“Khát vọng Michelin”
“Sao Michelin” mang ý nghĩa tượng trưng cho chuẩn mực quốc tế về ẩm thực đã được thế giới công nhận. Đây là biểu tượng để đánh giá chất lượng của một nhà hàng. Hàng năm, các nhà hàng nhận được sao Michelin sẽ được vinh danh trong cuốn cẩm nang ẩm thực hàng đầu thế giới - The Michelin Guide - ra đời từ năm 1900. Sao Michelin được ví như Oscar của điện ảnh hay Grammy của âm nhạc.
|
Các đầu bếp Việt luôn ấp ủ khát vọng nâng tầm ẩm thực Việt. |
Một sao dành cho nhà hàng "có chất lượng món ăn ngon, xứng đáng để dừng chân thưởng thức". Hai sao là "nhà hàng có chất lượng món ăn xuất sắc, xứng đáng để khách quay lại". Ba sao (cao nhất) là nơi "chất lượng món ăn tuyệt hảo, xứng đáng để lên kế hoạch đến tận nơi thưởng thức".
Các tiêu chí đánh giá của Michelin để phong sao cho các nhà hàng bao gồm: chất lượng của nguyên liệu sử dụng; kỹ thuật nấu điêu luyện; sự hài hòa trong hương vị; cá tính của đầu bếp và chất lượng ổn định theo thời gian của các món ăn.
Lần đầu tiên, các thẩm định viên Michelin quốc tế đến Việt Nam, các nhà hàng ở Hà Nội và TP HCM sẽ được trao sao Michelin hoặc lựa chọn vào cẩm nang mới nhất công bố vào tháng 6/2023. Sự kiện được giới chuyên gia coi như một cột mốc góp phần đưa ẩm thực Việt Nam đạt tới những chuẩn mực ẩm thực quốc tế.
Bà Elisabeth Boucher-Anseli - Giám đốc Truyền thông Michelin Experiences chia sẻ tại lễ công bố ra mắt Michelin Guide Vietnam: "Khi Michelin Guide đặt chân đến Việt Nam, chúng tôi dự định sẽ thúc đẩy phát triển điểm đến ẩm thực này mạnh mẽ hơn nữa để đảm bảo rằng khách du lịch cũng như các doanh nhân sẽ dành nhiều thời gian hơn ở đất nước này và khám phá nhiều hơn".
Ẩm thực Việt Nam, với đa sắc màu trong cả nguyên liệu lẫn phong cách chế biến mỗi vùng miền, từng được thế giới ngợi ca với nhiều danh xưng, giải thưởng, xứng đáng có được những ngôi sao từ Michelin.
Nâng cao chất lượng, dịch vụ ẩm thực Việt
Tại buổi gặp gỡ báo chí với chủ đề “Hiện thực khát vọng Michelin” do Hội Truyền thông TP Hà Nội, Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Hà Nội, Hội Siêu đầu bếp Thế giới tại Việt Nam và Công ty Truyền thông Megalink tổ chức, Chef Hoàng Tùng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay.
Chef Hoàng Tùng là một đầu bếp trẻ, tài năng, nhà sáng lập T.U.N.G Dinning được giới chuyên môn trong nước và quốc tế quốc tế đánh giá cao. Chef Hoàng Tùng chia sẻ về quãng thời gian đi học, anh đã làm việc không lương tại các nhà hàng có sao Michelin để tích lũy kinh nghiệm. Anh cho rằng để làm nên một nhà hàng Michelin tốt không chỉ có đầu bếp mà còn có vai trò của người phục vụ, vì không gian thưởng thức cũng rất quan trọng. Theo Hoàng Tùng: Việt Nam rất cần các nhà hàng có sao Michelin, không chỉ giúp quảng bá ẩm thực mà còn quảng bá du lịch, văn hóa Việt Nam trên bản đồ quốc tế.
Cùng tham gia thảo luận, ông Đoàn Minh Phú, chủ của chuỗi nhà hàng Thế giới hải sản tại Hà Nội và TP HCM cho hay: "Hướng tới sao Michelin là hướng tới các sự mới lạ, độc đáo, là những thách thức của ẩm thực Việt khi món ăn phong phú, nhà hàng mọc lên như nấm nhưng không được đánh giá cao" - ông Phú bày tỏ quan điểm.
Theo Chủ tịch Hội truyền thông thành phố Hà Nội Phạm Thanh Hà: "Vấn đề hiện thực khát vọng Michelin nhận được sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng đầu bếp, chủ nhà hàng. Để thực hiện khát vọng này cần sự chung tay của nhiều bên, cần một kế hoạch, lộ trình để nâng cao chất lượng, dịch vụ của ẩm thực Việt Nam. Việc giao lưu học hỏi kinh nghiệm của các nhà hàng đã đạt sao Michelin trên thế giới là cần thiết, đồng thời cũng cần tìm kiếm bồi dưỡng các tài năng đầu bếp của Việt Nam để có thể sử dụng các kỹ thuật nấu ăn tôn vinh sự độc đáo của sản phẩm của Việt Nam. Trong tương lai, Ban Tổ chức sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh tổ chức các chương trình giao lưu ẩm thực giữa các đầu bếp quốc tế được thế giới công nhận với các đầu bếp Việt Nam".
Hiện cẩm nang Michelin có tên nhà hàng ở hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ. Cuốn cẩm nang này được Công ty lốp xe Michelin, Pháp ra mắt lần đầu vào năm 1900. Đến nay, Michelin Guide vẫn giữ nguyên cam kết ban đầu: cung cấp đến du khách quốc tế, thực khách địa phương những nhà hàng tốt nhất thế giới, tôn vinh nền ẩm thực và quảng bá du lịch.
Theo khảo sát chung về Michelin Guide, 67% du khách sẽ lựa chọn điểm đến có Michelin thay vì điểm đến không có "ngôi sao" này. Còn theo khảo sát của Ernst & Young – Dịch vụ kiểm toán chuyên nghiệp quốc tế, 57% du khách sẽ kéo dài thời gian lưu trú tại điểm đến có Michelin.
Chef Hervé Rodriguez là người có nhiều kinh nghiệm làm việc tại nhà hàng 3 sao Michelin tại Pháp, nhà hàng do ông làm chủ và là bếp trưởng đã nhận được sao Michelin sau 6 tháng khai trương. Chef Hervé Rodriguez cho rằng, khách hàng đến với nhà hàng của bạn đầu tiên là vì món ăn, nhưng để họ quay lại thì dịch vụ là một yếu tố quan trọng. “Để có được sao Michelin, bạn phải có màu sắc riêng và tôn trọng thành phẩm và nguyên liệu. Lời khuyên duy nhất dành cho những ai muốn có sao Michelin đó là: Be your self – Hãy là duy nhất, là chính bạn" - Chef Hervé Rodriguez kết lại.
Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ: "Đối với du lịch Việt Nam, có nhiều thứ hay nhưng một thứ hấp dẫn chưa được khai thác nhiều là ẩm thực Việt Nam. Ẩm thực Việt Nam đã có dấu ấn, được nhiều báo chí thế giới ca ngợi. Vấn đề là phát triển như thế nào để truyền tải nhanh nhất giá trị của ẩm thực Việt Nam với thế giới. Đầu bếp là nghề đặc biệt. Sau nhiều năm, nghề đầu bếp dần dần được đánh giá cao, thậm chí là nghề tiêu biểu, đầu bếp giỏi được nhiều khách sạn tranh nhau mời về. Những người làm du lịch luôn trăn trở để nâng cao hơn nữa chất lượng, vai trò của người đầu bếp, vì họ là những người làm nên những tác phẩm chinh phục thế giới".