Chiến tranh thế giới thứ 2 đã kết thúc từ trước đó rất lâu rồi mà hai nước này vẫn chưa có được hiệp ước hoà bình do còn chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ kia. Từ trước tới nay, Nga và Nhật Bản đã nhiều lần đưa ra những đề nghị khác nhau về cách thức giải quyết cuộc tranh chấp này để dọn dẹp mọi trở ngại đối với hiệp ước hoà bình. Không có văn kiện pháp lý này thì mối quan hệ song phương cả trong thực chất lẫn trên danh nghĩa đều không thể thật sự bình thường được.
Những lợi ích chiến lược và thiết thực cả hiện tại cũng như về lâu dài buộc hai nước này phải hợp tác với nhau. Vì thế, bên nào cũng muốn giải quyết ổn thoả và nhanh chóng chuyện vướng mắc kia. Tức là thiện chí ở cả hai phía đều không thiếu. Cơ hội để hai bên khởi động quá trình giải quyết trắc trở này cũng đã xuất hiện nhiều lần.
Một vài cách tiếp cận rất thực tế cũng đã được thử nghiệm. Nhưng kết quả cho tới nay thì gần như vẫn chưa có gì đáng kể ngoài cam kết chính trị chung chung là sẽ trao đổi để cùng nhau giải quyết và sẽ cùng nhau thực hiện một vài dự án chung trên quần đảo này trong thời gian cuộc tranh chấp chủ quyền chưa được giải quyết. Chẳng hạn như hồi tháng 12/2016, hai bên đã thoả thuận với nhau một số dự án chung theo tinh thần như thế.
Ở lần gặp nhau vừa rồi giữa ông Putin và ông Abe cũng vậy. Những cam kết và quả quyết cũ về chuyện cũ này được nhắc lại nhưng cũng chỉ được đến như thế. Hai bên dẫu có muốn cũng chưa thể giải quyết được cả hai vấn đề. Nó quá khó và quá nhạy cảm về mọi phương diện. Cứ coi thiện chí và mong muốn của chính phủ hai nước là nhân tố địa lợi đi thì hiện hai bên vẫn còn thiếu cả thiên thời lẫn nhân hòa.