Đưa công tác gia đình đi vào chiều sâu, hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thực tiễn cho thấy, một trong những mấu chốt của việc chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác gia đình nói chung, xây dựng hệ giá trị gia đình nói riêng phụ thuộc rất lớn vào vai trò người đứng đầu ở các tỉnh, thành, địa phương. Bài học kinh nghiệm chính là nơi nào cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thì nơi đó phong trào xây dựng gia đình phát triển và mang lại kết quả tốt.
Giá trị của gia đình được xác định là một trong 4 giá trị quan trọng cần được ưu tiên để xây dựng trong tình hình mới. (Ảnh minh họa - Nguồn: Hội LHPNVN)
Giá trị của gia đình được xác định là một trong 4 giá trị quan trọng cần được ưu tiên để xây dựng trong tình hình mới. (Ảnh minh họa - Nguồn: Hội LHPNVN)

Công tác gia đình gặp nhiều khó khăn

Tại TP HCM, sau bối cảnh dịch bệnh, công tác gia đình gặp nhiều khó khăn bởi thiếu các con số thống kê để qua đó thấy được thực tiễn cấu trúc gia đình, sự gắn kết của các thành viên chịu sự tác động như thế nào sau dịch; tâm, sinh lý của các cá nhân (nhất là người già, trẻ em, người có nhiều bệnh, người phụ thuộc…) thay đổi ra sao, vì thế tác động đến gia đình thế nào; vấn đề ly hôn hay xu hướng kết hôn do tác động của dịch… Những thống kê này rất cần cho công tác gia đình ở TP HCM để từ đó đưa ra các định hướng phù hợp, tuy nhiên “lực bất tòng tâm” vì nguồn nhân lực mỏng, kinh phí đầu tư cho công tác gia đình ở các địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng so với nhu cầu thực tế hoạt động ở cơ sở, việc vận động xã hội hóa trên lĩnh vực gia đình gặp nhiều khó khăn…

Tại Hà Nội, tháng 11/2023, Sở VH&TT Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm “Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thực trạng và giải pháp”. Tọa đàm đại diện quận Long Biên, huyện Mê Linh, huyện Quốc Oai đều có chung nhận định những biểu hiện tiêu cực về công tác gia đình ở một số nơi có phần trách nhiệm không nhỏ từ một số cấp ủy, chính quyền không quan tâm đúng mức. Việc vận dụng, cụ thể các nội dung của Chỉ thị cũng như các chuyên đề, chương trình của quận, huyện về công tác gia đình vào thực tế tại cơ sở còn chậm, có việc còn lúng túng, làm hình thức, qua loa. Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình còn phải kiêm nhiệm, chuyên môn nghiệp vụ hạn chế nên chưa bảo đảm việc tham mưu, theo dõi công tác gia đình…

Ngày 24/6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Chỉ thị cũng thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế, tồn tại về công tác gia đình, trong đó có: “Chưa quan tâm phát huy vai trò của cộng đồng và đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng gia đình. Chưa có giải pháp đồng bộ, kịp thời để phòng ngừa, ngăn chặn tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, lối sống thực dụng, thông tin tiêu cực trên internet và mạng xã hội tới gia đình…”.

Sự cần thiết xây dựng Nghị định mới về công tác gia đình

Có rất nhiều giải pháp được đặt ra để tăng cường hiệu quả của công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới như cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo quản lý của các cấp chính quyền đối với công tác gia đình; đưa công tác gia đình là một nội dung quan trọng trong các kế hoạch, chương trình công tác thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các địa phương cơ sở, gắn các chỉ tiêu về gia đình với các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương... Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật liên quan được kịp thời cập nhật những yêu cầu của tình hình mới cũng là yếu tố rất quan trọng.

Theo Bộ VH,TT&DL, sau hơn 10 năm triển khai, Nghị định số 02/2013/NĐ-CP ngày 03/01/2013 quy định về công tác gia đình đã bộc lộ một số bất cập, không còn phù hợp với chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác gia đình trong tình hình mới.

Cụ thể, gia đình là một trong 4 lĩnh vực thuộc Bộ VH,TT&DL nhưng hiện nay, tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, công tác gia đình được ghép với một bộ phận của lĩnh vực văn hóa. Giá trị của gia đình được xác định là một trong 4 giá trị quan trọng cần được ưu tiên để xây dựng trong tình hình mới. Vì vậy, cần phải bổ sung quy định này vào nhiệm vụ của công tác gia đình để có cơ sở tổ chức thực hiện.

Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh việc chuyển đổi số, môi trường gia đình là nền tảng, là trường học ban đầu trong giáo dục nguồn nhân lực cho đất nước. Nghị định số 02/2013/NĐ-CP tuy quy định về xây dựng cơ sở dữ liệu nhưng chưa quy định cụ thể và đặc biệt chưa định hướng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai công tác gia đình, thực hiện số hóa trong quản lý nhà nước về gia đình.

Công tác gia đình chủ yếu triển khai ở cộng đồng, tuy nhiên, nguồn nhân lực hiện nay chưa đáp ứng, trong khi việc phối hợp cùng xây dựng mạng lưới cộng tác viên ở cộng đồng là giải pháp thúc đẩy công tác gia đình.

Tại một số địa phương, Ban Chỉ đạo công tác gia đình chưa phát huy hiệu quả, việc chỉ đạo, lãnh đạo chưa quyết liệt, việc phối hợp giữa các thành viên Ban Chỉ đạo và các cấp, các ngành còn nặng về hình thức, chưa thiết thực. Các mô hình về xây dựng gia đình đã được nhiều cơ quan, tổ chức xây dựng, thí điểm và triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ gia đình phát triển bền vững và thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, việc thực hiện chưa có sự chuẩn hóa dẫn đến tình trạng chồng chéo và tính bền vững chưa cao.

Từ những thực trạng nêu trên, Bộ VH,TT&DL cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 02/2013/NĐ-CP sẽ tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho công tác gia đình; đồng thời khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong công tác gia đình thời gian qua. Bộ VH,TT&DL đề xuất 2 chính sách trong dự thảo Nghị định thay thế bao gồm: hoàn thiện nội dung quản lý nhà nước về gia đình, tăng cường cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác gia đình; khuyến khích xã hội hóa và đẩy mạnh phân cấp trong thực hiện công tác gia đình.