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; phối hợp với các đơn vị tư vấn để người dân đi xuất khẩu lao động tại các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)…

Ông Mai Tiến Đường - Chủ tịch UBND xã Tạ Xá (huyện Cẩm Khê) cho biết: “Hằng năm, chúng tôi đều xây dựng kế hoạch giảm nghèo để triển khai thực hiện. Theo đó, đến năm 2023, tình hình phát triển kinh tế - xã hội xã đã chuyển biến tích cực, an sinh xã hội đảm bảo, đời sống Nhân dân từng bước được nâng cao. Tổng thu ngân sách đạt gần 4,5 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,9%; hộ cận nghèo giảm còn 7,2%; xã đã đạt 17/19 tiêu chí nông thôn mới”.

Nông thôn Cẩm Khê khởi sắc nhờ dòng vốn tín dụng chính sách.

Nông thôn Cẩm Khê khởi sắc nhờ dòng vốn tín dụng chính sách.

Tùng Khê là xã thuộc chương trình 135, nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, với nguồn thu nhập chủ yếu của người dân dựa vào nông nghiệp. Khi bắt đầu thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo của xã lên tới hơn 37%.

Nhằm đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 20%, Ban chỉ đạo giảm nghèo của xã đã được kiện toàn, khuyến khích người dân mạnh dạn vay vốn chính sách, đầu tư phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, và phát triển ngành nghề thủ công nghiệp, từng bước giảm dần lao động trong nông nghiệp.

Kết quả, đời sống người dân được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm mạnh. Đồng thời, nhiều mô hình trang trại, gia trại, thâm canh cây trồng, vật nuôi cùng các tấm gương nông dân sản xuất giỏi, làm giàu chính đáng ngày càng nhiều, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn nơi đây.

Ông Trần Văn Khoa - Chủ tịch UBND xã Tùng Khê cho biết, nguồn vốn ưu đãi đã được phân bổ đúng đối tượng, giúp nhiều gia đình đồng bào dân tộc cải thiện cuộc sống và góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã trung bình từ 4-5% mỗi năm. Từ những hộ nghèo ở hai xã đặc biệt khó khăn như Tà Xá và Tùng Khê, đến nay, trên phạm vi toàn huyện Cẩm Khê, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã trở thành động lực quan trọng, hỗ trợ hàng loạt gia đình thoát nghèo, vươn lên thực hiện khát vọng làm giàu chính đáng.

Những kết quả đạt được khẳng định nỗ lực của NHCSXH Cẩm Khê trong việc huy động nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách để đầu tư phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Đồng thời, điều này cũng cho thấy cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp tại Cẩm Khê đã triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.". Việc chỉ đạo chặt chẽ trong quản lý các nguồn vốn ngân sách Nhà nước qua một đầu mối thống nhất và bố trí ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH đã tăng cường năng lực hoạt động, mở rộng nguồn vốn vay hỗ trợ các đối tượng chính sách đặc thù tại địa phương.

Tính đến 31/10/2024 nguồn vốn ngân sách của địa phương ủy thác 4.630 triệu đồng, tăng 1.948 triệu đồng so với 31/12/2023, hoàn thành 194,8% kế hoạch, góp lực nâng tổng dư nợ cho vay 17 chương trình tín dụng của NHCSXH huyện Cẩm Khê lên gần 665 tỷ đồng.

NHCSXH huyện Cẩm Khê đã xây dựng mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng phù hợp với đặc thù địa bàn miền núi. Ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên để ký kết hợp đồng ủy thác cho vay vốn chính sách, hình thành dây chuyền kết nối 4 bên: “ngân hàng, chính quyền, đoàn thể, tổ TK&VV.”. Sự phối hợp này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn vay chính sách, phát triển sản xuất, giảm nghèo nhanh và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Mô hình kinh tế trang trại của người dân nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách.

Mô hình kinh tế trang trại của người dân nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách.

Nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Cẩm Khê đã được chuyển tải nhanh chóng, hiệu quả đến 378 Tổ TK&VV ở các thôn, xã, đảm bảo mọi hộ nghèo và các đối tượng chính sách, kể cả vùng sâu, vùng xa, đều tiếp cận được nguồn vốn. Không hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc khó khăn nào bị lãng quên.

Nguồn vốn chính sách đã thực sự làm động lực thúc đẩy, giảm tỷ lệ hộ nghèo năm bình quân 2% năm; đến cuối năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo còn 6,13%, hộ cận nghèo còn 3,5%. Cụ thể, vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ 5.834 hộ thoát nghèo, 1.362 học sinh, sinh viên vay vốn đi học, tạo việc làm cho 973 lao động, xây dựng 18.926 công trình nước sạch và 385 căn nhà cho hộ nghèo. Đồng thời, nguồn vốn này còn giúp giảm tín dụng đen, thay đổi nhận thức người dân về vay và sử dụng vốn, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo.

Bí thư huyện ủy Cẩm Khê, ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: nguồn vốn tín dụng chính sách trong những năm qua đã đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, xứng đáng giữ vai trò trụ cột đối với công cuộc giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở huyện miền núi Cẩm Khê.

Nhận thức được điều đó, đội ngũ những người làm tín dụng chính sách trên vùng đất thiêng cội nguồn này tiếp tục bám sát các chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, của ngành ngân hàng và địa phương, tập trung huy động nguồn lực tài chính, tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, góp phần nhiều hơn vào mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tạo dựng sức sống mới ở huyện miền núi Cẩm Khê.

Đọc thêm